Ga dừng trong cuộc mưu sinh

Tết quê hồi tôi còn nhỏ.

Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) ngập tràn hương sắc hoa mỗi độ xuân về. Ảnh: NGUYỄN TOÀN
Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) ngập tràn hương sắc hoa mỗi độ xuân về. Ảnh: NGUYỄN TOÀN

Trước Tết gần một tháng, khi người lớn tuốt lá mai, phát mộ ông bà, những đứa trẻ đã bắt đầu lựa cái rổ nguyên nhất gắn một miếng cát-tông làm miệng lân, buộc khăn choàng tắm vào miệng rổ làm đuôi lân. Tiếng trống ếch rộn ràng trỗi lên nữa là thành một đoàn lân nhí vui như tết trước cả Tết. Đêm của những ngày xôn xao đó, mấy cậu nhóc kiếm những vỏ ốc bưu to đổ đầy dầu cá và gắn sợi bấc được se bằng vải vụn. Vậy là được những ngọn đèn Tết treo trước mỗi nhà. Ánh sáng dầu cá chập chờn, mùi dầu cá hăng hắc dài theo xóm. Mấy bạn nhỏ đem mùi dầu cá vào mùng bị rầy tơi tả. Vậy mà vẫn vui, vẫn cứ khoái làm đèn Tết bằng vỏ ốc.

Hồi đó tôi trông Tết vô cùng. Thời vải vóc thiếu thốn, một năm mặc áo vá víu xỉn màu ngán ngẩm rồi, nên ngày Tết có bộ đồ mới là gần như rạo rực quên ăn. Đêm ba mươi, tắm táp mát lành, mặc bộ đồ mới cứng ngủ chập chờn. Mong mau sáng để khoe áo với bạn, để nhận lì xì. Mà hồi hộp nhất là tâm trạng chờ lúc nửa đêm coi quỷ dương nó tràn vô xóm. Vì nội nói đêm giao thừa là đêm quỷ dương được thả ra ăn Tết, nó sẽ vô xóm, vô nhà. Nhưng yên tâm, đã có tấm bùa nêu trừ ma ngăn quỷ nội treo kèm mấy lá trầu têm vôi, vài tấm tiền vàng bạc. Chắc là tụi nó sẽ không vào nhà được, chắc là tôi có thể nhìn thấy nó nhí nhố ngoài sân vì nhà tôi không cửa. Nội cúng giao thừa xong, tôi yên tâm nằm trong mùng nghe tiếng pháo rồi nhìn ra cửa chờ đợi như vậy cho tới khi ngủ thiếp đi. Và năm mới…

Tết tuổi thơ chỉ có vậy mà vui. Còn người lớn hồi xưa ăn Tết có vui không? Nội tôi sáng sáng chiều chiều nấu nồi cơm bày thịt kho, dưa cải, bánh tét làm sẵn ra cúng. Nội vui khi ăn Tết với hương hồn người quá cố, những người có đầy trong nỗi nhớ của nội. “Hôm nay mồng một, chệt, má, bác ba, bác tư về dùng cơm”. Ngày thường nhà chỉ hai bà cháu. Ngày Tết bữa cơm dường như đông hơn. Hôm nào cũng cúng đều đặn như vậy, ăn cơm cúng như vậy cho tới ngày mồng bảy hạ nêu.

Những nhà trong xóm thỉnh thoảng bày sòng nhậu với vài ly rượu của những ông già. Cách nhậu rượu ngày xưa khề khà chậm rãi nên mấy anh trai không tham dự. Mấy anh đi dài theo xóm, kiếm mấy cô gái mặc áo mới dòm ngó chọc ghẹo để dành ra giêng... Những khoảng thời gian rảnh hơn thì họ đi thụt gốc tre già còn tươi, gốc đu đủ tươi, để vài viên khí đá, chế ít nước vào ống làm ống lói. Những ống lói như họng đại bác hướng ra sông, năm mười phút lại bùm một tiếng. Những tiếng ống lói vang xa xen những tiếng pháo ì đùng rất gần tạo những cung bậc âm thanh tưng bừng đặc trưng mùa Tết. Tết ngày xưa, giao thời và sau kỳ thu hoạch lúa mùa, mọi người chỉ dành để nghỉ ngơi. Tết dài nên chơi cũng chậm rãi đúng như cái câu “tháng giêng là tháng ăn chơi”.

