Hằng số văn hóa và nguyên tắc ưu tiên đạo đức

Trong bối cảnh tốc độ toàn cầu hóa diễn ra ngày một nhanh chóng và mạnh mẽ, việc tạo dựng danh tính dân tộc và định vị danh tính cá nhân cần phải được dẫn dắt bởi các nguyên tắc đạo đức, dựa trên một phông kiến thức sâu về bản sắc văn hóa dân tộc, pgs, ts bùi hoài sơn (trong ảnh), viện trưởng văn hóa - nghệ thuật quốc gia việt nam, khẳng định.

- Bản sắc văn hóa luôn là một vấn đề lớn trong hành trình phát triển của mỗi dân tộc. Trong thời đại toàn cầu hóa, vấn đề đó càng có ý nghĩa và tác động lớn đến việc xác định chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, cộng đồng và mỗi cá nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, bản sắc văn hóa đang ngày càng trở thành một khái niệm mở và đa diện. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Bản sắc văn hóa là một vấn đề phức tạp. Có hai luồng ý kiến khác nhau, một ủng hộ, một phản đối sự tồn tại của bản sắc văn hóa dân tộc. Riêng tôi, tôi cho rằng, dù khó có thể định nghĩa chắc chắn, nhưng bản sắc văn hóa thật sự tồn tại khi cộng đồng cùng nhau chia sẻ những giá trị, truyền thống, phong tục tập quán và những điểm chung khác qua quá trình chung sống với nhau lâu dài trong lịch sử.

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử. Quá trình toàn cầu hóa cùng với sự cộng hưởng từ sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới khiến thế giới trở thành ngôi làng toàn cầu và phẳng hơn. Trong bối cảnh như vậy, nhiều nền văn hóa, nhiều ngôn ngữ, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán đang biến mất nhanh hơn bao giờ hết. Thế mà, mỗi một nền văn hóa chứa đựng trong nó những giá trị vô giá, nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan riêng biệt, độc đáo, mà không phải lúc nào, ở đâu chúng ta cũng có thể đánh giá hết được. Khi một truyền thống mất đi, chúng ta không có cơ hội để phục hồi chúng. Chính vì thế, bảo vệ sự đa dạng văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc là một trách nhiệm đạo đức của bất kỳ một nhà lãnh đạo ở một quốc gia nào.

Bản sắc văn hóa giờ đây được quan niệm một cách mở hơn. Thay vì việc chú trọng đi vào một định nghĩa rõ ràng, xác định những phẩm chất cụ thể, các quốc gia trên thế giới xác định bản sắc bằng cảm nhận của chính công dân của mình đối với quốc gia họ. Nhiều nghiên cứu về giá trị văn hóa thế giới, khu vực và quốc gia được tiến hành để phân tích cảm nhận của công dân đối với văn hóa của họ. Những nghiên cứu về giá trị chung châu Á, các nước Liên hiệp châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,... thể hiện nỗ lực của các quốc gia trong việc xác định bản sắc của mình từ cảm nhận của mỗi cá nhân. Như vậy, thay vì việc áp đặt những tiêu chí, mô thức chung về văn hóa quốc gia đối với từng công dân, sự cảm nhận của công dân rằng mình sở thuộc về nền văn hóa nào chính là cách làm mới, mang tính mở hơn, khách quan hơn trong quan niệm về bản sắc văn hóa.

- Nói một cách khác, toàn cầu hóa đang đòi hỏi mỗi dân tộc phải xác định một bản sắc văn hóa mới, phù hợp nhu cầu phát triển của đất nước mà vẫn không đánh mất khả năng định danh dân tộc. Ông có đồng ý với quan điểm này? Và với Việt Nam, điều đó cần nhìn nhận như thế nào?

- Tôi đồng ý rằng, bản sắc văn hóa là rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Khi chúng ta nói về bản sắc văn hóa, có nghĩa là chúng ta đang nói về sự chia sẻ, những đặc điểm chung mà chúng ta có với nhau: Một tổ tiên chung, một truyền thuyết chung, một lịch sử chung, một thói quen chung... Những thứ mà chúng ta coi trọng, chúng ta tự hào, từ đó tạo ra sự đoàn kết để các công dân của một đất nước hình thành nên sức mạnh tổng hợp cho dân tộc. Một đất nước không có bản sắc là một đất nước không thể phát triển! Vì thế câu “Văn hóa là động lực của sự phát triển” có thể được hiểu theo nghĩa này. Tất nhiên, bản sắc văn hóa không phải là cái gì đó tĩnh tại, bất biến theo thời gian. Bản sắc văn hóa vẫn có thể thay đổi theo thời gian, bối cảnh xã hội, để phù hợp với sự phát triển của đất nước. Quan niệm như thế mới giúp chúng ta tránh khỏi những tư duy máy móc, cứng nhắc trong phát triển văn hóa. Bản sắc văn hóa, về vẻ ngoài có thể vẫn vậy, nhưng nội dung thì mang đặc điểm mới. Cũng là yêu nước, nhưng yêu nước của thời chiến thì khác, yêu nước của thời bình thì khác!

Với Việt Nam, chúng ta đã rất nhiều lần nói về bản sắc dân tộc. Ngay từ năm 1998, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII) đã khẳng định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta cần xây dựng sức mạnh Việt Nam từ chính bản sắc văn hóa của mình, từ đó xác định chỗ đứng của chúng ta trong thế giới hội nhập hiện nay. Khi chúng ta biết mình là ai, mình có hành trang gì, mình cần gì, thì rõ ràng, chúng ta sẽ xác định một hướng đi thích hợp để khẳng định địa vị của đất nước, để Việt Nam là Việt Nam chứ không là bản sao của một quốc gia nào khác. Ðó cũng là cách thể hiện niềm tự hào dân tộc. Có niềm tự hào đó, chúng ta mới vượt qua được mọi khó khăn. Dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh sức mạnh ấy và cho chúng ta thấy niềm tự hào mang tên Việt Nam được thế giới ngưỡng mộ.

