Đột phá là MICE, là sự chuyên nghiệp!

Đó là nhấn mạnh của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi đề cập đến loại hình du lịch MICE cũng như những giải pháp phát triển bền vững cho ngành du lịch trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân cuối tuần mới đây.

Đột phá là MICE, là sự chuyên nghiệp!

- Hiệu ứng của sự kiện Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa qua đối với phát triển du lịch của Việt Nam là rõ ràng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt để nắm bắt được cơ hội thì tất cả sẽ lại trôi qua, thưa ông?

- Đúng vậy, muốn tạo hiệu ứng tích cực, trước hết chúng ta phải tiếp tục làm tốt công tác truyền thông. Cần lựa chọn các thị trường tiềm năng để đẩy mạnh công tác xúc tiến tại đó, trước mắt cần chọn ngay các quốc gia có đông nhà báo đến đưa tin về sự kiện Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa qua. Thị trường Hoa Kỳ cần được ưu tiên đầu tư bởi số lượng du khách Hoa Kỳ luôn trong nhóm 5 nước đến Việt Nam đông nhất. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy là hai nước hàng đầu của Du lịch Việt Nam, nhưng vẫn còn khả năng cao hơn nữa. Bên cạnh đó là các nước Tây Âu, thị trường truyền thống và ổn định của Du lịch Việt Nam.

Thứ hai, cần xây dựng những sản phẩm du lịch cho thích hợp. Trước hết, phải tăng cường tổ chức loại hình MICE. Và cuối cùng là, cần tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng đòi hỏi của loại hình du lịch mới này.

- Ông có thể nói rõ hơn về triển vọng loại hình MICE đối với du lịch của Việt Nam?

- Hiện nay, nhiều nước đang quan tâm phát triển loại hình du lịch MICE (Meeting, Incentive, Conference, Event). MICE là loại hình du lịch kết hợp giữa tổ chức các sự kiện như hội nghị, hội thảo, hội chợ, giữa thu xếp nghỉ ngơi, khám phá, mua sắm cho những người tham gia sự kiện. Đó thường là những sự kiện lớn, thu hút nhiều người tham gia và tất nhiên chi phí cũng rất lớn. Với đặc thù như vậy, MICE đang trở thành loại hình du lịch hấp dẫn và có sự cạnh tranh cao giữa các nước, giữa các địa phương.

Sau sự kiện Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra thuận lợi, an toàn tại Hà Nội, các nhận xét, tình cảm của các nhà báo quốc tế về đất nước Việt Nam, về lòng mến khách của nhân dân Việt Nam là sự quảng bá vô giá cho chúng ta, góp phần trực tiếp cho sự tăng trưởng của ngành du lịch. Thành công lần này mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Việt Nam, chứng tỏ chúng ta có tiềm năng tổ chức nhiều hơn sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế như thế.

- Nhìn về dài hạn, sẽ cần phải làm gì tiếp theo để thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững và chuyên nghiệp?

- Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017, Du lịch Việt Nam cần đón ngày một nhiều hơn khách đến Việt Nam. Muốn thế thì những chính sách về du lịch phải ngày càng thông thoáng. Vừa qua, Chính phủ cũng đã áp dụng visa điện tử, tạo thuận lợi cho du khách làm thủ tục đến Việt Nam. Trong thời gian tới, cần xem xét mở rộng việc miễn thị thực cho du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Cần phấn đấu để số lượng các nước Việt Nam miễn visa phải theo kịp các nước trong khu vực.

Tiếp đó, cần có chính sách để thúc đẩy sản xuất hàng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu du khách. Hiện nay chúng ta chủ yếu phục vụ khách du lịch đến ăn ở, đi lại, tham quan, còn mua sắm mới chỉ chiếm 10-15% chi phí của họ, một con số rất thấp nếu so với tiềm năng. Vậy cần những ưu đãi về thuế, về vốn, để khuyến khích các cơ sở sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ du lịch: khám chữa bệnh, du lịch thể thao, làm đẹp, làm đa dạng hóa loại hình dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, thái độ ứng xử trong du lịch rất quan trọng cả đối với công ty du lịch và người dân ở các điểm du lịch. Các doanh nghiệp cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ. Người dân ở các điểm du lịch cần chân tình, lịch sự, ứng xử văn minh với du khách thì du khách đến rồi không chỉ muốn ở lại, trở lại mà còn giúp giới thiệu Việt Nam đến những vị khách mới.

Các cơ quan chính quyền cần thấy rõ lợi ích của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, để có những điều chỉnh chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến du lịch inbound (khách quốc tế đến Việt Nam), chưa thật sự quan tâm đến du lịch outbound (khách Việt Nam ra quốc tế). Trong khi du lịch outbound đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đó còn là cơ hội đưa hình ảnh đất nước - con người Việt Nam đi xa, quảng bá rộng khắp ra thế giới. Vì vậy cần quan tâm, có các chính sách thích hợp đối với loại hình du lịch quan trọng này.

- Xin cảm ơn ông!