Giáo dục nghề nghiệp cần bước chuyển về “chất”

Trong những năm qua, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của nước ta bước đầu đã có những dấu ấn đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu thế quốc tế hóa nguồn nhân lực…, Việt Nam cần sớm xây dựng chiến lược đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Cần đổi mới toàn diện công tác dạy nghề để đáp ứng thị trường lao động chất lượng cao. Trong ảnh: Học viên thực hành nghề cơ điện tử tại Trường trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - TP Hồ Chí Minh
Cần đổi mới toàn diện công tác dạy nghề để đáp ứng thị trường lao động chất lượng cao. Trong ảnh: Học viên thực hành nghề cơ điện tử tại Trường trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - TP Hồ Chí Minh

Đòi hỏi ngày một cao hơn

Có thể nói, sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp (DN) về GDNN đã được thể hiện rõ nét qua thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế ngày càng tăng cao với khoảng gần 90% số học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt 100%. Nhiều năm gần đây, đã có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đạt những thứ hạng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực Đông-Nam Á, thế giới và gần nhất là vào tháng 8 - 2019, tại Kỳ thi Tay nghề Thế giới tổ chức tại Kazan (Nga), Đoàn Việt Nam đã giành một Huy chương bạc, tám Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, đứng thứ 25/63 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đã tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh, trong đó, yếu tố Kỹ năng đã tăng bốn bậc (từ vị trí 97 đến vị trí 93). Điểm Chất lượng đào tạo nghề nghiệp nằm trong yếu tố Kỹ năng đã tăng từ vị trí 115 tới vị trí 102 (tức là tăng 13 bậc so năm 2018).

Những kết quả nói trên là rất đáng khích lệ, tuy nhiên, xét toàn diện, thị trường lao động của Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, quy mô lực lượng lao động quý II-2019 đạt 55,46 triệu người, trong đó lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37%; quy mô tuyển sinh đào tạo chưa tương xứng với năng lực của hệ thống GDNN và nhu cầu của thị trường; việc phân luồng học sinh sau trung học vào GDNN còn nhiều khó khăn; cơ cấu ngành, nghề đào tạo còn bất hợp lý, chủ yếu tập trung ở những ngành nghề phổ biến; chất lượng, hiệu quả đào tạo của một số cơ sở chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của DN. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam còn thấp.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tính theo sức mua tương đương (PPP) năm 2018, mức năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,3% của Xin-ga-po, 37% của Thái-lan, 19% của Ma-lai-xi-a, 44,8% của In-đô-nê-xi-a, 55,9% của Phi-li-pin. Điều này cho thấy, Việt Nam phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực.

Theo quy luật phát triển, các quốc gia khi đạt mức thu nhập trung bình đều phải đối mặt thách thức về lợi thế cạnh tranh. WB đã tổng kết và chỉ ra rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, số các quốc gia thoát được đói nghèo để đạt mức thu nhập trung bình là không nhiều, và số quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển còn ít hơn. Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn, thách thức.

Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam sẽ cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và đạt đến mức tăng trưởng bền vững. Điều này đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa, với những sinh viên tốt nghiệp từ một hệ thống phát triển kỹ năng nghề nghiệp chất lượng cao, được người sử dụng lao động tin tưởng. Đây phải là một thị trường lao động cho phép học tập suốt đời, và bất kể ai cũng có thể tiếp cận với hệ thống GDNN.

Cần những giải pháp đồng bộ

Muốn duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nhưng muốn đổi mới, sáng tạo, thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

Bởi thế, ngay từ bây giờ, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin và truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù. Đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học theo chương trình 9+.

Chúng ta cũng phải tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích DN tham gia hoạt động GDNN; thí điểm thành lập các hội đồng kỹ năng ngành trong một số lĩnh vực ưu tiên; xây dựng mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực GDNN.

Thực hiện tự chủ toàn diện; chuyển đổi hoạt động của các cơ sở công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như DN; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội. Từ đó, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN; phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tiếp tục thí điểm đào tạo cho sinh viên của các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao và cấp bằng của nước ngoài.

Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và phù hợp yêu cầu thực tiễn; xây dựng chương trình mục tiêu, đề án, dự án đổi mới, gắn với đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước về GDNN; thúc đẩy xã hội hóa, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các DN.

Giáo dục nghề nghiệp cần bước chuyển về “chất” ảnh 1

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, điểm Chất lượng đào tạo nghề nghiệp nằm trong yếu tố Kỹ năng của Việt Nam đã tăng 13 bậc so năm 2018. Ảnh: HẢI NAM

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Văn Học