Hệ sinh thái “ảo” an toàn

Ðề án“Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020 - 2025” dự kiến được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này. Trả lời Báo Nhân Dân cuối tuần, ông Ðặng Hoa Nam (trong ảnh), Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LÐ-TB&XH) nhấn mạnh đến những đổi mới trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Hệ sinh thái “ảo” an toàn

- Thưa ông, nếu được Chính phủ thông qua, bản Ðề án nói trên sẽ mang lại hiệu quả như thế nào trong việc đổi mới phương thức quản lý môi trường mạng đáp ứng yêu cầu bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ từ không gian mạng?

- Ngày 5-3 vừa qua, Cục Trẻ em và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TTTT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Có thể nói, Ðề án nói trên là sản phẩm đầu tay giữa hai đơn vị quản lý nhà nước nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong môi trường mạng.

Một trong những việc cần được thực hiện nghiêm túc là cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em và phân chia theo độ tuổi. Ðây là yêu cầu bắt buộc, được quy định tại Chương V của Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT ngày 23-6-2017 về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này chưa được tiến hành triệt để, vẫn còn tình trạng chưa cảnh báo hoặc cảnh báo không đúng. Những nội dung được đưa ra cộng đồng còn chưa bảo đảm tuân thủ yêu cầu dán nhãn theo độ tuổi… Trọng tâm tới đây của Cục An toàn thông tin là tập trung vào việc tăng cường kiểm soát và xây dựng các chế tài xử lý vi phạm để nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định đã được ban hành.

Về phía Cục Trẻ em, chúng tôi đã xây dựng một số sản phẩm truyền thông hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Xét dài hạn, Cục sẽ tập trung vào xây dựng hệ sinh thái an toàn trên không gian mạng cho trẻ em với sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, tập trung vào truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng cho trẻ em, cha mẹ, giáo viên và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các DN cung cấp dịch vụ cho trẻ em trên không gian mạng.

- Tuy đã có những quy định và chế tài cụ thể về trách nhiệm của DN trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em trong không gian mạng, nhưng ý thức thực thi của các DN còn rất kém. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trách nhiệm của các công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội trong vấn đề bảo vệ trẻ em đã được đề cập rất cụ thể. Theo Ðiều 41 Luật An ninh mạng 2018 đã nêu vai trò, trách nhiệm của các DN cung cấp dịch vụ trên không gian mạng. Một số tập đoàn quốc tế: Microsoft, Facebook, TikTok…, và DN cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng của Việt Nam như: Viettel, VNPT, FPT,… đã quan tâm, có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, các chế tài xử phạt hiện chưa đủ sức răn đe vì đối với một DN mạng có doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà chỉ phạt mấy chục triệu đồng thì không có ý nghĩa gì. Do vậy, tôi cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt nghiêm minh hơn nữa. Như Bộ trưởng TTTT đã từng trả lời tại phiên họp Quốc hội chất vấn sáng 8-11-2019: Phải tăng mức xử phạt và có thể tuyên phạt mức án tù giam tới 10 năm với những cá nhân chịu trách nhiệm.

- Ông có nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ sinh thái an toàn trên không gian mạng cho trẻ. Cục sẽ có chương trình hành động cụ thể như thế nào?

- Hiện nay, Bộ TTTT, Bộ LÐ-TB&XH phối hợp với một số cơ quan liên quan đang có kế hoạch và hướng triển khai để xây dựng: Cơ sở dữ liệu và mạng lưới liên kết chặt chẽ, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, với đầy đủ các thành phần: cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, DN; cơ quan báo chí truyền thông; nhà trường, gia đình, trong đó trẻ em chính là nòng cốt.

Hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em với sự tham gia đầy đủ của các thành phần nêu trên sẽ phát huy ưu điểm, thế mạnh, hạn chế tối đa nguy cơ, rủi ro của môi trường mạng đối với trẻ em.

Bên cạnh đó, thực hiện các nghiên cứu, cập nhật về các nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng và các nghiên cứu, đánh giá về giải pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả. Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Những nội dung này đều đã được nhấn mạnh và đưa vào trong Ðề án dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này.

- Xin cảm ơn ông!