Tết ngày nay không còn chậm rãi được. Người người chỉ mong một chữ “về nhà” sau một năm dài chờ đợi. Ông bà già mong con cháu về nhà. Những đứa trẻ mong cha mẹ về nhà. Những người công nhân cày trên cánh đồng công nghiệp Bình Dương, TP Hồ Chí Minh mong được về nhà hơn ai hết.

Khi những chuyến xe đò tấp nập ngược xuôi thì quê đã bắt đầu mùa Tết. Người và ba-lô to ba-lô nhỏ đổ ào về từng xóm. Đường lúc nào cũng đông nghịt người. Đường về nhà như trận chiến cuối cùng của năm. Giá vé gấp đôi, kẹt phà kẹt xe, ngủ dọc đường trên xe hay vật vạ đâu đó vẫn không xóa được nụ cười ẩn sau gương mặt phờ phạc. Vì rồi qua những nhọc nhằn này, mình được những ngày đoàn tụ.

Những cuộc vui đều xoay quanh những cuộc trở về như vậy. Tiền dành dụm cả năm, tiền thưởng Tết đều mang về quê xài cho bõ những tháng ngày cơ cực. Mấy cô gái có chồng còn bám trụ ở quê cũng xì xầm nhau nên nhuộm tóc thế nào tắm trắng ra sao để không lép vế với người Bình Dương, TP Hồ Chí Minh có làn da trắng. Những đứa trẻ xa cha mẹ nên được bù đắp bằng quần áo mới quanh năm. Tết chẳng còn ham hố gì đồ mới. Tết là để xúm xích bên ba mẹ, những người chúng nhớ thương mà cả năm mới gặp đôi lần, nhận tiền lì xì giá trị thực chớ không phải tinh thần như hồi xưa. Không có sòng bài nhưng có những cuộc chơi games và khoe điện thoại.

Cha mẹ già ở nhà để ý coi con cháu thèm món gì thường mua để dành. Họ biết TP Hồ Chí Minh không thiếu món ngon. Nhưng ăn món quê ở trong chính ngôi nhà của mình hình như bao giờ cũng đậm đà hơn. Nồi to nồi nhỏ, bàn dài mâm tròn bày biện hết ngày này qua ngày khác. Nhà nào tủ lạnh cũng ăm ắp thức ăn. Nghỉ ngơi mà, có làm gì đâu, chỉ là gặp nhau, cười rôm rả rồi cùng nhau ăn uống nhậu nhẹt. Sầu đâu hay sầu riêng gì cũng chẳng còn kiêng cữ, thèm hay thích là thỏa thuê bày biện đãi đằng.

Những người bạn bè hàng họ lâu ngày gặp lại chuyện trò chúc tụng một hồi rồi cũng tiệc cho vui. Rượu bây giờ rôm rả, ồn ào, một hai ba dô, trăm phần trăm, lắc kêu, cạn đáy, trẻ già gì đều có thể tham gia… Giới trẻ chẳng còn thời gian đi dài theo xóm chọc ghẹo gái xuân. Vui Tết gấp gáp, dành cho bạn bè, cho tụ hội là trên hết. Ca hát là món vui không thể thiếu của ngày Tết bây giờ. Ngồi xe máy chạy dài theo các con đường, cứ cách vài nhà lại có một nhà ca hát có âm thanh điện. Người hát hay không nhiều bằng người hay hát. Kiếm một người mắc cỡ khi cất tiếng hát trở thành hiếm hoi. Nhà nhà cất lên những tiếng hát tự tin sành điệu.

Tết hình như không còn là ngày đầu năm đơn thuần như ngày xưa nữa. Tết trở thành một ga dừng cho cuộc mưu sinh nhọc nhằn thăm thẳm. Vì nỗi lòng của những bước tha phương, người quê tôi bây giờ không thể nào thiếu Tết. Mỗi ngày sống mỗi ngày ráng dằn nỗi nhớ con, nhớ quê, cùng nhau lặn lội xới cày, rồi cuối năm mình gác hết một bên mọi gánh nặng thường tình, hẹn cùng nhau đoàn tụ thật đông trong cái Tết thật vui, thật sảng khoái giữa quê nhà.