Dụng nhân thời hiện đại phải thế nào?

Sau hơn một tháng công bố, dự thảo Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài do Bộ Nội vụ soạn thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, trong những cuộc lấy ý kiến gần đây nhất, một số nội dung về “nhân tài” cả trong và ngoài bản dự thảo này vẫn đang tạo nên nhiều ý kiến khác nhau. Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Hà (ảnh bên) - nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, nhằm làm rõ hơn những vấn đề này.

Em Bùi Hồng Đức (thứ hai, từ phải sang) đoạt Huy chương vàng hai năm liên tiếp Olympic Tin học quốc tế. Ảnh: TUYẾT HOÀNG
Em Bùi Hồng Đức (thứ hai, từ phải sang) đoạt Huy chương vàng hai năm liên tiếp Olympic Tin học quốc tế. Ảnh: TUYẾT HOÀNG

- Thưa ông, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, vấn đề “trọng dụng nhân tài” đã được quy định trong nhiều chính sách về tuyển dụng, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ...
 
 - Nhìn lại cả chiều dài lịch sử của dân tộc, ông cha ta đã rất quan tâm chú ý đến việc lựa chọn, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Trải qua các triều đại phong kiến khác nhau, chính sách trọng dụng hiền tài mỗi giai đoạn mỗi khác, song các bậc minh quân luôn tâm niệm “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Dụng nhân thời hiện đại phải thế nào? -0

 Vấn đề lựa chọn nhân tài đã được Đảng và Bác Hồ quan tâm chú ý ngay từ những buổi đầu thành lập nước. Đảng và Bác Hồ vẫn luôn nhấn mạnh, phải coi trọng cả đức và tài, trong đó lấy đức làm gốc, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” là dựa trên phương châm ấy.
 
 Nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, hay chỉ thị của Ban Bí thư thời gian qua đều rất quan tâm đến vấn đề phát hiện, lựa chọn và trọng dụng người tài. Từ chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, hay gần đây nhất là Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ… đều đề cập đến vấn đề này.
 
 Hơn mười năm qua, để cụ thể hóa chủ trương đưa cán bộ lãnh đạo, quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định 165 của Bộ Chính trị (vẫn gọi là Đề án 165), chúng ta đã đưa được một số lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài về nhiều lĩnh vực khác nhau; đồng thời còn đưa nhiều cán bộ trẻ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài với cam kết trở về phục vụ đất nước.
 
 - Trên thực tế, liệu những chủ trương ấy hiệu quả đến đâu, khi mà nhiều quy định hiện hành trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ vẫn bị xem là rào cản không dễ vượt qua, nhất là ở hệ thống các cơ quan nhà nước. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?
 
 - Rõ ràng, muốn có kết quả tốt đẹp, công tác chuẩn bị luôn là rất cần thiết. Vẫn là bài học từ Bác Hồ, bài học “phải biết lo xa”. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) được ký kết, cùng với việc tập kết bộ đội miền nam ra bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ chủ trương đưa nhiều học sinh từ 6 - 7 tuổi cho đến 19 - 20 tuổi là con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào từ các địa phương miền nam ra miền bắc học tập. Nhiệm vụ là đào tạo thành đội ngũ kế cận cho cách mạng miền nam cũng như cách mạng cả nước sau này. Nhiều cán bộ trẻ cũng được cử sang Liên Xô (trước đây) và một số nước để học tập, nghiên cứu trong giai đoạn này. Vì thế, ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, chúng ta đã có ngay một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật tài năng được đào tạo bài bản, sẵn sàng tiếp cận, nhập cuộc với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước. Bài học kinh nghiệm là phải chủ động phát hiện rất sớm những tài năng để chuẩn bị cho tương lai. Mà đã lo thì phải lo toàn diện, trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau…
 
 Trên thực tế vẫn còn những sự chồng chéo, bất hợp lý trong lựa chọn, sử dụng cán bộ, dự thảo Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài được Bộ Nội vụ xây dựng cũng đã chỉ rõ, đòi hỏi những người chịu trách nhiệm thực thi phải sớm tìm ra phương pháp tổ chức bài bản, khoa học hơn. Tất nhiên cần phải kịp thời rút kinh nghiệm từ những chính sách liên quan công tác tuyển dụng cán bộ thời gian qua, làm rõ những kết quả và cả những hạn chế.
 
