Hệ lụy từ chậm đổi mới doanh nghiệp nhà nước

Tiến độ rất chậm trong cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn Nhà nước tại các DN đang khiến mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DN này bị đẩy xa. Cũng có nghĩa là một phần nhiệm vụ quan trọng của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Sức bật của cảng Đà Nẵng được thể hiện khá rõ nét với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12%/ năm, lợi nhuận bình quân tăng gấp năm lần so thời điểm trước cổ phần hóa. Ảnh: DPN
Sức bật của cảng Đà Nẵng được thể hiện khá rõ nét với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12%/ năm, lợi nhuận bình quân tăng gấp năm lần so thời điểm trước cổ phần hóa. Ảnh: DPN

Hai đầu tàu cùng… chậm

Việc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được nhắc đến trong số những bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong CPH không có gì mới. Thậm chí, nhìn lại hai năm gần đây, hai địa phương này dường như là điểm nóng trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển DN.

Nhưng lần này, tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu xem xét nguyên nhân tại sao CPH chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu hai thành phố này.

Bởi cho tới thời điểm này, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương đứng nhất, nhì về số DN phải hoàn thành CPH đến hết năm 2020, với tương ứng là 38 và 13 DN, chiếm quá nửa số trong số 92 DN trong danh sách phải CPH của cả nước đến hết năm 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.

Nhưng đây gần như là toàn bộ danh mục DN nhà nước đáng ra phải CPH của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm 2018, theo chính kế hoạch mà hai thành phố này xây dựng, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Văn bản số 991/2017/TTg-ĐMDN (phê duyệt Danh mục DN nhà nước hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017-2020). Nghĩa là, trong năm 2018, cả hai đơn vị này đã không thực hiện CPH được DN nào trong kế hoạch.

Sự chậm trễ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khiến cho kế hoạch CPH năm 2018 và chín tháng năm 2019 của cả nước không theo đúng tiến độ. Đương nhiên, áp lực đang đổ dồn vào giai đoạn tới, khi thời gian còn lại không nhiều.

Trong chín tháng năm 2019, chín DN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, nhưng chỉ có ba DN được thực hiện đúng hạn, có nghĩa là thuộc Danh mục các DN CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. Số còn lại đều từ năm trước để lại.

Nếu tính lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9-2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Nhưng số DN thực hiện đúng hạn cũng chỉ là 36 DN, đạt 28% kế hoạch.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khi báo cáo tình hình này với Thủ tướng Chính phủ đã nói rằng: “Tình hình thực hiện CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm”.Tình hình thoái vốn nhà nước tại các DN cũng ở tình trạng tương tự.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2019, mới có 90 trong số 405 DN thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn nhà nước. Số còn lại đang tập trung vào ở Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bến Tre... TP Hà Nội một lần nữa được nhắc đến tên khi còn tới 31 DN phải thực hiện thoái vốn trong tổng số 34 DN theo kế hoạch.

Nguồn lực bị lãng phí

Cho tới thời điểm này, DNNN vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đây cũng là khu vực có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.

Đây là những nhận định trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về thực trạng hoạt động của DNNN và DN có vốn góp của Nhà nước. Điều quan trọng, báo cáo của Chính phủ các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2018 của khu vực này có xu hướng tăng lên so năm 2017.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập DN/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các DNNN năm 2018 là 12% (tương đương năm 2017); tỷ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập DN/Tổng tài sản bình quân chung của các DNNN năm 2018 là 6% (tương đương năm 2017)...

Nhưng, đây cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của DNNN chậm hơn DN ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Với tiềm lực và nguồn lực mà khu vực này đang nắm giữ, đây không phải là kết quả tương xứng. “Nhưng chính tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa doanh thu và tài sản (vốn kinh doanh) ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của DNNN nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung. Vì để tạo ra một đồng giá trị gia tăng, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn DN FDI và DN tư nhân trong nước”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu Đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nhận định.

Điều đáng nói là những chậm trễ trong CPH, thoái vốn đang khiến tình trạng không tương xứng trên bị kéo dài. Không những thế, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng khi nguồn lực lớn của nền kinh tế chưa được vận hành hiệu quả, kỷ luật thị trường chưa thật sự được vận hành trong các DNNN.

Phải nhắc lại một số mục tiêu trực tiếp liên quan đến DNNN khi thực hiện CPH, thoái vốn theo Nghị quyết số 12-NQ/TW và Quyết định 707/QĐ-TTg. Đó là đến năm 2020, DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Trên cơ sở này, khu vực DNNN kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu Nhà nước...

Chỉ còn một năm cho việc thực hiện các mục tiêu này và khối lượng công việc thật sự rất lớn ở phía trước.

Hệ lụy từ chậm đổi mới doanh nghiệp nhà nước ảnh 1

Lũy kế đến tháng 9-2019, có 36/128 DN trong danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH theo kế hoạch. Từ nay đến hết năm 2020 còn phải CPH 92 DN nữa. Về thoái vốn, chín tháng năm 2019 các DN đã thực hiện thoái 2.446 tỷ đồng vốn Nhà nước, thu về 4.673 tỷ đồng. Lũy kế tổng số vốn Nhà nước đã thoái từ năm 2016 đến tháng 9-2019 là 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.