- Quá trình xác định bản sắc văn hóa mới nên được tiến hành như thế nào?

- Xác định bản sắc mới là một quá trình khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực của cả dân tộc. Như tôi đã nói, bản sắc văn hóa luôn có những thay đổi nhưng bao giờ cũng dựa trên những hằng số văn hóa nhất định - những thứ đã được kết tinh trong chiều dài lịch sử của dân tộc. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng đưa ra ba hằng số văn hóa Việt Nam gồm nông dân - nông nghiệp - nông thôn. Trên cơ sở ba hằng số đó, văn hóa Việt Nam ra đời, để lại cho chúng ta một truyền thống, bản sắc văn hóa đến ngày hôm nay.

Tôi nói điều đó không có nghĩa là, ba hằng số đó cố định, bất biến trong suốt chiều dài lịch sử, ấn định một khung tham chiếu cho cả dân tộc Việt Nam; hay ngoài những hằng số đó ra, văn hóa Việt Nam không còn gì cả. Tôi chỉ cho rằng, quan niệm này cho chúng ta một thí dụ để chúng ta soi chiếu vào văn hóa của dân tộc mình. Thật ra, văn hóa luôn đa dạng và phức tạp hơn những gì ta biết về nó. Việc chúng ta quy giản văn hóa vào một số hằng số, hay một số đặc điểm nào đó, chỉ đơn thuần là một thao tác khoa học để nhìn vấn đề rõ ràng hơn mà thôi. Văn hóa nào cũng có điểm tốt, phù hợp và cũng có điểm chưa tốt, không phù hợp. Vấn đề ở đây là, làm sao chúng ta đưa những nội dung mới, phù hợp với bối cảnh cuộc sống. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ của mình! Chúng ta chỉ có thể làm cho hành trang của quá khứ mang hơi thở mới của thời đại mà thôi. Trong tác phẩm "Ðời sống mới", Bác Hồ đã từng viết: "Ðời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm". Theo tôi, đây cũng là cách để chúng ta xây dựng bản sắc văn hóa mới.

- Người Việt, nhất là những người trẻ, đang ngày càng có ý thức tốt hơn về vấn đề định danh dân tộc, xác định danh tính cá nhân trong hành trình hội nhập. Tuy nhiên, dường như vẫn tồn tại một nghịch lý khá lớn, khi điều đó không song hành với việc xây dựng và hình thành ý thức công dân. Nói cách khác, người Việt ngày nay dễ được nhận biết hơn, nhưng một bộ phận vẫn chưa chú ý đến việc tu dưỡng ý thức công dân của bản thân, nên tạo nên nhiều hệ lụy, cả trong và ngoài nước. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Chúng ta đang thấy có một trào lưu tìm về bản sắc văn hóa dân tộc trong giới trẻ. Ðiều này thể hiện trong nhiều ca khúc, tác phẩm hội họa, xiếc hay điện ảnh, thời trang. Ðây là những dấu hiệu tích cực, cũng đồng thời cho thấy quy luật trong sáng tạo nghệ thuật là luôn mong muốn tìm đến những gì gần gũi với nghệ sĩ, với công chúng. Tôi thấy có một quy luật trong tiếp nhận nghệ thuật là, ban đầu là bắt chước nguyên vẹn, như trong âm nhạc là nhạc tây, lời tây, sau đó, các yếu tố Việt Nam dần được đưa vào như nhạc tây, lời ta, và tiếp đó sẽ là nhạc ta, lời ta. Tức là bản sắc văn hóa sẽ được lồng ghép dần vào các lĩnh vực nghệ thuật để các loại hình nghệ thuật này có dấu ấn Việt Nam, sáng tạo bởi người Việt Nam, vì người Việt Nam và cho người Việt Nam (tất nhiên, để đưa "hồn cốt" văn hóa Việt Nam vào các tác phẩm văn hóa nghệ thuật là điều không phải dễ). Tôi hy vọng những đúc kết của tôi cũng sẽ đúng trong lĩnh vực văn hóa nói chung.

Ðối với vấn đề bản sắc cá nhân, có lẽ đây đang là giai đoạn bùng phát của sự thể hiện cá nhân một cách thái quá. Quá trình toàn cầu hóa với việc phổ biến các giá trị, lối sống toàn cầu, sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới tạo điều kiện cho sự kết nối, tính ẩn danh, xã hội đang trong giai đoạn định hình giá trị,... đã khiến nhiều người muốn khẳng định cái tôi của mình. Quá trình cá nhân hóa đời sống văn hóa có thể có lợi hoặc hại. Trong một môi trường văn hóa, ai cũng muốn thể hiện cái tôi của mình sẽ khiến những trật tự của tập thể bị vi phạm nhưng điều đó lại khuyến khích sự năng động của cá nhân. Như vậy, cá nhân hóa, hay như cách chúng ta đang nói về xác định danh tính cá nhân, không hoàn toàn tốt hay xấu, vấn đề chỉ là, giới trẻ cần có một phông văn hóa để quá trình này vừa hợp xu thế, vừa tạo ra bản sắc mới cho văn hóa Việt Nam. Muốn vậy, cần phải trang bị cho giới trẻ những hiểu biết sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc, và luôn để những nguyên tắc đạo đức dẫn dắt mọi hành động của con người. Có thế, mọi việc làm đều là cơ hội để tu dưỡng ý thức công dân. Nhờ vậy, xã hội sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

- Xin cảm ơn ông.

Luân vũ (thực hiện)