Du lịch với bài toán giữ sức hút cho điểm đến

Ngành du lịch Việt Nam đang có sự tăng tốc, bứt phá ngoạn mục. Nhiều điểm đến của Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu, thu hút sự chú ý của quốc tế, lọt vào danh sách bình chọn của du khách và nhiều kênh truyền thông uy tín của thế giới. Nhưng cũng chính tại thời điểm hiện nay, một vấn đề đang được đặt ra, song dường như lại chưa được quan tâm đúng mức: Bảo vệ sức hút điểm đến, cũng chính là bảo đảm sự tăng trưởng bền vững và chất lượng của du lịch Việt.

Các em nhỏ người nước ngoài hào hứng tham gia trò chơi truyền thống trong chuyến tham quan tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Các em nhỏ người nước ngoài hào hứng tham gia trò chơi truyền thống trong chuyến tham quan tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Tạo dựng được thương hiệu hấp dẫn

Năm 2017, Việt Nam nằm trong danh sách điểm đến tăng trưởng du lịch nhanh nhất châu Á. Nhiều thành phố, thắng cảnh, di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới tại Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách bình chọn là điểm đến hấp dẫn, độc đáo của thế giới và khu vực.

Trong tháng ba vừa qua, sáu thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Huế, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang và TP Hồ Chí Minh được trang web du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor gợi ý là những điểm đến nằm trong top điểm đến hấp dẫn của khu vực Đông - Nam Á hiện nay. Kênh truyền hình CNN cũng vừa đưa ra danh sách những điểm đến đẹp nhất Việt Nam, trong đó có những địa danh như sông Thu Bồn, Nhà hát Lớn Hà Nội, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Sa Pa, hang Sơn Đoòng… Đây cũng là những “gương mặt quen thuộc” có thứ hạng cao mà nhiều hãng truyền thông, báo chí hay website du lịch thế giới bình chọn trong những năm gần đây.

Năm 2018, ngành du lịch được giao chỉ tiêu đón 16 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc bảo đảm tăng trưởng, ngành du lịch cũng đứng trước thách thức chuyển từ tăng trưởng không chỉ chú trọng về số lượng mà còn cả chất lượng, với việc duy trì và bổ sung các chính sách để thay đổi cơ cấu khách du lịch, hướng tới thị trường cao cấp với mức chi tiêu bình quân cao hơn 1.000 USD/người. Với rất nhiều thuận lợi như chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và I-ta-li-a), thí điểm cấp visa điện tử vừa được Chính phủ và Quốc hội thông qua, nhiều rào cản phát triển du lịch đã từng bước được gỡ bỏ. Trong năm 2017 và 2018, hàng loạt kế hoạch xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, thị trường xa đã được Tổng cục Du lịch cùng các doanh nghiệp thực hiện để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thị trường thế giới. Hiệu ứng về truyền thông và nguồn khách thu về từ những thị trường này đã có sự tăng trưởng so với những năm trước. Tính trong bốn tháng đầu năm 2018, hầu hết các thị trường khách du lịch quốc tế tới Việt Nam đều có sự tăng trưởng đáng kể, dù đó là thị trường gần như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a hay thị trường xa như Phần Lan, I-ta-li-a, Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ…

Làm sao để tăng trưởng đồng hành cùng chất lượng?

Cân bằng giữa việc làm sao để thu hút nhiều khách và bảo đảm chất lượng du lịch luôn là thách thức cho sự phát triển bền vững. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đưa ra chỉ dẫn Việt Nam cần ưu tiên cải thiện sự bền vững của môi trường, các yêu cầu về visa, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch. Về khuyến nghị tháo gỡ ba điểm nghẽn để tạo đà cho du lịch phát triển mà Diễn đàn Kinh tế Tư nhân (VPSF) đưa ra, bên cạnh chính sách quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia, chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam, còn là vấn đề tạo lập môi trường điểm đến du lịch sạch, thân thiện và an toàn.

