Ghi ở “thủ phủ” nuôi lợn

Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất của cả nước với tổng số lượng đàn lợn đạt khoảng hơn 2,1 triệu con, thế nhưng giá lợn đến tay người mua vẫn ở mức cao. Khảo sát chuỗi sản xuất từ chăn nuôi đến tiêu thụ thấy rõ hơn những nghịch lý tồn tại bấy lâu.

Các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đang đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn.
Các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đang đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn.

Giảm thì ít, tăng thì nhiều

Theo ghi nhận từ đầu tháng 4 giá lợn hơi ở Đồng Nai từ 70 đến 75 nghìn đồng/kg sau khi các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn giảm giá bán về mức 70 nghìn đồng/kg theo cam kết với Chính phủ. Tuy nhiên, kể từ ngày 10-4 trở lại đây giá lợn hơi đã bất ngờ tăng trở lại, có thời điểm giá bán lợn hơi ở các trang trại được giao dịch ở mức từ 80 đến 90 nghìn đồng/kg.

Chị Hoàng Thị Thanh Linh, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ cho biết, thời điểm này giá lợn hơi ở mức hơn 80 nghìn đồng/kg trở lên, nhưng không có lợn để bán, một phần do nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vừa qua đã khiến trang trại của gia đình bị tiêu hủy hơn 4.000 con. Bây giờ trang trại chỉ còn 60 con lợn sót lại qua đợt dịch nên chỉ dè dặt tái đàn. “Do giá đang neo ở mức cao nên một số trang trại chỉ bán lợn có trọng lượng hơn 100 kg, còn những con nhỏ hơn để lại chờ giá lên... sẽ bán”, chị Linh cho biết thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên những ngày gần đây, tại một số chợ ở Đồng Nai, giá thịt lợn dao động ở mức 130-180 nghìn đồng/kg, gần gấp đôi so với giá lợn hơi. Khảo sát tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn giá bán thịt lợn vẫn đang ở mức cao, mặc dù đã có điều chỉnh giảm giá để bình ổn thị trường. Đại diện một số siêu thị cho rằng, nguyên nhân do các nhà cung cấp thịt lợn vẫn giữ nguyên giá hoặc giảm nhẹ nên giá bán lẻ vẫn chưa giảm được bao nhiêu, mặc dù có một số loại thịt chỉ giảm nhẹ khoảng 5% so thời điểm cuối tháng 3. “Trong khi giá các loại phí nhân công, vận chuyển vẫn chưa giảm, kéo theo giá thịt thành phẩm từ các nhà cung cấp khó có thể giảm ngay được”, đại diện một siêu thị tại TP Biên Hòa cho biết.

Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, Nguyễn Kim Đoán phân tích, sau khi một số DN chăn nuôi lớn dẫn dắt thị trường đưa giá lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg từ đầu tháng 4, giá lợn trên địa bàn giảm xuống chút xíu. Thế nhưng, chỉ giảm được vài ngày, sau đó giá lợn lại lên mức hơn 90 nghìn đồng/kg. “Cũng giống như giá gà, vịt, việc giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao là do quy luật cung - cầu. Tuy vậy, việc giá lợn bán ra thị trường cao do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc nguồn cung cấp lợn trên địa bàn Đồng Nai giảm do đàn lợn bị tiêu hủy bởi DTLCP vào năm 2019. Hơn nữa, người tiêu dùng phải mua với giá cao chủ yếu do các khâu trung gian đẩy giá, trong khi việc quản lý ở các khâu này vẫn còn chưa chặt”, ông Đoán nhấn mạnh.

Trong khi, một số thương lái chuyên vận chuyển lợn từ Đồng Nai đi cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, dù các DN lớn công bố giảm giá lợn hơi, nhưng trên thực tế để mua được số lượng lợn khoảng 10 con của các công ty này với giá như công bố là không hề dễ dàng. Vì nhiều công ty chăn nuôi thường bán cho các đối tác truyền thống, trong khi thương lái phải mua lại thông qua khâu trung gian này, dẫn đến giá lợn bị đẩy lên cao hơn so giá DN niêm yết...

Thời điểm vàng để tái đàn

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, các DN chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đang đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn khoảng hơn 10% so cuối năm 2019. Trong đó, điều được các DN trong ngành chăn nuôi quan tâm nhất là khôi phục đàn lợn giống, bảo đảm nguồn giống cung cấp ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, để hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện tái đàn trở lại sau DTLCP, chính quyền địa phương phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn thực hiện vệ sinh chuồng trại, bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh thú y. Trong đó khâu nhập lợn về nuôi người dân cần phải rõ nguồn gốc, đăng ký với chính quyền địa phương và thực hiện cam kết chấp hành sự theo dõi, giám sát của cán bộ thú y.

Ngoài tái đàn để góp phần ổn định thị trường, một số đơn vị kinh doanh các mặt hàng thịt lợn cũng đã tiến hành các chương trình bán hàng bình ổn giá, giảm giá bán lẻ. Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Nguyễn Trọng Trí cho biết, từ ngày 3-4, DN bắt đầu triển khai 15 điểm bán thịt lợn bình ổn giá với sản phẩm bảo đảm truy xuất nguồn gốc, niêm yết giá công khai tại các cửa hàng bán thực phẩm của công ty trên địa bàn TP Biên Hòa và các huyện Trảng Bom, Long Thành... nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định cho người tiêu dùng.

Để giảm được giá lợn bán lẻ hiện nay, đại diện một số DN kinh doanh thịt lợn trên địa bàn Đồng Nai cho rằng, cần thực hiện giải pháp đồng bộ để bảo đảm nguồn cung được ổn định và có phương án cam kết bình ổn giá từ các DN lớn trên địa bàn. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần có phương án điều tiết, giám sát và hỗ trợ việc tái đàn một cách phù hợp.