Gọi vốn cho chuỗi thực phẩm an toàn

Việc thông qua Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt đã tạo nên hành lang pháp lý cho thực phẩm an toàn (TPAT) phát triển. Cũng từ đó, các chuỗi Ngắn, trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng có điều kiện phát triển, dần thay cho chuỗi Dài qua nhiều khâu trung gian. Nâng cao năng lực quản trị, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng… đó là những thách thức mà các chuỗi TPAT phải vượt qua. Tuy nhiên, muốn thắng được “thực phẩm bẩn”, sẽ cần đến cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào các chuỗi TPAT.

Bác Tôm là một thương hiệu thành công trong việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Bác Tôm là một thương hiệu thành công trong việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Lấy lại niềm tin cho thực phẩm sạch

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng, phát triển được 1.254 chuỗi TPAT (tăng 436 chuỗi so sáu tháng đầu năm 2018 là 818 chuỗi), 1.452 sản phẩm (tăng 56 sản phẩm so cùng kỳ năm 2018) và 3.080 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi (tăng 528 địa điểm so cùng kỳ năm 2018). Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của chuỗi Ngắn To do các tập đoàn lớn xây dựng gần đây như VinMart, Bách Hóa Xanh và Qmart, là chuỗi Ngắn Nhỏ - là các cửa hàng thực phẩm sạch quy mô nhỏ và tiện lợi thu mua trực tiếp từ các nhóm nông hộ như Bác Tôm, Sói Biển, Tâm Ðạt và Cleverfood. Các chuỗi Ngắn Nhỏ tuy nguồn lực hạn chế nhưng đổi lại đều do giới trẻ khởi nghiệp với đam mê mạnh mẽ và nhiều sáng tạo. Họ không những thúc đẩy phong trào TPAT, mà còn góp phần khích lệ lối sống xanh, như lời kêu gọi bảo vệ môi trường bằng cách gói rau bằng lá chuối thay vì ni-lông gần đây.

Theo nhiều ý kiến chuyên gia, việc xây dựng chuỗi đã thiết lập hệ thống giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Tuy nhiên, sản lượng sản phẩm tham gia chuỗi còn ít và người tiêu dùng chưa biết nhiều đến sản phẩm thuộc chuỗi TPAT. Mức độ tăng trưởng sản phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn này cũng chưa chiếm thị phần đáng kể khi khối tư nhân chưa tham gia nhiều. Riêng về sản phẩm hữu cơ đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm gần đây, Nghị định 109/2018/NÐ-CP đã được ban hành nhằm quy định quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ. Thế nhưng, kết quả của sản xuất hữu cơ đang ở mức rất khiêm tốn. Ngay như rau hữu cơ PGS được đánh giá là dòng sản phẩm hữu cơ đầu tiên và có uy tín nhất trên thị trường Hà Nội hiện nay cũng chỉ đạt chưa đến 1.000 tấn/năm, chiếm 0,5% thị phần.

Có thể nói, xây dựng chuỗi TPAT gặp nhiều thách thức đặc trưng bởi sản xuất nông sản rủi ro cao, lòng tin người tiêu dùng bị xói mòn do nhiều vụ vi phạm ATTP đã xảy ra. Ðặc biệt, với hơn 60% dân số là nông dân so với chỉ dưới 5% ở các nước phát triển làm cho việc xây dựng chuỗi thực phẩm của chúng ta càng nhiều khó khăn.

Ngoài ra, hệ thống chứng nhận của chúng ta đang vừa thiếu vừa yếu. Chứng nhận an toàn thực phẩm như VietGAP ra đời đã lâu thì chưa nhận được lòng tin của người tiêu dùng do tần suất thanh tra thấp và bị dư luận nghi ngờ. Trong khi tiêu chuẩn hữu cơ mới được xây dựng vẫn chưa nhiều người tiêu dùng nhận biết, ngoại trừ chứng nhận Hữu cơ PGS, nhưng chỉ giới hạn ở quy mô nhỏ trên các địa bàn cận thủ đô như Lương Sơn (Hòa Bình), Duy Tiên (Hà Nam)..., ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn... Các chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA (Hoa Kỳ) thì quá đắt đỏ với phần lớn người tiêu dùng nước ta.