Rõ ràng, chất lượng điểm đến vẫn luôn là một trong ba điều kiện tiên quyết để bảo đảm độ hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch cho rằng, đối với công tác quản lý điểm đến du lịch sạch, an toàn, thân thiện hiện “có không ít vấn đề mà ngành du lịch Việt Nam và các địa phương cần quan tâm giải quyết một cách tỉ mỉ và quyết liệt”. Trong đề xuất tái cơ cấu ngành du lịch, ông cũng nêu ra yêu cầu cần ban hành quy chuẩn và giám sát thực hiện quy chuẩn về số lượng, chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch như một nội dung quan trọng, cần có những biện pháp giải quyết dứt điểm nạn ăn xin, đeo bám, lừa đảo du khách... Để thực hiện hiệu quả mảng công việc này, Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành bộ chỉ số đánh giá, tổ chức đánh giá và hằng năm công bố bảng xếp hạng “Điểm du lịch sạch, an toàn, thân thiện” cho từng địa phương (tỉnh) và từng điểm du lịch thuộc địa phương, coi như chỉ số năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch.

Đối mặt tình trạng tăng trưởng “nóng” trong du lịch, áp lực tăng trưởng về lượng khách đã khiến các địa phương chú trọng nhiều tới yêu cầu đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm, đôi khi lạm dụng vào tài nguyên có sẵn mà phớt lờ những tác động của tăng trưởng lên môi trường du lịch hay quên đi đánh giá sức chịu tải của điểm đến. Điều này tạo ra hậu quả về lâu dài, khiến cho cảnh quan thay đổi, mất đi vẻ đẹp vốn có, khiến du khách sẽ một đi không trở lại.

Đầu tư cho sản phẩm du lịch là yêu cầu bắt buộc để có thể tăng sự hấp dẫn cho điểm đến. Có thể dễ dàng nhận thấy các sản phẩm du lịch Việt Nam đang khá đơn điệu, còn nhiều mảng trống để nghiên cứu cơ hội đầu tư ở từng địa phương, căn cứ tiềm năng, điều kiện cụ thể ở từng nơi. Quan trọng nhất là có sự liên kết để tăng trải nghiệm, thời gian lưu trú của du khách. Dẫn chứng từ Huế - một điểm đến hấp dẫn nhưng chậm phát triển du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Khi phát triển sản phẩm rồi thì sản phẩm ấy không tồn tại một mình được, điều này mang tính chất sống còn. Huế không thể đứng một mình được mà phải liên kết với phía bắc, phía nam. Phía nam là Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn còn phía bắc là Quảng Trị, Quảng Bình… Có kết nối như vậy thì Huế mới có thể tận dụng được những sản phẩm điểm đến khác biệt, tương phản với những gì đang có”. Còn ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho rằng, địa phương cần phải xây dựng một chiến lược phát triển du lịch dài hơi, trong 10 năm, 20 năm để các nhà đầu tư chiến lược yên tâm, tạo động lực để huy động doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng cộng đồng tham gia vào phát triển sản phẩm du lịch.

Bên cạnh việc làm mới sản phẩm thì kiểm soát chất lượng dịch vụ hay môi trường du lịch là việc ngành du lịch cần cân nhắc để bảo đảm không “mất điểm” với khách du lịch. Hiện nay, cùng với sự tăng trưởng đột biến về lượng khách, nhu cầu về lưu trú, giao thông, dịch vụ cũng vì thế mà tăng theo, nhiều địa phương bùng phát việc xây dựng các khách sạn, phát triển quá nhiều mô hình du lịch cộng đồng, lưu trú cùng hộ dân (homestay) lại khiến cho cung - cầu chênh lệch, nơi thừa nơi thiếu. Cùng với đó là nhiều dịch vụ mới như dịch vụ căn hộ cho thuê, airbnb (dịch vụ chia sẻ phòng), condotel… vừa tạo ra sự đa dạng, phong phú trong kinh doanh du lịch, nhưng cũng cần có sự quan tâm quản lý về chất lượng, để bảo đảm tốt nhất chất lượng phục vụ khách.

Với những chính sách tạo đà cho du lịch phát triển như Luật Du lịch, Nghị quyết Trung ương 8 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và có những đề án phát triển để thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Điều cần thiết lúc này, chính là một bộ khung quy chuẩn về phát triển du lịch bền vững, đặt trong một chiến lược dài hơi, bài bản, với tầm nhìn rộng về xây dựng và khai thác điểm đến du lịch. Nếu không sớm hành động, và thay đổi tư duy khai thác tài nguyên du lịch theo chiều rộng và thô như hiện nay, thì sự tăng trưởng nóng ở thời điểm này, có thể lại là mối nguy cho phát triển, trong tương lai không xa.