Ðể điều tốt đẹp được nhân lên

Ngày 5-3-2019, tài khoản Facebook mang tên Byron Román đã khởi tạo một trào lưu có tên "Thử thách dọn rác". Byron Román kêu gọi mọi người tham gia vào hoạt động chụp ảnh nơi cần làm vệ sinh, chụp thêm một bức nữa sau khi bạn đã hành động và hoàn thành để có sự đối chiếu, rồi đăng lên mạng xã hội.

"Thử thách dọn rác" lập tức gây sốt, được nhiều bạn trẻ ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới hưởng ứng và trở thành một trào lưu. Sau mỗi bức ảnh hoàn thành "thử thách dọn rác" mọi người thường đăng kèm hashtag #ChallengeForChange (Thách thức để thay đổi).

Internet giúp xóa bỏ khoảng cách địa lý, là phương tiện kết nối mọi người và cũng là nơi khởi phát rất nhiều trào lưu. Có thể kể đến "Thử thách giội nước đá lên người", "Thử thách 10 năm" (đăng tải hình ảnh cá nhân 10 năm trước và hiện tại)... Những thử thách này nhằm truyền tải một thông điệp hoặc đơn thuần mang tính giải trí. Theo chiều hướng tiêu cực, chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây nguy hiểm tính mạng. Ðiểm chung của những trào lưu là sức lan tỏa mạnh mẽ nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Thực tế không nhiều trào lưu tác động đến nhận thức bản thân lẫn ngoại cảnh như "Thử thách dọn rác". Với thông điệp bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng, cư dân mạng đánh giá đây là trào lưu thiết thực nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, sau gần hai tháng, "Thử thách dọn rác" không còn được nhắc đến nữa.

Trong cuốn sách "Bức xúc không làm ta vô can" của tác giả Ðặng Hoàng Giang có một nhận định được nhiều người đồng tình: "Chúng ta, một cách vô thức, thờ ơ với các tin tốt, nhưng lại quan tâm đặc biệt tới các tin xấu".

Trong thời đại 4.0, con người tiếp nhận lượng thông tin khổng lồ và buộc phải chắt lọc những điều mình quan tâm. Tác giả Ðặng Hoàng Giang đã đặt ra câu hỏi: "Vì sao chúng ta lại ưu tiên tin xấu, đắm đuối với chúng, thay vì chú ý tới những điều tốt? Vì sao chúng ta muốn kêu ca, phàn nàn thay vì vui tươi chuyền tay nhau những tin vui, những câu chuyện đẹp?". Ðiều đó khiến chúng ta không thể không suy nghĩ.

Ở đâu đó, những trào lưu như "Thử thách dọn rác" có thể vẫn tiếp diễn. Những hội nhóm tình nguyện về môi trường sẽ liên tục được khai sinh, phát triển và hoạt động mạnh mẽ. Họ sẽ vẫn làm lan tỏa những việc làm có ý nghĩa mà thậm chí không có nhu cầu trở thành "hiện tượng mạng", với cách làm âm thầm. Ðiều đó sẽ góp phần làm cho những điều tốt đẹp trong xã hội được nhân lên, lan tỏa.