Động lực quan trọng của nền kinh tế

Trong hành trình 30 năm đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhìn chung hoạt động của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó các doanh nghiệp, doanh nhân từ kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng vào phục hồi nền kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Phòng giao dịch của Unitel - Thương hiệu Viettel đầu tư tại Lào. Là một trong những doanh nghiệp Việt có tốc độ phát triển cao, đến nay Viettel đã đầu tư sang 10 nước, với doanh thu ngoài nước đạt gần
Phòng giao dịch của Unitel - Thương hiệu Viettel đầu tư tại Lào. Là một trong những doanh nghiệp Việt có tốc độ phát triển cao, đến nay Viettel đã đầu tư sang 10 nước, với doanh thu ngoài nước đạt gần

Thước đo tăng trưởng

Sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được xuất phát từ quá trình từng bước hoàn thiện thể chế để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, có việc hoàn thiện các văn bản Luật liên quan đến sản xuất kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Phá sản… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về sở hữu, về thuế, môi trường được hoàn thiện trên cơ sở Hiến pháp 2013 để từng bước xóa bỏ độc quyền, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Từ đối tượng chịu sự quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đã được tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản luật. Trong một phiên họp Chính phủ chuyên để xây dựng pháp luật hồi cuối tháng sáu vừa qua đã có sự góp mặt của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Đây là điều chưa có tiền lệ. Và cũng chưa bao giờ ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào xây dựng luật đã vào được đến vòng cuối cùng, bình đẳng với các bộ, ngành trong xây dựng cơ chế chính sách như vậy…

Những điều này cho thấy quyết tâm hiện thực hóa cam kết Chính phủ hành động vì doanh nghiệp. Cũng phải khẳng định, việc hình thành mối quan hệ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động, trong đó, nhà nước với vai trò trọng tài, người đưa ra luật chơi đã ngày càng rõ nét, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Các hội nghề nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả trong việc tham vấn xây dựng chính sách, hoạch định chiến lược.

Trong bối cảnh ấy, chủ thể của động lực của nền kinh tế - đội ngũ doanh nhân cũng đã từng bước phát triển đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Trong hoạt động hằng ngày, đạo đức và văn hóa kinh doanh, tinh thần tự hào dân tộc đã được các doanh nhân quan tâm thực hiện.

Tiếp tục nỗ lực đổi mới

Trong những năm vừa qua, Việt Nam thực hiện ký kết các Hiệp định thương mại tự do với rất nhiều quốc gia và các khối liên minh kinh tế với phạm vi cam kết tự do hóa hơn với mức thuế suất về 0% đối với khoảng 80% thị phần thị trường thế giới, mở ra khả năng thuận lợi hơn vào chuỗi giá trị hay chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt thuận lợi đã nêu việc mở rộng thị trường cũng đi kèm với mức độ cạnh tranh ngày càng tăng, các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường ngày càng cao cũng là các thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Và những doanh nhân - những vị thuyền trưởng cần phải chèo lái như thế nào trước những cơn sóng cả?

Với tốc độ tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới như hiện nay, đặc biệt là quá trình hợp nhất giữa nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong sản xuất được rút ngắn đến mức tối đa, đã làm các lợi thế truyền thống của Việt Nam từ khi đổi mới là lao động giá rẻ, nguồn nguyên liệu không tái tạo rẻ đã dần mất đi. Đặc biệt chúng ta gặp cạnh tranh ngay đối với các nước trong khối ASEAN về lao động giá rẻ và chính bản thân các nước OECD trong việc thu hút trở lại các phân khúc sản xuất có giá trị cao. Do đó, để chuẩn bị và thực hiện hội nhập thành công, các doanh nghiệp, mà cụ thể là những người đứng đầu doanh nghiệp cần phải chú trọng nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nhân cần chủ động tìm hiểu các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế cả về Hiệp định thương mại tự do và các điều kiện kỹ thuật khi đưa hàng của doanh nghiệp vào các thị trường mới. Về phía Nhà nước, cần có trách nhiệm thành lập trung tâm xúc tiến ngoại thương ở các thị trường tiềm năng với chi phí 2 đến 3 năm đầu tư ngân sách nhà nước sau đó nguồn kinh phí hoạt động được duy trì theo hiệu quả xúc tiến từ các hoạt động của trung tâm mà các doanh nghiệp sẽ chi trả kinh phí.

Lúc này việc thực thi trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nhân càng phải được chú trọng thông qua việc ý thức trong chấp hành luật pháp của nhà nước, chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và trách nhiệm với người lao động.

Doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần nêu cao tinh thần “con Lạc cháu Hồng” niềm tự hào Việt Nam để tương trợ, hợp tác hình thành các chuỗi giá trị bảo đảm lợi nhuận cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, trong đó, chú ý đến chuỗi giá trị trong nông nghiệp bao gồm từ nuôi gia cầm thủy sản đến trồng trọt các loại cây đặc thù với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là hướng đi tạo nên sự phát triển bền vững và gia tăng giá trị cho các doanh nghiệp. Để trưởng dưỡng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Nhà nước cần xác định rõ về việc hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường và tư vấn pháp lý miễn phí cũng như đưa ra chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với các sáng chế, phát minh được đưa vào sản xuất thương mại.

Trên chặng đường phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần nhận được sự hỗ trợ, tương tác từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận vốn, khoa học công nghệ và tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp. Những cam kết của Chính phủ kiến tạo vì hoạt động của doanh nghiệp cần phải được đẩy mạnh một cách bền bỉ theo hướng hoàn thiện các Luật và văn bản hướng dẫn thực hiện để có được chính sách hỗ trợ tối đa cho quá trình hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp và các ưu tiên phù hợp với cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi đây là đối tượng chiếm đến 97% trong tổng số doanh nghiệp của Việt Nam, và cũng sẽ là đối tượng làm nên sự linh hoạt và phát triển đa dạng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Để “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” chúng ta cần tới không chỉ quyết tâm chính trị, mà quan trọng hơn là sự vào cuộc của cả hệ thống và đồng lòng của các chủ thể Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 535 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Chỉ riêng chín tháng của năm 2016 đã có hơn 81 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Với thực tế của Việt Nam khoảng 97% số doanh nghiệp đăng ký nêu trên là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo phân loại hiện nay. Tuy vậy, các doanh nghiệp đã đóng góp gần 50% GDP và tạo ra gần 45% việc làm cả nước.