Đường đua rộng mở

Có thể tin rằng không gì khác, mơ ước tột cùng của cả nhân loại trong thời điểm hiện tại chính là sự xuất hiện của một loại vắc-xin đáng tin cậy, được kiểm chứng qua thực tiễn, được chứng minh là đủ sức thiết lập một phòng tuyến miễn dịch hữu hiệu nhằm ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của đại dịch toàn cầu Covid-19. Tuy nhiên, đã, đang và sẽ vẫn còn rất nhiều rào cản.
 

Thay vì được cổ vũ, vắc-xin Sputnik V của Nga ngay lập tức gặp phải sự chất vấn và nghi ngờ từ truyền thông phương Tây.
Thay vì được cổ vũ, vắc-xin Sputnik V của Nga ngay lập tức gặp phải sự chất vấn và nghi ngờ từ truyền thông phương Tây.

Đến cuối tháng 8-2020, sự tiến triển trong “cuộc đua” giữa các nền y tế tiên tiến nhất thế giới nhằm đạt được một thứ vắc-xin hữu hiệu phục vụ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là hết sức sôi động và tương đối khả quan.

Nước Nga dẫn đầu, khi tuyên bố đã bào chế thành công thứ vắc-xin ấy, và sản phẩm của họ chỉ còn chờ được kiểm nghiệm rộng rãi trên thực tế. Phía sau họ, theo số liệu của WHO, có tới 171 quốc gia (và vùng lãnh thổ) cũng như các công ty - tập đoàn dược phẩm khác nữa cũng đang tham gia (ở nhiều khía cạnh) vào cuộc “hành quân” vì sự sống còn của nhân loại này.

Nước Mỹ, như tờ The New York Times công bố, đã liên tục thử nghiệm 36 loại vắc-xin khác nhau trên cơ thể người, và 89 loại dược chất tạo kháng thể trên loài vật, kể từ tháng 2. Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ (NIAID) cho biết: Một số vắc-xin đã bước vào giai đoạn cuối của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó có vắc-xin của các công ty dược phẩm Moderna, Pfizer và AstraZeneca. Giới khoa học Mỹ, suốt thời gian qua, “đã bắt đầu nghiên cứu tạo ra một chủng virus có thể được dùng vào việc thử nghiệm trên cơ thể người, nếu cần”.

Các nhà khoa học đến từ Trường đại học Oxford (Anh), theo tờ The Telegraph ngày 30-8, cũng tràn đầy tự tin rằng họ sẽ có được liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trong năm nay, với tất cả những điều kiện an toàn đã được kiểm định. Kết quả thử nghiệm trên 1.077 người trưởng thành là rất khả quan. Và Kate Bingham - người lãnh đạo chương trình vắc-xin quốc gia Anh, cũng hé lộ: “Có hai loại vắc-xin có thể xem là ứng viên đáng tin cậy: T-Cells của chúng tôi, cùng vắc-xin từ trung tâm nghiên cứu khoa học BioNTech của Đức”.

Nhờ những bước tiến gấp gáp đó, bốn quốc gia khác thuộc Liên hiệp châu Âu là I-ta-li-a, Đức, Pháp và Hà Lan - đều vừa ký hợp đồng với Công ty sản xuất dược AstraZeneca - tràn trề hy vọng được nhận lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trước năm mới 2021.

Cũng không thể không nhắc tới Cu-ba (Cuba) - quốc gia đầu tiên trên thế giới cử bác sĩ, y tá, điều dưỡng ra nước ngoài hỗ trợ dập dịch, cũng là quốc gia bào chế thành công thuốc chống virus SARS-CoV mang tên Interferon Alfa 2B (đã bước đầu chứng minh được hiệu quả trong các thử nghiệm điều trị lâm sàng tại Trung Quốc).

Một tương lai mà trong đó thế giới trở lại với cuộc sống ít khẩu trang hơn, nhiều nụ cười trên các đường phố hơn, dường như cũng chẳng còn ở quá xa.

Tuy nhiên, viễn cảnh đó có lẽ sẽ bớt lung linh, nếu chúng ta để ý những diễn biến mới nhất trong dòng chảy đời sống quốc tế, liên quan vắc-xin chống Covid-19.

Ngày 11-8, nước Nga cấp phép cho vắc-xin ngừa Covid-19 của mình - Sputnik-V, ngay trước khi tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ ba. Một ngày sau, trong bối cảnh dư luận thế giới dậy lên những nghi vấn về hiệu quả cũng như độ an toàn của thứ vắc-xin ấy, Bộ Y tế Nga quyết định hé lộ một số “bí quyết gia truyền” của mình, mà điểm nhấn là một “thư viện virus” vô cùng đồ sộ và phong phú. Nhưng cũng trong hôm đó, hãng CNN cho biết: Mỹ từ chối các đề nghị hợp tác sản xuất vắc-xin ngừa Covid từ Nga - điều lẽ ra có thể đẩy tiến độ thành công lên nhanh hơn rất nhiều.

Những nỗ lực hợp tác y tế nhằm bào chế vắc-xin ngừa Covid-19 là không nhiều. Ở quy mô lớn, có sự kết nối giữa Trung Quốc và Nga, và mới nhất có lẽ cũng chỉ có một dự án mới được thông báo ngày 12-8, rằng Argentina và Mexico sẽ bắt tay hợp tác để cùng sản xuất thứ vắc-xin ấy cho toàn khu vực Mỹ la-tinh. Tinh thần đoàn kết mà thế giới cần thể hiện (và Liên hợp quốc, WHO hay rất nhiều tổ chức quốc tế khác kêu gọi) vẫn mới chỉ là những nét phác thảo.

Điều đó có khó hiểu không? Có lẽ không quá khó hiểu.


Vắc-xin ngừa Covid-19 hữu hiệu sẽ không chỉ là một thứ quyền lực mềm vô giá trên các bàn cờ địa chính trị, mà còn là cơ hội dành cho người nắm giữ nó. Đừng quên, I-ran (Iran) đã từng lên án Mỹ sử dụng “chủ nghĩa khủng bố y tế” (medical terrorism), khi siết chặt cấm vận và làm trầm trọng thêm các vấn đề của quốc gia ấy vào lúc phải vật lộn trên đỉnh dịch. Cũng đừng quên, “ngoại giao y tế” (medical diplomacy) đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc, ngay từ khi bệnh dịch mới bùng lên.

Nhưng dù sao, cũng vẫn còn đó thứ ánh sáng trong trẻo của lương tri. Như cách AstraZeneca cam kết rằng, họ sẽ cung cấp vắc-xin phi lợi nhuận cho đến khi đại dịch bị đẩy lùi…