Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện

Mobile-Money (MM) là giải pháp thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ thanh toán không tiền mặt một cách toàn diện, nhưng cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi Ro... Ông Phạm Tiến Dũng (trong ảnh), Vụ trưởng Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trả lời Nhân Dân cuối tuần về những điểm quan trọng trong cách thức quản lý đối với dịch vụ này.

Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện

- Có thể nói các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều rất nóng lòng được nhập cuộc đua MM. Ông dự báo thế nào về triển vọng thị trường mới mẻ này?
 
 - Ngày 9-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc triển khai thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (QĐ 316). Với gần 125 triệu thuê bao di động, khoảng 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, cơ hội cho việc phát triển dịch vụ MM (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) tại Việt Nam là rất lớn. Việc phát triển MM sẽ cung cấp cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng, đối tượng người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... có thêm một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt một cách nhanh chóng và thuận tiện. Từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy tài chính toàn diện theo chủ trương của Chính phủ.
 
 - Một trong những điều khách hàng băn khoăn là quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm thế nào khi sử dụng MM. Vậy trong quá trình thiết kế chính sách, điều này được tính toán như thế nào, thưa ông?
 
 - Ngay từ lúc dự thảo QĐ 316, chúng tôi phải nghĩ đến vấn về bảo đảm quyền lợi cho khách hàng ở các khía cạnh cơ bản như sau: Thứ nhất, bảo đảm số tiền của khách hàng nạp vào MM, và khi khách hàng nạp tiền vào MM thì các nhà mạng phải mở tài khoản tại ngân hàng để gửi số tiền tương ứng vào tài khoản này và không được sử dụng cho mục đích khác với các nội dung quy định tại QĐ 316. Thứ hai, bảo đảm về thông tin, hệ thống cung ứng dịch vụ MM được xây dựng dựa trên yêu cầu đối với hệ thống thông tin cấp độ 3 của quốc gia, vậy nên hệ thống MM có khả năng bảo vệ thông tin liên quan tới khách hàng một cách hiệu quả, an toàn. Thứ ba, bảo đảm sử dụng MM thanh toán cho các dịch vụ hợp pháp, tức là khi đã nạp tiền vào MM rồi, các bên liên quan phải cung cấp dịch vụ, kết nối, thiết lập mạng lưới với các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ MM thanh toán cho các dịch vụ hợp pháp với phạm vi đã được quy định trong QĐ 316.
 
 - Quyết định này có đưa ra lộ trình hai năm để thực hiện thí điểm dịch vụ. Liệu rằng khoảng thời gian này có đủ cho DN nhập cuộc và các cơ quan quản lý hoàn thiện khuôn khổ pháp lý không, thưa ông?
 
 -Tôi xin giải thích trong QĐ 316 nêu rõ là: hai năm kể từ ngày DN đầu tiên được cấp phép thí điểm, chứ không phải là hai năm kể từ ngày 9-3-2021. Theo đánh giá của NHNN, cũng như các bộ, ngành khi xây dựng QĐ 316, đây là khoảng thời gian đủ để có thể nhận diện các vấn đề, cũng như tổng kết, đánh giá các tác động của dịch vụ MM.
 
 Ngoài ra dịch vụ MM là dịch vụ mới tại Việt Nam, do đó, để triển khai bảo đảm an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng nội dung tại QĐ 316.
 
 -Xin cảm ơn ông!