 Bài học từ các địa phương cũng rất quan trọng, cần sớm có những sơ kết, tổng kết sau thời gian thực hiện việc thi tuyển cán bộ quản lý chẳng hạn. Nguồn nhân tài ở đâu? Vấn đề này không khó, nhiều địa phương đã lựa chọn tuyển dụng cán bộ là các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, xuất sắc, các sinh viên đạt giải thưởng cao,... Không ít địa phương cũng đã lựa chọn nguồn nhân lực từ những sinh viên ưu tú đó để đưa đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Song, hơn hết vẫn là phải coi trọng phẩm chất đạo đức, mục tiêu lý tưởng, bản lĩnh và nhân cách.
 
 - Với tình hình đó, theo ông làm sao để có thể hiện thực hóa những chính sách đãi ngộ, phát triển nhân tài?
 
 - Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đã thể hiện mục tiêu là làm sao để đào tạo được một thế hệ học sinh phát triển toàn tiện về đức - trí - thể - mỹ. Đấy cũng chính là nền tảng để phát triển nhân tài. Cần ưu tiên tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng nhất là ở các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, những ngành mũi nhọn. Tức là cần đầu tư cho nhân tài có trọng tâm, trọng điểm chứ không rải mành mành nữa. Dựa trên tình hình nhu cầu thực tiễn đang đòi hỏi mà đào tạo, tuyển dụng. Tránh tình trạng đặt để tài năng sai chỗ, khiến thui chột tài năng. Quan trọng là đào tạo và sử dụng đúng năng lực, sở trường của cán bộ đó.
 
 Tức là phải bố trí, sử dụng cho đúng ngành, đúng nghề và lĩnh vực chuyên môn được đào tạo. Hơn nữa cũng phải có chế độ chính sách thu hút như thế nào cho thật hấp dẫn. Ở tầm vĩ mô, chúng ta phải rút kinh nghiệm việc chúng ta trước kia chưa làm được thì bây giờ phải làm ngay, đó là về mặt chức năng quản lý nhà nước, từ khi sinh viên Việt Nam tham gia thi quốc tế trên mọi lĩnh vực suốt nhiều năm qua thì phải nắm được thông tin: bao nhiêu người có thành tích học tập cao, họ đang ở đâu, làm gì? Có ai trả lời được câu hỏi này không? Chưa thấy rõ. Vậy là có biết bao nhân tài đấy nhưng chúng ta chưa thống kê và nắm bắt được. Mấy chục năm nay chúng ta chưa làm tốt khâu này.
 
 - Thực trạng, những kết quả và cả những bất cập hẳn cũng đã được nêu rõ trong các Nghị quyết của Đảng. Vấn đề bây giờ là thực thi, vậy giải pháp mấu chốt cho giai đoạn mới là gì, theo ông?
 
 - Tại sao lần này, Đại hội XIII của Đảng lại nhấn mạnh việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi người Việt Nam, phát huy văn hóa và con người Việt Nam? Chính bởi vì chúng ta tổng kết lại, nhìn lại thực tiễn thì thấy rằng, lâu nay chưa thật sự phát huy hiệu quả nội lực con người. Rõ ràng bây giờ nói về mặt chủ trương thì chúng ta không cần phải bàn đến nữa, đặc biệt là trong điều kiện chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vừa là cơ hội nhưng cũng là thử thách đòi hỏi đầu tư đội ngũ nhân tài. Để khắc phục tình trạng này, và triển khai thành công các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn lực con người trong giai đoạn mới, chúng ta phải có kế hoạch, có lộ trình và bước đi cụ thể để huy động các nguồn lực cho phát triển. Phát hiện rồi làm sao để đào tạo cho đúng, bố trí việc làm phù hợp. Trước đây chúng ta cứ hay cho rằng chảy máu chất xám, nhưng tôi cho rằng bây giờ phải đổi thành “chuyển tiếp chất xám”. Chất xám thì không mất đi đâu được cả. Chúng ta phải nhìn thoáng hơn về vấn đề này.
 
 - Trân trọng cảm ơn ông!