Góc nhìn

* Ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam:

Góc nhìn ảnh 1

Chúng tôi luôn hướng các doanh nghiệp cạnh tranh bằng chính chất lượng hoạt động, sẽ tốt cho cả doanh nghiệp và NLĐ. Hiệp hội vẫn tích cực vận động doanh nghiệp tham gia Bộ quy tắc ứng xử COC-VN. Đây là bộ quy tắc nhằm cải thiện việc tuân thủ pháp luật trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế về di cư lao động, tăng cường quản lý doanh nghiệp và bảo vệ lao động di cư, tránh bị bóc lột. Cũng là cách để các doanh nghiệp tự chấn chỉnh mình để tốt hơn. Đến nay đã có 110 doanh nghiệp tham gia, họ sẽ được quản lý và xếp hạng.

* Ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát (Hà Nội):

Góc nhìn ảnh 2

Có một nghịch lý là không ít NLĐ muốn xuất cảnh nhanh, kiếm tiền nhanh, nhưng lại không muốn học nhiều. Có những chương trình đi XKLĐ phía đối tác miễn chi phí hoàn toàn như đi giúp việc gia đình ở Ả-rập Xê-út nhưng nhiều người vẫn lưỡng lự, không muốn tham gia học bồi dưỡng… Không học thì làm sao hòa nhập được công việc ở xứ người? Theo tôi, các công ty XKLĐ phải góp phần làm thay đổi ý nghĩ của người dân. Phải cho họ thấy rõ được trách nhiệm của mình khi tham gia hợp đồng và phải gìn giữ hình ảnh NLĐ Việt Nam. Đồng thời, những lao động trong quá trình học thể hiện ý thức kỷ luật kém, ỷ lại, lười biếng thì kiên quyết không tuyển.

* Ông Đỗ Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh:

Góc nhìn ảnh 3

Lao động chúng ta cần cù, ban đầu nước tiếp nhận rất quý. Nhưng nếu đến mức nấu rượu chui và thường uống rượu, đánh nhau thì khó chấp nhận. Chúng tôi đã cố gắng, kết hợp cùng các cơ quan chức năng, nhưng mới giảm số lao động bỏ trốn từ 53% xuống còn 34%. Có thực tế là, NLĐ của một số nước nghèo đi XKLĐ, họ rất nghiêm túc, rất tuân thủ và biết giữ hình ảnh mà chúng ta phải học tập. Trách nhiệm của chúng tôi là trong thời gian này vẫn duy trì tuyên truyền, nhằm lay thức người lao động, để cho họ thấy muốn XKLĐ hãy tìm đến chúng tôi, với một hệ thống văn phòng đăng ký. Cùng với đó, chúng tôi tổ chức hệ thống giải pháp ngay từ khâu tuyển chọn lao động, nói rõ mức chi phí và yêu cầu họ có cam kết không trốn, không phá hợp đồng.

* Ông Nguyễn Đức Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA) - trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH:

Góc nhìn ảnh 4

Theo quy định, đối với một số thị trường đặc thù và khi đưa số lượng lao động lớn đi làm việc tại nước ngoài, các công ty XKLĐ phải có cán bộ đại diện để quản lý, bảo vệ, hỗ trợ và giải quyết các phát sinh kịp thời cho người lao động, tuy nhiên, việc thực hiện quy định này vẫn chưa thật sự nghiêm túc. Các công ty XKLĐ ngoài việc chủ động phát triển thị trường còn phải tập trung vào công tác quản lý lao động, vì đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc giữ quan hệ với các khách hàng, đối tác, đồng thời bảo vệ các quyền lợi chính đáng cho người lao động. Bên cạnh đó thì việc quan trọng nữa là doanh nghiệp mong nhận được hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng cho người lao động, minh bạch thông tin về các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín, và xử lý nghiêm các công ty XKLĐ có vi phạm trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, bản thân NLĐ cũng cần sáng suốt, tìm hiểu kỹ thông tin về công ty XKLĐ và công việc mình đăng ký để tìm được một công việc phù hợp với khả năng, tránh các rủi ro và bị lừa đảo.