Giấc mơ không biên giới

Từ những ấp ủ để đưa một nhãn hiệu thời trang I-ta-li-a trở thành sự lựa chọn của nhiều người Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch HĐQT Giovanni Group hướng đến một cách thức làm thương hiệu khác biệt. Không chỉ vậy, ông còn
muốn đào tạo và hỗ trợ công nhân, nhân viên trở thành người chủ trong chính doanh nghiệp của mình.

Giấc mơ không biên giới

- Thưa ông, Giovanni hiện là thương hiệu nổi tiếng ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Ðể có thành công hôm nay, xin ông cho biết đâu là điểm mấu chốt?

- Mục tiêu của chúng tôi là "Tái hiện nét thanh lịch tự nhiên và phong cách I-ta-li-a tại Ðông - Nam Á". Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc phục vụ khách hàng với những sản phẩm tinh tế và sang trọng cùng chất lượng vượt trội và phong cách thanh lịch tự nhiên, nhưng vẫn trong khả năng chi trả của khách hàng ở phân khúc cận xa xỉ. Chúng tôi luôn cập nhật xu hướng thiết kế và công nghệ tiên tiến, trong khi vẫn bảo tồn những giá trị thủ công truyền thống.

Tôi không tin vào số mệnh được viết sẵn, nhưng tôi tin vào đam mê cùng những cam kết của cá nhân và tập thể, đối với việc phục vụ cộng đồng và sự phát triển chung của đất nước.

- Luôn đi đầu về tính ứng dụng trong thực tiễn sử dụng và giá trị mang lại cho khách hàng, đây được coi là lợi thế trong cạnh tranh. Vậy hướng phát triển và đầu tư thời gian tới của Giovanni là gì, thưa ông?

- Từ một nhà phân phối, chúng tôi đang định hướng phát triển sản xuất để tiến tới hoàn thiện chuỗi giá trị của mình. Chúng tôi cung cấp đầy đủ các mặt hàng may mặc và phụ kiện da cho nam và nữ, phục vụ các khách hàng trong độ tuổi và mức thu nhập khác nhau. Có thể kể đến áo sơ-mi và áo khoác nam, dây lưng nam, giày và túi cho nam và nữ mang các thương hiệu của tập đoàn là Giovanni Sartoria (thương hiệu thời trang nam phân khúc
xa xỉ), Giovanni (trang phục và đồ da nam) và GioGio (thời trang và phụ kiện nữ) ở phân khúc cận xa xỉ, cùng với thương hiệu trẻ Gio Bernini.

Hướng đầu tư tiếp theo ư? Ðầu tiên, chúng tôi đang chuyển dịch đầu tư dần từ bán lẻ sang sản xuất. Ðịnh hướng thứ hai là vươn tầm mở rộng hệ thống phân phối ra khu vực Ðông - Nam Á và châu Á. Ðịnh hướng thứ ba là đầu tư cung cấp trải nghiệm mua sắm và xuyên suốt cho khách hàng trên cả môi trường online và offline.

Ở Giovanni Group, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Ðây là yếu tố quyết định để định vị rõ giữa thương hiệu thời trang xa xỉ, cận xa xỉ, cao cấp hay "bình dân". Ðây cũng là yếu tố khó nhất trong thời trang.

- Ông từng chia sẻ muốn đưa những công nhân và nhân viên của mình thành những ông chủ nhỏ… tại sao vậy?

- Tôi tin rằng, trong mỗi người, mỗi thành viên của Giovanni Group đều có ngọn lửa khát khao xây dựng cái gì đó của riêng mình. Chúng tôi, bên cạnh việc thấu hiểu tâm ý này, đang nỗ lực tạo ra một môi trường để mỗi người đều có cơ hội tìm thấy mình, nhìn thấy khát vọng của mình ở trong Tập đoàn, và được trao những cơ hội để biến khát vọng thành hiện thực. Ðầu tiên đó là định hướng, là lộ trình thăng tiến phát triển, tiếp theo đó chính là sự hoàn thiện về năng lực, phẩm chất cá nhân, tiếp theo nữa là sự bảo đảm cơ chế đãi ngộ, bảo đảm cuộc sống vật chất và tinh thần. Quan trọng nhất, đó là việc chúng tôi sẽ đa dạng hóa cơ hội sở hữu, phát hành cổ phiếu ưu đãi, để những người xứng đáng sẽ thành những ông chủ trong chính đơn vị làm việc của mình.

