Hà Nội còn có Thành Dền…

Vườn Chuối, Thành Dền, Đình Tràng… là những di chỉ khảo cổ học quý giá của Hà Nội. Bảo tồn được những di chỉ, lưu giữ những chứng tích quan trọng về quá trình cư trú và sáng tạo văn hóa lâu đời của cư dân này, Hà Nội sẽ giữ được những chứng tích, nối dài thêm bản “lý lịch văn hóa” của mình hàng nghìn năm trước khi có lịch sử. Nhưng muốn vậy, trước tiên cần có một bản quy hoạch khảo cổ học đầy đủ, chi tiết và khả thi.

Thành Dền và nhiều di chỉ khảo cổ học khác vẫn đang chờ một quy hoạch (để bảo vệ) khảo cổ học của Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN THƠ ĐÌNH
Thành Dền và nhiều di chỉ khảo cổ học khác vẫn đang chờ một quy hoạch (để bảo vệ) khảo cổ học của Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN THƠ ĐÌNH

Một di tích quan trọng thời “tiền Đông Sơn”

Thời gian vừa qua dư luận đã ngạc nhiên xôn xao biết đến giá trị đặc biệt của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Khu di chỉ này đang đứng trước áp lực giải phóng mặt bằng cho các công trình xây dựng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết có một phương án hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Nhưng ít người biết Hà Nội còn có nhiều khu di chỉ khảo cổ học khác, quý giá nhưng đã bị lãng quên. Di chỉ khảo cổ học Thành Dền (thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội) là một thí dụ tiêu biểu.

Thành Dền có nhiều tên gọi khác nhau như Thành Cự Triền, Thành Trại hay Thành Cờ, tương truyền là nơi xưa kia Hai Bà Trưng cho đắp thành chống lại quân Nam Hán. Đã qua ba lần thám sát, bảy lần khai quật với tổng diện tích 559,5 m2 trong những năm từ 1972 - 2013, các nhà khoa học đã xác định khu vực di tích có diện tích rộng hơn 40.000 m2, và tìm thấy các sưu tập hiện vật đồ đồng, đá, gốm, xương có số lượng phong phú, các loại hình di tích độc đáo như những hố đất đen, vết tích bếp, vết tích lò đúc đồng, mộ táng, cụm gốm, cụm đất nung… mang đặc trưng điển hình của văn hóa Đồng Đậu (3.500 - 2.900 năm cách ngày nay). Đáng chú ý, tại Thành Dền đã phát hiện được dấu tích của chín lò nấu kim loại đắp bằng đất sét còn khá nguyên vẹn, số lượng lớn di vật là khuôn đúc, mảnh khuôn đúc, lõi khuôn, mảnh gốm vụn dính xỉ đồng, mảnh nồi nấu đồng, đồ đồng, các cục xỉ đồng là phế phẩm của quá trình luyện kim. Đây là những minh chứng chắc chắn về sự phát triển của một cơ sở chế tác đồ đồng quy mô lớn ở Thành Dền. Cho tới nay, đã xác định được 15 địa điểm khảo cổ văn hóa Đồng Đậu có chứa các vết tích liên quan tới hoạt động đúc đồng trong giai đoạn Đồng Đậu, nhưng ở Thành Dền vết tích dày đặc về mật độ và phong phú về loại hình nhất. Người thợ đúc Thành Dền đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ kỹ thuật, trình độ đúc đồng điêu luyện, quy mô hoạt động sản xuất đã mở rộng, thu hút đông nhân lực tham gia. Cùng với chứng tích của nghề nông trồng lúa nước, những dấu tích về nghề luyện kim đồng và chế tác đồng, những ngành nghề thủ công nghiệp với trình độ chuyên môn hóa cao được tìm thấy ở Thành Dền là minh chứng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của những cộng đồng cư dân cổ ở khu vực Hà Nội ngày nay. Rộng hơn, có thể khẳng định Thành Dền là một trong những di tích quan trọng nhất thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn ở châu thổ sông Hồng.

Mặc dù mang nhiều giá trị khoa học, văn hóa nhưng cho đến nay di chỉ Thành Dền vẫn nằm ngoài tất cả những danh sách di tích, di chỉ cần bảo vệ. Đơn giản vì nó chưa được xếp hạng nên không được bảo vệ bằng luật. Thành Dền và nhiều di chỉ khảo cổ học khác còn chờ một quy hoạch (để bảo vệ) khảo cổ học của Hà Nội.

Trong khi chờ đợi, di chỉ Thành Dền đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại do hoạt động canh tác nông nghiệp. Trở lại khảo sát Thành Dền giữa tháng 8-2020, GS khảo cổ học Lâm Mỹ Dung (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) trăn trở: “Nếu không có biện pháp kịp thời can thiệp thì chẳng bao lâu, chứng tích quan trọng nhất về một trung tâm/làng đúc đồng lớn nhất châu thổ Bắc Bộ sẽ chỉ còn trong hồ sơ và ký ức của các nhà khoa học”. 

Cần sớm có quy hoạch khảo cổ học Hà Nội 

Phía dưới Hà Nội hôm nay còn là cả một “Thăng Long - Hà Nội trong lòng đất”. Một nhà khảo cổ học nói vui (mà thật): “Cả Hà Nội là một bảo tàng lớn. Ở Hà Nội đào ở đâu cũng có thể thấy công trình khảo cổ, cũng có thể gặp hiện vật khảo cổ...”. Đó là “mối nguy” cho các nhà quản lý, các nhà xây dựng khi các di sản có thể sẽ “kìm chân” các dự án. Dường như các nhà khảo cổ học, các nhà văn hóa đang ở vị thế “đối đầu” (!) với các nhà đầu tư xây dựng, thậm chí cả các nhà quản lý khi thực hiện các dự án? 

Từ trường hợp di chỉ Vườn Chuối và Thành Dền, có thể nhìn thấy sự thiếu đồng bộ và nhất quán về quản lý, nghiên cứu và bảo tồn, chưa có quy hoạch khảo cổ học khi quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn ngày càng nhanh và mạnh đang gây nên nhiều hệ lụy và mất mát lớn cho di sản. Chính vì vậy, việc gấp cần kíp hiện nay là Hà Nội phải tiến hành xây dựng Quy hoạch khảo cổ học, trong đó xác định (tương đối) những khu vực nào có các di tích dày đặc và quan trọng, khu vực nào có mật độ di tích vừa phải, khu vực nào không có di tích. Quy hoạch đó phải được chính thức hóa về mặt Nhà nước, được phê duyệt, công bố bởi các cấp có thẩm quyền. Khi đã có một quy hoạch bảo tồn trên cơ sở thăm dò và khảo sát về khảo cổ học, chúng ta có thể đưa ra được những phương án tối ưu để bảo đảm phát triển đồng thời vẫn bảo tồn được tối đa các di sản, di tích, di vật. Và cũng cần lưu ý bảo vệ, bảo tồn không chỉ những di tích đã được xếp hạng mà phải chú ý đến cả những di tích chưa được (kịp) xếp hạng.