Giá dịch vụ y tế, đến hẹn lại tăng

Bộ Y tế vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung giá một số dịch vụ y tế dự kiến áp dụng trong tháng 5-2018, theo đó giá giường bệnh ở một số bệnh viện tuyến cuối sẽ được điều chỉnh tăng. Trong khi khảo sát về mức độ không hài lòng với các dịch vụ y tế tại nhiều bệnh viện công mới đây cho thấy, nhiều người bệnh vẫn chưa hài lòng về thủ tục đăng ký khám ban đầu, về viện phí… Ðiều này đang đặt ra đòi hỏi: việc tăng dịch vụ y tế cần đi đôi với chất lượng y tế tốt.

Ở nhiều bệnh viện tuyến cuối, tình trạng khám bệnh vẫn phải chờ đợi lâu, người bệnh vẫn phải nằm ghép giường, quá tải… Ảnh: Như Ý
Ở nhiều bệnh viện tuyến cuối, tình trạng khám bệnh vẫn phải chờ đợi lâu, người bệnh vẫn phải nằm ghép giường, quá tải… Ảnh: Như Ý

Tăng giá giường bệnh viện tuyến cuối

Ðề cập việc tăng một số dịch vụ y tế sắp tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC do liên Bộ Y tế và Tài chính ban hành, có hiệu lực từ 3-2016 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc sau thời gian thực hiện đã phát sinh những điểm chưa phù hợp, do vậy Bộ Y tế đang đề xuất một số thay đổi.

Sau khi Bộ Y tế và Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam bàn bạc và triển khai việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh giá tại Thông tư 37, đã thống nhất, việc sửa đổi Thông tư sẽ chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước 15-5-2018, trong đó hướng dẫn nội dung thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của một số dịch vụ (khám bệnh, ngày giường bệnh, X-quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai mũi họng) đối với các đơn vị có số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá. Cùng đó là khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 39 dịch vụ, như X-quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm. Giai đoạn 2, sẽ khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ.

Theo dự kiến, sẽ điều chỉnh giá các BV hạng đặc biệt và hạng 1 tăng lên, còn các BV hạng 2, 3, 4 giảm xuống. Về điều chỉnh giá các dịch vụ kỹ thuật như X-quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, Bộ Y tế cũng dự kiến điều chỉnh mức tăng lên bằng 120% định mức tính giá của Thông tư 37. Tuy nhiên, các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm như: siêu âm, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp CT, tổng phân tích nước tiểu, đường máu mao mạch... sẽ giảm giá đáng kể từ hàng chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng/dịch vụ khi viện phí được điều chỉnh. Ðáng chú ý, giá ngày giường điều trị được tính cho 1 người/giường, nếu nằm ghép 2 người/ giường thì chỉ được thanh toán BHYT 50%, ghép từ 3 người trở lên chỉ được thanh toán 30%.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tạo điều kiện cho các BV phát triển, từng bước giảm và tiến tới xóa bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực y tế công lập với tư nhân.

Bao giờ tăng giá đi đôi với tăng chất lượng?

Ðã có nhiều đợt tăng viện phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế thời gian qua. Song theo một cuộc khảo sát độc lập về mức độ hài lòng của người bệnh với BV công được Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam và Bộ Y tế công bố ngày 27-3 khi thực hiện bằng cách gọi điện cho 3.000 người bệnh của 29 BV cho thấy, các tiêu chí về viện phí, chất lượng giường bệnh… của BV là chỉ số có mức độ hài lòng thấp, với tỷ lệ hài lòng đạt lần lượt là 3,88 và 3,9/5. Hiện nay nhiều người vẫn phàn nàn về việc đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế vẫn còn rất vất vả, chưa hết cảnh vạ vật ngồi chờ, xếp hàng, chen lấn khi đi khám bệnh, cảnh nằm ghép, chất lượng chưa đồng đều… "Nếu tăng viện phí mà chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện thì chắc chắn người dân sẽ không có ý kiến gì. Song tình trạng khám bệnh vẫn phải chờ đợi lâu, vẫn bị nhân viên y tế cáu gắt, vẫn phải nằm ghép giường, quá tải… tôi cho rằng điều đó chưa công bằng", chị Nguyễn Hồng Thúy, người nhà bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) kiến nghị.

Nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi, vì sao ngành y tế không nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trước, sau đó mới tính đến việc điều chỉnh, tăng giá dịch vụ? Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Giá dịch vụ y tế trước đây chỉ bao gồm các yếu tố chi phí mà Nhà nước vẫn bao cấp chứ chưa tính đúng, tính đủ. Trong đợt tăng giá dịch vụ thời gian qua, giá các loại dịch vụ y tế sẽ bao gồm thêm các yếu tố phụ cấp đặc thù, tiền lương của nhân viên y tế. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ giúp các BV có thêm nguồn thu để chi trả phụ cấp đặc thù, tiền lương của nhân viên y tế, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, nâng cấp phòng khám bệnh, buồng bệnh… Khi giá dịch vụ tính đúng, tính đủ thì các BV mới có đủ nguồn để chi phí trực tiếp và các chi phí khác thì chất lượng khám, chữa bệnh bắt buộc phải tăng lên và có điều kiện để đầu tư máy móc và mua đủ trang thiết bị. Các BV đang tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ nên cũng luôn phải xác định chỉ có nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh thì mới có thể tự chủ thành công.

Theo các chuyên gia y tế, về cơ bản chất lượng dịch vụ y tế hiện còn thấp là do vấn đề nhân lực. Viện phí tăng do vật tư tiêu hao, các chi phí cơ sở vật chất chỉ là một phần của chất lượng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ bao gồm bảy yếu tố: hiệu quả (chữa được bệnh), hiệu suất (chi phí phù hợp), công bằng, người dân có khả năng tiếp cận, an toàn, lấy bệnh nhân làm trung tâm và thời gian điều trị ngắn. Nếu bảo đảm bảy yếu tố này mới có thể coi là đạt chất lượng dịch vụ. Chính vì vậy PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bày tỏ quan điểm: "Các BV công phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư cơ sở vật chất, phòng hiện đại, thay đổi về thái độ phục vụ của nhân viên y tế để người bệnh tin tưởng".

Và chỉ khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các cơ sở y tế cùng đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ khi đó mới mang đến sự hài lòng của người bệnh.

Theo dự kiến, sẽ điều chỉnh giá các BV hạng đặc biệt và hạng 1 tăng lên, còn các BV hạng 2, 3, 4 giảm xuống. Về điều chỉnh giá các dịch vụ kỹ thuật như X-quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, Bộ Y tế cũng dự kiến điều chỉnh mức tăng lên bằng 120% định mức tính giá của Thông tư 37. Tuy nhiên, các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm như: siêu âm, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp CT, tổng phân tích nước tiểu, đường máu mao mạch... sẽ giảm giá đáng kể từ hàng chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng/dịch vụ khi viện phí được điều chỉnh.