Đột phá từ quy hoạch nguồn nguyên liệu

Những kho nguyên liệu trống và lịch sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên liệu… Đó là tình trạng chung của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dệt may hiện nay. Dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất toàn cầu và một lần nữa ngành xuất khẩu mũi nhọn của chúng ta lại phải đối diện bài toán sinh tồn vốn được đặt ra từ hàng chục năm rồi.

Nhờ sớm chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, Tổng Công ty May 10 đã giảm bớt nguy cơ đình đốn sản xuất do tác động của dịch Covid -19. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Nhờ sớm chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, Tổng Công ty May 10 đã giảm bớt nguy cơ đình đốn sản xuất do tác động của dịch Covid -19. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Hạn chế cố hữu

Chịu tác động từ dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu (XK) hai tháng đầu năm của ngành dệt may đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc là hệ quả tất yếu của sự mất cân đối trong sản xuất và xuất khẩu của DN dệt may Việt Nam hiện nay. Thực tế này được ông Phạm Quốc Doanh, nguyên Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN lý giải, đó là sau hàng chục năm, Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng được vùng bông nguyên liệu - vốn được xem là “xương sống” của ngành.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý rằng, tuy “kịch bản” thiếu nguyên liệu sản xuất đã được dự báo ngay từ những quý đầu năm 2019, song các DN dệt may vẫn chưa có được giải pháp thích ứng kịp thời. Trong bối cảnh nguồn cung ứng dệt may mang tính chất toàn cầu như hiện nay, việc mỗi quốc gia tự chủ cả chuỗi cung ứng là rất khó, tuy vậy, việc để phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài thị trường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây ra tình trạng bấp bênh.

Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), năm 2019, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may cả nước là 22,36 tỷ USD, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là vải đạt 12,37 tỷ USD. Xét theo cơ cấu nguyên liệu, hơn 60% vải nhập khẩu của DN dệt may hiện nay từ Trung Quốc. Tương tự, sợi nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm 55%, và 45% phụ liệu khác của ngành cũng nhập khẩu từ thị trường này.

Mặc dù Việt Nam đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho các ngành hàng, nhưng theo đánh giá chung, hiệu quả chưa được như mong đợi. “Nghị định 111 và các văn bản khác của Chính phủ có hướng tới phát triển CNHT nhưng chưa có chương trình phát triển hành động cụ thể” - ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định.

Nếu so sánh với các quốc gia mạnh về XK dệt may như Ấn Độ, Băng-la- đét..., chính sách riêng biệt dành cho phát triển CNHT của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Ông Hiếu chỉ rõ: “Đơn cử như Băng-la-đét, họ có chính sách cụ thể như việc các DN XK dệt may sẽ được hưởng ưu đãi về thuế vay XK thấp hơn, hoàn thuế thu nhập, hỗ trợ tiếp cận thị trường nước ngoài, tiếp cận giá các dịch vụ ga, nước, điện rẻ hơn… Trong khi ở Việt Nam, những chính sách này là không có. Bên cạnh đó, ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (60%) máy móc, nguyên vật liệu và phụ kiện. Đây sẽ là thách thức lớn với nhiều DN trước các quy định khó khăn về nguồn gốc từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”.

Không chỉ vậy, ngành dệt may còn gặp khó khăn ở trong khâu sản xuất dệt, nhuộm hoàn thiện. Nhiều địa phương không mặn mà cấp phép cho các dự án nhuộm, do lo ngại tiềm ẩn nguy cơ với môi trường. Nhiều DN cũng không sẵn sàng đầu tư cho các dự án dệt, nhuộm vì vốn đầu tư cao cũng như đòi hỏi đầu tư nhân lực tốn kém vì cần đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật vận hành và quản lý tốt...

Sửa cơ chế, hút đầu tư

Có thể nhận thấy, hiện không chỉ dịch bệnh khiến XK dệt may khó khăn mà các yêu cầu từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA cũng đòi hỏi DN phải chủ động nguyên liệu hoặc tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia trong khối để được hưởng ưu đãi thuế.

Các chuyên gia cảnh báo, với việc nắm vai trò chủ đạo về nguồn cung nguyên phụ liệu, nhiều khả năng Trung Quốc có thể tăng thuế đối với các sản phẩm vải nguyên liệu XK sang Việt Nam; và Mỹ có thể tiến hành truy xuất nguồn gốc các sản phẩm may mặc sản xuất tại Việt Nam, để hạn chế nguyên phụ liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do vậy, vai trò của Hiệp hội, cũng như sự tham gia tích cực của các DN trong những vấn đề như phòng ngừa các rào cản kỹ thuật chống bán phá giá, gian lận xuất xứ hàng hóa của các nước nhập khẩu lớn… là vô cùng quan trọng.

Mặt khác, để ứng phó với khó khăn trước mắt, các DN dệt may Việt Nam đã và đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, một trong số đó là tìm nhà cung cấp khác thay thế các nhà cung cấp tại Trung Quốc. Như kinh nghiệm của Tổng Công ty May 10, một DN đã chủ động hoàn toàn về nguyên phụ liệu sản xuất hàng trong nước. Thêm vào đó, DN này cũng đã liên lạc với tất cả các khách hàng, đề nghị cho phép May 10 đặt hàng nguyên liệu tại các nhà cung cấp ở Việt Nam để bảo đảm đơn hàng. Về lâu dài, sẽ tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, giúp DN tối đa hóa lợi ích.

Sự chủ động này cũng được cơ quan quản lý chuyên ngành đánh giá cao. Theo lãnh đạo Bộ Công thương, bộ đang tổng hợp các kiến nghị của DN về phát triển vùng nguyên liệu để từ đó có các giải pháp, chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ DN ổn định sản xuất, duy trì mục tiêu tăng trưởng. Mới đây, Bộ Công thương cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, Nghị định cần quy định rõ các chính sách hỗ trợ phát triển vùng công nghiệp tập trung riêng cho dệt may, trong đó quy tụ các khâu sản xuất theo chuỗi. Chính phủ cũng cần đưa ra các chính sách cụ thể với các ưu đãi về đất, vốn, hỗ trợ phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực, lãi suất ưu đãi… riêng cho ngành dệt may để phù hợp với tính đặc thù của các dự án. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị thêm: Để giải “bài toán” nguyên phụ liệu, ngành dệt may Việt Nam cần sự hỗ trợ của Chính phủ xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm chuyên biệt, chỉ có như vậy mới giải quyết dứt điểm khâu dệt nhuộm, vốn đang là “nút thắt” của ngành.

Mặt khác, về lâu dài, các DN dệt may cũng phải đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng cơ hội XK dệt may bền vững.

Đột phá từ quy hoạch nguồn nguyên liệu ảnh 1

Về lâu dài, các DN dệt may cũng phải đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 253 tỷ USD. Riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc là 75 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng bông, xơ, sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày nhập khẩu năm 2019 chủ yếu từ Trung Quốc với trị giá 11,52 tỷ USD.

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Lưu Lan Hương, Lê Đức Nghĩa