Hà Nội trong hành trình xây dựng văn minh đô thị

Đạt được nhiều thành tựu về xây dựng văn hóa với một diện mạo ngày càng rộng lớn và vươn cao, nhưng Thủ đô Hà Nội cũng đang đối diện những cảnh báo về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử nơi công cộng, việc giữ gìn mỹ quan, trật tự đô thị... Đã có không ít giải pháp được triển khai. Song, xây dựng nếp sống văn minh đô thị là hành trình dài mà mấu chốt là sự thống nhất từ nhận thức đến hoạch định những bước đi phù hợp trong một nỗ lực kiên trì, bền bỉ.

62 năm sau Ngày Giải phóng,Thủ đô Hà Nội đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Để xây dựng văn minh đô thị, cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực từ quản lý nhà nước và ý thức của mỗi người dân. Ảnh: ĐĂ
62 năm sau Ngày Giải phóng,Thủ đô Hà Nội đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Để xây dựng văn minh đô thị, cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực từ quản lý nhà nước và ý thức của mỗi người dân. Ảnh: ĐĂ

Khoảng cách từ “làng” đến “phố”

Khi những hình ảnh cốc bia, chén rượu cùng mồi nhậu được bày tràn ở hành lang các khu chung cư cao tầng xuất hiện lần đầu trên mạng và được mệnh danh là “tiệc hành lang chung cư”, nó đã trở thành một chủ đề râm ran dư luận. Người vỗ tay tán thưởng. Kẻ gay gắt phản đối. Phe ủng hộ cho rằng những cuộc ăn uống, liên hoan như vậy góp phần làm tăng sự chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau giữa các hộ dân sống trong cùng chung cư. Phía bên kia “chiến tuyến” khẳng định việc ăn nhậu ở nơi công cộng như thế là kém văn minh, lịch sự. Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng, những việc như thế đang làm “nông thôn hóa” Hà Nội.

“Tiệc hành lang chung cư” là một trong những biểu hiện điển hình cho sự đan xen cũ - mới trong nếp văn hóa ứng xử của những con người sinh sống trên địa bàn Thủ đô. Đây là một nếp sinh hoạt “mới” xuất hiện ở Hà Nội. Chủ nhân của nếp sinh hoạt ấy phần lớn là người địa phương khác mới về Thủ đô.

Mới nghe qua thì dường như cả hai bên đều... có lý. “Điểm trừ” trong nếp sinh hoạt của người Hà Nội lâu nay là tính cộng đồng yếu hơn vùng nông thôn. Nếu bổ sung nét tính cách cộng đồng cho người Hà Nội thì còn gì tuyệt vời hơn? Nhưng, bản chất câu chuyện không dừng ở đó.

Trở lại với những khái niệm cơ bản nhất. Đó là lối sống ở nông thôn và thành thị. Ở nông thôn, với nền tảng nông nghiệp lúa nước, không gian làng đã tạo nên lối sống coi trọng tình cảm họ hàng, làng xóm, coi trọng cộng đồng. Ví như chuyện ăn uống, cỗ bàn ở quê được coi trọng, người ta có nhiều lý do để tổ chức cỗ bàn từ giỗ lạt, đến chúc thọ, các hội đồng niên, đồng ấu... Hạ tầng kỹ thuật, tổ chức không gian, quan hệ xã hội... ở thành thị hoàn toàn khác. Lối sống của người dân đô thị phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với không gian này. Đô thị có mật độ dân cư đông, thành phần đa dạng, người ta buộc phải lập ra những quy định cụ thể về hành vi đúng - sai trong ứng xử, nhất là ở nơi công cộng. Ở nông thôn, những hành vi thường được điều chỉnh bằng thiết chế phi chính thức, như dư luận làng xóm. Ví như, người ta có thể ném rác ra cái vườn rộng, cái ao làng mà không ảnh hưởng nhiều đến người chung quanh. Ở thành phố, ném rác ra đường bị coi là thiếu văn hóa, thậm chí bị phạt.

Có văn hóa nông thôn thì cũng có văn hóa đô thị, mà chủ thể là thị dân. Nhiều nếp sinh hoạt, tập quán của những người nông dân sẽ rất đẹp, nếu được đặt ở làng quê. Nhưng sẽ là không phù hợp, nếu đặt chúng vào không gian đô thị. Câu chuyện “tiệc hành lang chung cư”, cùng tất cả những biểu hiện tương tự, gây tranh luận chính vì lý do này.