- Trong một thế giới đang ngày một thay đổi bởi tác động từ Cách mạng 4.0, ông nghĩ gì về cơ hội của ngành dệt, may, da và giày Việt Nam?

- Với làn sóng cuộc cách mạng kỹ thuật số (digital transformation), cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp thời trang là rất lớn. Nếu cách đây 10 năm, chúng tôi phải thực hiện các chương trình quảng bá với nhiều độ trễ và nhiều chi phí mới chạm đến được khách hàng tuyến huyện ở các tỉnh, thì hôm nay chỉ thông qua vài câu lệnh và cú click chuột chúng tôi đã có thể tiếp cận ngay. Nếu cách đây 10 năm, để thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, chúng tôi phải làm các nghiên cứu rắc rối, phức tạp và kém tin cậy thì ngày hôm nay chúng tôi có cơ hội để có được các thông tin chuẩn xác về các khách hàng tiềm năng, thậm chí trước cả khi khách hàng biết được họ có nhu cầu đó. Nếu trước đây các hoạt động ATL (truyền thông trên bề rộng) rất khó đo lường hiệu quả, rất khó kiểm soát chất lượng thì ngày hôm nay các hoạt động ấy gắn kết chặt chẽ và được đo lường chính xác.

Cơ hội thứ tư đến từ cuộc cách mạng AI, chúng tôi có thể phục vụ khách hàng tới tận nhà. Với các thông số hình thể của mình, khách hàng chỉ việc nhập liệu thông qua phần mềm một cách đơn giản và ngắn gọn. Thậm chí, chỉ cần một hình chụp, hệ thống phần mềm sẽ dựa trên hình thể, dựa trên xu hướng sống, môi trường hoạt động lập tức đưa ra tư vấn cho khách hàng những sản phẩm phù hợp nhất của chúng tôi.

Chính từ việc thay đổi cơ cấu tổ chức, thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc, tương tác với các cơ quan báo chí thông tấn, các kênh truyền thông và các đơn vị cung cấp nội dung để khai thác tối đa nền kinh tế hành vi và nền kinh tế số, chúng tôi có thể có cơ hội dẫn đầu trong nền kinh tế số 4.0 này.

- Còn những thách thức sẽ phải đương đầu là gì, thưa ông?

- Trước hết phải nói đến "tính không biên giới". Chúng ta biết có những giao dịch cung cấp dịch vụ và sản phẩm ngay tại Việt Nam nhưng hoạt động thanh toán lại ở nước bạn. Khách hàng có thể đứng ngay trong cửa hàng của chúng ta nhưng lại được các đơn vị khác phục vụ nếu mình phục vụ không tốt. Ai phục vụ tốt hơn, người đó sẽ nắm giữ được trái tim và hành vi mua sắm của khách hàng.

Thách thức thứ hai là sự gia nhập các thương hiệu ngoại, với phương thức, cách làm, nguồn lực, tên tuổi và nhiều thứ khác.

Thách thức thứ ba đến từ các thương hiệu thời trang nhanh. Tôi phải bóc tách riêng vì các thương hiệu thời trang nhanh đang làm thay đổi quan điểm tiêu dùng của khách hàng. Nếu trước đây, khách hàng ở phân khúc trung cấp và cận xa xỉ chỉ có một dải thương hiệu ngắn để lựa chọn, thì hôm nay họ sẵn sàng thử và không ngần ngại khoác lên mình những sản phẩm thời trang thuộc dòng thời trang nhanh, dẫn đến sự tiến hóa về tư duy mua sắm mà nếu không nắm bắt được, chúng ta sẽ bị sai lệch và phục vụ nhầm đối tượng.

Tôi cho rằng ngành dệt may thời trang nên có bức tranh toàn cảnh chung, nên làm "giàu hóa, mạnh hóa" các hoạt động của hiệp hội. Phân chia rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng để chúng ta thành chuỗi hoạt động với nhau, để chúng ta đều là bạn bè đối tác của nhau phục vụ cho thị trường chung - cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. Ðầu tiên tôi muốn nói đến sự liên kết chặt chẽ, thứ hai là đầu tư theo chiều sâu có bài bản, có tầm nhìn xa. Cuối cùng là hướng tới làm chủ chuỗi giá trị như định hướng chúng ta đang làm.

Ðó là các điều mà các doanh nghiệp thời trang Việt Nam nên đầu tư. Ðầu tư làm giàu các tài nguyên quan hệ, đầu tư theo chiều sâu, theo chiều rộng, có tầm nhìn và đầu tư theo chuỗi giá trị.

- Trân trọng cảm ơn ông!