"Đúng" và "đáng"

Ở một khía cạnh nào đó, truyền thông đang thể hiện sự tàn bạo của nó. Sự vô cảm, vô trách nhiệm của một bộ phận rất lớn trong xã hội đang lạm dụng quyền lực trên các phương tiện truyền thông để vùi dập doanh nghiệp, thương hiệu, truy sát cá nhân không kém gì những kẻ máu lạnh mà chúng ta đang lên án. Đáng buồn là trong số đó có cả những người làm báo chí.

Người đẹp luôn là mục tiêu đeo bám thái quá của truyền thông. ẢNH: ANH HÒA
Người đẹp luôn là mục tiêu đeo bám thái quá của truyền thông. ẢNH: ANH HÒA

Một nghệ sĩ bị tẩy chay kiểu bầy đàn a dua khi mắc lỗi; một gia đình tan vỡ vì tin đồn thổi; một doanh nghiệp bị phá sản vì mồm miệng tàn độc của những người tiêu dùng vô lối, thiếu tỉnh táo, bị dẫn dụ; một cô bé tự sát vì bị truy bức trên mạng xã hội; một người cha của đứa con bị nghi giết người phải tự vẫn vì báo chí moi móc, đăng ảnh bừa bãi... Mỗi ngày, chúng ta phải đọc những thông tin đau buồn ấy, nhưng chưa chắc những kẻ vô tình giết người bằng bàn phím nhận ra tội ác của mình.

Sự phát triển của công nghệ và truyền thông xã hội có những mặt tích cực không thể phủ nhận, nhưng nó cũng là công cụ của những kẻ lạm dụng quyền tự do ngôn luận, hoặc thiếu lý trí phân tích khách quan, hoặc lợi dụng trục lợi. Tâm lý chung của người Việt Nam chúng ta là nghi ngờ mọi điều tốt, là xét lại niềm tin, nên dễ mặc định cảm nhận đen tối nhiều hơn là mặt tích cực của sự việc. Nhưng trên hết, có lẽ nhu cầu giải thoát khỏi sự bức bối thông tin, cộng thêm sự thiếu trách nhiệm trong phát ngôn là nguyên nhân của những hằn học, tò mò, moi móc, "ném đá" của đại bộ phận cư dân mạng. Một bộ phận khác là những kẻ mưu đồ trục lợi, nắm giữ tâm lý a dua bầy đàn của dân chúng để câu "view", kiếm chác hư danh hoặc thậm chí cả lợi ích kinh tế.

Rất tiếc là có một số nhà báo tiếp tay cho xu hướng đó. Có thể vì họ không được đào tạo đến nơi đến chốn, hoặc cũng có thể lợi ích che phủ lương tâm, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Họ dùng bài báo của họ để tác động lên mạng xã hội, rồi lại ăn theo chính mạng xã hội để kiếm chác trên nỗi đau của cộng đồng và con người.

Không phải tất cả các thông tin moi móc, câu khách bẩn thỉu đó là sai. Nhưng người làm báo chân chính luôn biết cái ranh giới mong manh giữa "đúng" và "đáng". Có những sự thật gây nên thảm họa nhân loại hoặc sự sụp đổ niềm tin, làm suy đồi đạo đức xã hội. Những sự thật ấy chẳng cần cho bất cứ ai. Đó là những sự thật "đúng" nhưng không "đáng" viết ra. Nhà báo khác với cư dân mạng ở chỗ ấy.

Bất cứ điều gì cũng cần có giới hạn, kể cả truyền thông.