Người ta vẫn nói “nhập gia tùy tục”. Trước kia, khi đến Hà Nội, người dân thôn quê phải “nghe ngóng” cách ứng xử của người Hà Nội làm sao để lựa cách xử sự hợp lý. Song, sự bùng nổ dân số cơ học khi người dân các tỉnh đổ về khiến chu trình này không còn được nối tiếp trong mấy chục năm gần đây. Cùng với đó là quá trình lập quận, lập phường chỉ căn cứ vào yếu tố địa lý, vào cải tạo hệ thống hạ tầng đã dẫn đến sự “chín ép”. Khi thành phần thị dân, vốn là chủ thể, chiếm tỷ lệ lớn dân cư ở Hà Nội chuyển lại thành một tỷ lệ nhỏ, đồng thời vai trò “chủ” và “khách” bị hoán đổi thì việc “nhập gia không tùy tục” hiển nhiên diễn ra. Một người hôm qua vẫn là nông dân, ít hôm sau trở thành người sống trong đô thị. Những nếp sống phù hợp với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên ở nông thôn được “bê nguyên” vào đô thị. Văn hóa ứng xử Hà Nội bị “làng xã hóa” là chuyện khó tránh khỏi.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội chưa đồng bộ. Thí dụ, không chỉ “tiệc hành lang chung cư” phản ánh việc thiếu không gian cộng đồng ở các chung cư, mà người dân sẽ giảm tùy tiện vượt đèn đỏ nếu không bị mối lo về tắc đường, muộn giờ làm ám ảnh...

Hà Nội trong hành trình xây dựng văn minh đô thị ảnh 1

TP Hà Nội đang xây dựng và tiến tới triển khai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm tôn bồi thêm nét đẹp trong ứng xử của người dân.

Nhận thức đúng về văn minh đô thị

Hà Nội đang đô thị hóa quá nhanh, trong khi tiến trình hình thành nếp sống lại không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Hơn thế, như một nhà nghiên cứu từng nói, sống lâu ở thành phố chưa chắc đã là thị dân, nếu không hấp thụ được các đặc trưng của văn hóa đô thị. Nhưng, như thế không có nghĩa là chúng ta đành phải phó mặc cho thời cuộc.

62 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều trăn trở về nếp văn hóa ứng xử. Hôm nay, vùng đô thị của Hà Nội rộng hơn xưa rất nhiều. Tương tự như thế là vùng ngoại thành. Dường như chúng ta vẫn có ác cảm với hai chữ “thị dân”, nên trong khi có khá nhiều nghiên cứu về đặc trưng lối sống làng xã của người nông dân thì lại thiếu những nghiên cứu về đời sống thị dân. Phải chăng vì thế mà khi triển khai các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, nhiều khi, người ta vẫn áp dụng một cách làm chung cho cả hai đối tượng? Rồi quá trình vận động xây dựng nếp sống văn hóa chung chung cộng hưởng với việc trao các danh hiệu văn hóa như Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Gia đình văn hóa... một cách đại trà và kém hiệu quả. Câu chuyện các gia đình ở quận Hà Đông phản đối kịch liệt việc gắn biển “Gia đình văn hóa” ở cổng cách đây mấy năm - điều mà đáng ra họ phải rất tự hào - phần nào phản ánh thực trạng này.

TP Hà Nội đang xây dựng và tiến tới triển khai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong các cơ quan, đơn vị như trường học, bệnh viện... Đây là một nỗ lực lớn trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giúp người dân có hiểu biết cụ thể về các hành vi đúng - sai ở nơi công cộng. Điều này rất cần thiết để “đô thị hóa” một bộ phận rất lớn người dân từ nông thôn lên sống tại Hà Nội mà chưa làm quen được với nếp sống đô thị. Nhưng cũng không thể chỉ trông chờ vào kêu gọi, vận động chung chung. Cùng với nỗ lực nâng cao nhận thức, cần song hành các biện pháp thiết lập trật tự, văn minh đô thị bằng các quy định, chế tài thực hiện nghiêm minh.