Gỡ “nút thắt”- cách nào?

Diễn biến khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-Cov-2 gây ra (Covid-19), đặc biệt việc bị gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc gần ba tháng qua, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp (DN). Lúc này, các DN dệt may trong nước đã có nhiều nỗ lực vượt khó, nhưng chỉ như vậy chưa đủ!

Điều lo lắng của các DN hiện tại không phải ở đầu ra mà là nguồn nguyên liệu đầu vào.
Điều lo lắng của các DN hiện tại không phải ở đầu ra mà là nguồn nguyên liệu đầu vào.

Những nỗ lực vượt khó

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long, hiện tại kim ngạch xuất khẩu của đơn vị bị giảm khoảng 40% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Mặt khác, do không có nguyên liệu sản xuất, công ty cũng buộc phải thực hiện chủ trương giảm giờ làm, một số đơn vị cho công nhân nghỉ luân phiên, khiến doanh thu sụt giảm mạnh. “Với gần 12 nghìn lao động đóng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc không được bảo đảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN sẽ bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng”, ông Bạch Thăng Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bạch Thăng Long, hiện tại, May 10 phối hợp với các khách hàng tìm giải pháp xử lý tình huống. Tuy nhiên, việc tìm được nguồn cung thay thế trong ngắn hạn là khó khả thi bởi nguyên phụ liệu sản xuất trong nước không đáp ứng đủ. Trong khi đó, tìm nguồn vật tư thay thế từ nước ngoài lại cần có nhiều thời gian. Để giảm rủi ro, May 10 cũng xác định đẩy mạnh, phát triển thị trường nội địa nhằm khỏa lấp những khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài vẫn phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu ngoài Trung Quốc thay thế, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tương tự, Giám đốc Công ty Hóa dệt Hà Tây Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm: “Mặc dù DN đã chủ động được khoảng 85% nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước và chỉ phải nhập khẩu khoảng 15% nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng trong đó có tới 90% chi tiết của sản phẩm phải nhập từ Trung Quốc, số còn lại nhập từ các nước và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Vì vậy, khi bệnh dịch lan rộng trên thế giới, nguồn nguyên liệu đầu vào chắc chắn sẽ bị gián đoạn, tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Mặt khác, mặc dù giá trị nhập khẩu chỉ hơn 10%, nhưng lại phân bổ gần như tất cả các sản phẩm. Nếu không thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, DN sẽ không thể hoàn thiện sản phẩm theo hợp đồng cho các khách hàng. Do đó, chuyện bị phạt vì chậm tiến độ giao hàng là điều rất dễ xảy ra”.

Chung quan điểm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dệt may Thanh Bình Nguyễn Thị Bình chia sẻ: Điều lo lắng của các DN hiện tại không phải ở đầu ra mà là nguồn nguyên liệu đầu vào, trong đó các nguyên liệu như vải, cúc, khóa... đều phải nhập từ Trung Quốc. Để bảo đảm hoạt động, công ty phải tính đến việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu mới, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì để nhập khẩu cần phải kết nối được nhà cung ứng và phù hợp với giá cả của sản phẩm.

Cần đến gói giải pháp đồng bộ

Thời gian gần đây đã có một ít vải nguyên liệu từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam, chủ yếu từ các tỉnh phía nam của Trung Quốc, nhưng chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu nguyên liệu của các DN. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh (Agtex): “Có thông tin một số nhà máy của Trung Quốc đã hoạt động trở lại nhưng không rõ khả năng cung ứng của họ thế nào nên chúng tôi vẫn rất lo. Tuy nhiên hiện có một số DN trong tập đoàn đã tìm thấy một số cơ hội ở các thị trường ngách như khẩu trang, quần áo bảo hộ chuyên dụng, không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn phục vụ xuất khẩu đi thị trường quốc tế...”.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong hai tháng qua đạt 5,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm của dệt may Việt Nam bị giảm (trong khi so bình quân các năm trước giai đoạn 2015-2019, lượng kim ngạch xuất khẩu đều tăng 10%). Mặc dù nguồn nguyên vật liệu ngành dệt may đã được cung ứng trở lại giúp các nhà máy có đủ nguyên liệu cơ bản cho sản xuất trong tháng 3 và tháng 4, tuy nhiên, rủi ro hiện nay là kinh tế thế giới bị suy giảm nên tổng cầu thế giới giảm, sẽ gây khó khăn cho đơn hàng và cả đơn giá hàng hóa trong những tháng cuối năm 2020. Mặt khác, để chủ động được hoạt động sản xuất, chúng ta bắt buộc phải giải được bài toán về “nút thắt cổ chai” của ngành dệt may nằm ở khâu sản xuất dệt, nhuộm hoàn tất.

Muốn làm được điều này, Nhà nước cần phải có các cơ chế đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính để DN yên tâm đầu tư, sản xuất. Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang đề nghị: Nhà nước cần khẩn trương xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035 - 2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Thêm vào đó, Bộ Công thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may, da giày; cũng như sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho ngành bứt phá.

Và hơn lúc nào hết, các DN cần chủ động tìm tòi, đầu tư sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, bắt tay chặt chẽ với bạn hàng cùng tìm phương án giải quyết các khó khăn trước mắt, cũng như đẩy mạnh phát triển về lâu dài.

Khoảng 50% thành viên Agtex có thể hết nguyên liệu sản xuất vào cuối tháng 3.