Dư địa cải cách còn rất rộng

Kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh (ÐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành dường như vẫn chưa đủ để tạo nên sức hấp dẫn mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam. Chìa khóa để thay đổi tình thế nằm ở cả khu vực Nhà nước và doanh nghiệp (DN).

Chính phủ đang nỗ lực thực hiện cam kết cắt giảm được ít nhất là 50% trong tổng số điều kiện kinh doanh mỗi ngành, lĩnh vực.
Chính phủ đang nỗ lực thực hiện cam kết cắt giảm được ít nhất là 50% trong tổng số điều kiện kinh doanh mỗi ngành, lĩnh vực.

Cơ hội của tư duy mới

Cuộc tranh luận tưởng chừng không thể có hồi kết là việc có hay không "đeo mào" cho các loại xe grab, bee... cuối cùng cũng gần đến đích.

Dự thảo lần thứ 11 sửa đổi Nghị định 86/2014/NÐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô đã chính thức đề xuất bỏ cả hộp đèn điện tử và phù hiệu cho các loại xe chở khách dưới chín chỗ. Nhưng cũng ở lần thứ 11 này của Dự thảo, hiệp hội ta-xi ba miền đã đồng loạt gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị có cuộc đối thoại trực tiếp trước khi Thủ tướng ký văn bản. Lý do vẫn là các DN kinh doanh ta-xi truyền thống không đồng tình với đề xuất gỡ mào của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Giữ hay bỏ - sẽ phải đợi khi Thủ tướng Chính phủ ký chính thức ban hành. Tuy nhiên, hướng giải quyết đã được mở ra khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Ðề án Thúc đẩy kinh tế chia sẻ. Cụ thể, Ðề án này xác định rõ mục tiêu là bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và DN cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Không dừng lại ở đó, Ðề án cho phép cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở cơ chế này, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ được nâng cao, đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Có thể hiểu là, một môi trường kinh doanh thuận cho mô hình kinh tế mới đã hội tụ thêm được nhiều điều kiện cần...

Vẫn thiếu điều kiện đủ

Bất cứ mô hình kinh doanh nào, dù truyền thống hay mới phát sinh đều cần có khung khổ pháp lý. Ðó là nguyên tắc để bảo đảm lợi ích và trách nhiệm của các bên khi tham gia kinh doanh. "Nhưng quản lý như thế nào lại là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hay khó khăn, ổn định hay bất ổn sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tư duy của cơ quan quản lý nhà nước", ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ quan điểm.

Có thể thấy rõ mối quan hệ "nhân-quả" trong những loay hoay của Bộ GTVT khi tìm kiếm khung khổ pháp lý cho mô hình xe ứng dụng hợp đồng điện tử. Sự không rõ ràng trong phương thức quản lý của cơ quan này khiến các DN ta-xi truyền thống "lập hội" để giữ thị trường. Thậm chí, ông Cung cho rằng, lợi ích nhóm đã khiến các DN lại là người muốn dựng rào cản, chính là các điều kiện kinh doanh không hợp lý, với mục tiêu là hạn chế sự gia nhập của các đối thủ mới. "Khi các DN muốn lập rào cản, thì các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh từ phía Chính phủ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều", ông Cung nói.

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa, tư duy thị trường và chấp nhận cạnh tranh của DN sẽ là một trong những điều kiện đủ để thúc đẩy, thậm chí là tạo áp lực để các cam kết hoàn thiện môi trường thể chế, bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi cho DN mà Chính phủ đưa ra đi nhanh vào thực tế.

Cho đến thời điểm hiện nay, cam kết của Chính phủ không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm ÐKKD hiện hữu, với mục tiêu giảm được ít nhất là 50% trong tổng số ÐKKD mỗi ngành, lĩnh vực. Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư, số ngành, nghề được đề xuất loại ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đã lên tới con số 17. Trong số đó, có thể kể tới ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim, kinh doanh dịch vụ xoa bóp; hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm... Lý do là những ngành nghề này không còn phù hợp với mục đích quy định tại Ðiều 7, Luật Ðầu tư.

Ðặc biệt, trong Dự thảo này, cơ chế giám sát hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục... đã được thiết lập. Theo đó, các bộ, ngành phải lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh khi thẩm định, phê duyệt đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

"Trong cơ chế giám sát này, mối quan tâm cao nhất phải là việc các bộ, ngành thực hiện đánh giá tác động các đề xuất thế nào theo cả hai phía, cơ quan quản lý nhà nước và DN", ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết. Phải nói thêm, theo Dự thảo, điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định rõ các hình thức và các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản...

Tuy nhiên, tất cả những đề xuất này vẫn đang trong giai đoạn bàn thảo. Nếu nhìn lại chặng đường khó khăn trong cắt giảm ÐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong vài năm trở lại đây, có thể thấy, không đơn giản để đi đến thống nhất. Trong một số chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 02/2019/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng đã phải nhắc đến yêu cầu về tính thực chất của các quyết định cắt giảm này.

Rõ ràng, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ minh bạch hơn, thông thoáng, thuận lợi hơn cho các mô hình kinh doanh mới khi cả Nhà nước và DN cùng thay đổi tư duy, cùng chú trọng lợi ích của nền kinh tế.

Nếu những đề xuất trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, số ngành, nghề được chấp thuận, số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ còn khoảng 228 ngành, so 243 ngành, nghề hiện tại.