Gọi vốn cho chuỗi thực phẩm an toàn ảnh 1

Việc xây dựng chuỗi TPAT đòi hỏi sự kiên trì và thời gian dài lâu. Ảnh: THU THẢO

Một vấn đề quan trọng nữa là quản trị chuỗi. Chuỗi bán lẻ chỉ mới phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua và mới chiếm chưa đến 5% thị phần. Vì vậy, công nghệ quản lý chuỗi, từ phần mềm đến nguồn nhân lực, nhiều nơi đang vừa học vừa làm. Các chuỗi lại cạnh tranh gay gắt với nhau nên không chia sẻ được kinh nghiệm vốn còn nghèo nàn của mình.

Tạo sức hút đầu tư vào "chuỗi Ngắn"

Nhìn chung, chuỗi TPAT là ngành hàng đặc biệt, vừa có đóng góp to lớn phát triển nền nông nghiệp bền vững không tổn hại môi trường, vừa góp phần cung cấp thực phẩm sức khỏe cho người tiêu dùng. Do vậy, chuỗi TPAT phát triển sẽ khích lệ lối sống khỏe mạnh, và gián tiếp đóng góp to lớn và bền vững giảm bệnh tật cho người dân và giảm sự quá tải của bệnh viện. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên hấp dẫn nhiều nhà đầu tư vượt qua những thách thức trên để xây dựng chuỗi TPAT thật sự cạnh tranh bình đẳng để các chuỗi chất lượng tốt sẽ phát triển mạnh mẽ phục vụ việc nâng cao chất lượng sống cho người tiêu dùng.

Cụ thể là sớm ban hành các thông tư, nghị định để bảo đảm thực thi nghiêm minh Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi. Mục tiêu là tạo sân chơi lành mạnh cho mọi nguồn lực xã hội, từ người nông dân đến các bạn trẻ khao khát khởi nghiệp cùng góp sức với các công ty lớn xây dựng chuỗi TPAT đa kênh đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau theo phân khúc thị trường.

Cùng với đó là chính sách tích tụ ruộng đất cần ưu tiên cho sản xuất an toàn. Sự vào cuộc của địa phương, đặc biệt UBND xã là cực kỳ quan trọng giúp phát triển mô hình nhóm và hợp tác xã có ruộng đất tập trung là điều kiện cần thiết để sản xuất TPAT, đồng thời tối ưu hóa quản lý sản xuất. Ðây là cơ sở đầu tiên làm nền tảng kích thích các chuỗi Ngắn mở ra.

Cần thiết xây dựng khung pháp lý bảo đảm tuân thủ và kiểm tra dựa vào mức độ rủi ro ở từng khâu trong toàn chuỗi, đặc biệt với chuỗi Dài Nhỏ nơi có nhiều tác nhân tham gia làm cho khâu kiểm soát khó khăn hơn. Xây dựng chính sách hỗ trợ, trong đó có nguồn vốn dài hạn, để các chuỗi Ngắn phát triển đồng bộ từ sản xuất đến thị trường.

Ðã đành xu thế chuỗi cửa hàng và siêu thị thay thế cho chợ truyền thống là không thể đảo ngược, nhưng vẫn cần đến sự vào cuộc của chính sách nhằm giúp thúc đẩy một cách bền vững hơn, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Chẳng hạn như, sẽ cần thúc đẩy tư nhân hóa khâu chứng nhận, cả an toàn và hữu cơ theo hướng hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giúp chuỗi TPAT vươn ra được thị trường ngoài nước.

Ðiều cực kỳ quan trọng là công nghệ quản lý chuỗi cần được đẩy mạnh ứng dụng từ kinh nghiệm của các nước đi trước. Sự hỗ trợ của chính sách về mảng công nghệ quản lý cho các chuỗi khởi nghiệp Ngắn Nhỏ là rất hữu ích nhằm thu hút nguồn nhân lực trẻ dồi dào tham gia chuỗi TPAT, từng bước đưa TPAT mở rộng mạnh mẽ hơn, góp phần đẩy lùi thực phẩm bẩn.

Các cơ sở tham gia chuỗi cần chịu sự kiểm tra định kỳ và phải minh bạch thông tin kết quả kiểm tra giám sát. Thị trường sẽ là lưới lọc tốt nhất góp phần khích lệ chuỗi uy tín phát triển, sàng lọc, đào thải các chuỗi kém chất lượng.