Giải hạn cho vùng đất khát

Kinh Xóm Chùa xẻ dọc khu vực Tổ 6 (ấp 10A, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thành hai xóm tách biệt. Một bên xóm có lộ bê-tông, có đường ống cấp nước đến tận nhà. Trong khi bên còn lại chỉ có lộ đất đen, người dân luôn trong tình cảnh “khát khô” vào cao điểm mùa khô hạn…

Nỗ lực mở rộng đường ống về vùng nông thôn xã Trần Hợi.
Nỗ lực mở rộng đường ống về vùng nông thôn xã Trần Hợi.

Vùng ngọt khát nước ngọt

Trưa, ngày nắng hầm hập đầu tháng 4, tôi có dịp trở lại nhà ông Tăng Văn Siêu, trưởng ấp 10A của xã Trần Hợi. Năm trước, cũng vào thời điểm này, mấy luống rau cạnh nhà của ông Siêu héo queo vì thiếu nước tưới. Nhưng giờ xanh mơn mởn… Hỏi ra mới biết, trong mùa khô 2019 - 2020, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh Cà Mau mở rộng thêm 850 m đường ống dẫn nước còn lại, giúp cả xóm bên phía nhà ông Siêu có nước sạch sinh hoạt, thoát cảnh “khát nước” vào mùa khô. “Hồi trước sử dụng giếng khoan, bơm lâu lắm mới được một lu nước, mỗi tháng tốn thêm cả trăm nghìn tiền điện nhưng phải rất hà tiện. Từ khi có nước dẫn tới tận nhà, tiêu thụ điện giảm hơn 50% nhưng xài nước thoải mái, rau màu cũng không lo bị chết vì thiếu nước tưới”, Trưởng ấp 10A chia sẻ.

Khu vực gia đình ông Siêu sinh sống nằm dọc tuyến Kinh Xóm Chùa. Tuyến Kinh dài khoảng 1,5 km, bên mé nhà ông Siêu có 30 hộ dân, được tiếp cận nước nối mạng từ Trạm nước xã Trần Hợi hơn sáu tháng qua. Trong khi đó, phía đối diện có 25 hộ dân đang sinh sống, tình cảnh ngược lại. Ðến nay, người dân bên ấy vẫn sử dụng nước từ giếng khoan quy mô hộ gia đình. Có hộ không khoan được giếng, phải xin nước hộ lân cận và đào thêm ao, đìa trữ nước. Chị Cao Thị Út, một trong những hộ dọc tuyến Kinh Xóm Chùa, thổ lộ: “Gia đình kinh tế khó khăn nên chưa khoan được giếng, toàn đi xin nước về sử dụng nên rất phụ thuộc và tốn thời gian. Lắm lúc hàng xóm đi vắng, nhà hết nước xài phải đi xa hơn mới xin được nước. Trong khi đó, nước dưới ao, đìa mùa khô bị cạn, không đủ cho bầy vịt tắm và bơi lội”.

Mùa khô 2019 - 2020, xã Trần Hợi được hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương, có tiền đấu nối và mở rộng thêm được khoảng 32 km chiều dài tuyến ống dẫn nước. Nhờ đó mà hiện tại, toàn xã có 1.802/3.693 hộ dân đã tiếp cận được công trình nước sạch tập trung. Số còn lại, bà con vẫn sử dụng giếng khoan nhỏ lẻ và đào thêm ao trữ nước. Vào cao điểm mùa khô như hiện nay, nước trong ao phần lớn đã cạn khô. Trong khi đó, giếng khoan trong dân bơm khá lâu mới có nước nhưng chất lượng không bảo đảm. “Mấy tháng mùa khô như hiện nay, gia đình tôi phải mua thêm nước lọc để dùng cho ăn uống chứ nước giếng nhiễm phèn, chỉ dám tắm, giặt thôi” - Chị Nguyễn Thị Trinh (ấp 10A, xã Trần Hợi) chia sẻ nỗi khổ việc thiếu nước rồi đưa tay lên mái tóc vàng như cháy nắng của mình, nói vui: “Tắm nước nhiễm phèn lâu ngày nên cái tóc của tôi giờ nó vàng như nhuộm”.

Khai thác tối đa mô hình cấp nước

Cà Mau có ba bề giáp biển, là tỉnh duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Công. Nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt chủ yếu được khai thác từ giếng khoan ngầm dưới lòng đất. Khá nhiều nơi nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, không bảo đảm trong sinh hoạt, ăn uống. Ðó cũng là lý do còn hơn chục nghìn hộ dân “khát nước” mỗi khi vào cao điểm mùa khô hạn, chưa kể thiếu trầm trọng nước ngọt phục vụ sản xuất. “Do nhiều nguyên nhân, hiện vẫn còn một bộ phận cư dân vùng nông thôn Cà Mau “khát nước”, trong đó có nguyên nhân do thiếu kinh phí xây dựng trạm cấp nước hoặc do điều kiện địa chất vùng đó chưa khoan được giếng nước ngầm, hoặc có khoan nhưng nước ngầm bị nhiễm phèn-mặn, không bảo đảm sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống” - ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Cà Mau cho biết.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT Cà Mau Lê Công Nguyên, mùa khô 2019 - 2020, Cà Mau nối dài, mở rộng thêm được hơn 100 km đường từ các công trình hiện hữu. Nhờ đó, đã giải quyết cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt cho thêm khoảng 3.000 hộ thuộc nhóm đối tượng ở khu vực gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng, kéo giảm số hộ thiếu nước toàn tỉnh từ hơn 20 nghìn xuống còn khoảng 17 nghìn hộ như hiện nay. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã đầu tư được 240 công trình cấp nước tập trung phục vụ người dân vùng nông thôn, nâng tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn của tỉnh có nước sinh hoạt lên 93%.

Ðể thực hiện được mục tiêu 96% hộ dân vùng nông thôn có nước hợp vệ sinh dùng trong sinh hoạt vào năm 2025, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ Trung ương để nâng cấp, đấu nối, hòa mạng các công trình nhỏ lại với nhau nhằm khai thác tối đa mô hình cấp nước tập trung quy mô liên xã, liên huyện. Cùng với đó là đầu tư vốn khoan giếng tập trung, xây dựng mới công trình cấp nước tập trung tại những nơi chưa có công trình cấp nước. “Trong điều kiện đặc thù của Cà Mau chưa có nguồn nước ngọt bổ sung từ nơi khác thì tạm chấp nhận giải pháp khai thác nước ngầm, kết hợp các công trình trữ nước mưa để cấp nước cho dân” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết: Tới đây tỉnh sẽ triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt ở khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Khi có hồ đủ lớn, Cà Mau sẽ có thêm nguồn nước đấu nối vào hệ thống nước nối mạng cung cấp cho dân sử dụng, vừa có thêm nguồn nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô.

Ðể giải quyết căn cơ bài toán “khát nước” vùng nông thôn Cà Mau, ông Tô Quốc Nam đề xuất: Khi thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé hoàn thành, cần hoàn thiện nốt hệ thống thủy lợi trên để dẫn nước ngọt từ Cái Lớn, Cái Bé và hệ thống sông Hậu về Cà Mau. Khi có thêm nguồn nước ngọt bổ sung, Cà Mau không chỉ khai thác được nước mặt phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, mà còn phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất hệ ngọt rộng lớn hơn 400 nghìn ha vùng Quản lộ Phụng Hiệp, U Minh Hạ và vùng Nam Cà Mau.