Đổi mới công tác cán bộ, đòi hỏi từ thực tiễn

LTS - Trước thềm Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, báo Nhân Dân cuối tuần thực hiện chuyên đề “Đổi mới công tác cán bộ trong tình hình mới”, nhằm góp phần phân tích thực trạng và đề ra những giải pháp đồng bộ để quá trình lựa chọn và sử dụng con người thật sự trở thành then chốt, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cần tạo cho lớp trẻ có nhiều cơ hội học tập, rèn luyện, thử thách bởi đây là nguồn lực cán bộ quan trọng của bộ máy quản lý nhà nước. Ảnh: TRẦN HẢI
Cần tạo cho lớp trẻ có nhiều cơ hội học tập, rèn luyện, thử thách bởi đây là nguồn lực cán bộ quan trọng của bộ máy quản lý nhà nước. Ảnh: TRẦN HẢI

Vai trò quan trọng và quyết định

Trong mọi giai đoạn cách mạng Việt Nam, cán bộ và công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng và mang tính chất quyết định đối với sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (1) và “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” (2).

Thực tế hơn 30 năm đổi mới cho thấy, công tác cán bộ đã có những chuyển biến tích cực, đem lại những kết quả quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp đổi mới đất nước. Tuy nhiên, công tác cán bộ nói chung, nhất là trong đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ... nói riêng, có nơi, có lúc còn có biểu hiện chưa thật sự dân chủ, thiếu tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa có quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm người đứng đầu, quan hệ giữa người đứng đầu với tập thể lãnh đạo; thiếu công khai, minh bạch; thiếu thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, vẫn còn nể nang, né tránh, sợ va chạm; thiếu sự tham gia giám sát của người dân… đúng như Văn kiện Đại hội XII đánh giá: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi” (3). Vì vậy, phải tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần của Đại hội XII.

Giải pháp đổi mới

Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu mở đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tất cả các khâu của công tác cán bộ, nhất là ở khâu lựa chọn, sử dụng cán bộ. Đánh giá đúng sẽ góp phần quyết định sử dụng đúng cán bộ, đánh giá sai thường dẫn đến sử dụng sai cán bộ. Vì vậy, phải hoàn thiện khâu đánh giá cán bộ theo một cơ chế dân chủ với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân; có tiêu chuẩn đánh giá cụ thể hơn, quy trình chặt chẽ và khoa học hơn, quy kết trách nhiệm rõ ràng đối với tập thể, cá nhân đánh giá cán bộ không đúng.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định cụ thể về đánh giá mà gần đây nhất là Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW và Quy định số 132-QĐ/TW… Tuy nhiên, các tiêu chí cần tiếp tục được lượng hóa, cụ thể hóa cho phù hợp đặc thù, điều kiện cụ thể của từng cấp, từng ngành, trong đó cần đẩy mạnh phân cấp đánh giá cho người đứng đầu trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ gắn với các chế tài để kiểm soát quyền lực; đồng thời đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá cán bộ.

Cùng với đánh giá cán bộ đúng, việc bố trí, sử dụng cán bộ đúng việc, bổ nhiệm đúng người, đúng thời điểm có ý nghĩa rất lớn trong khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt hiện nay. Việc đề bạt, bố trí và sử dụng cán bộ phải tuân theo một quy trình khoa học, thống nhất giữa các khâu từ phát hiện, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến đề bạt, bố trí và sử dụng cán bộ; phải xây dựng thành một tiêu chí cụ thể, rõ ràng, phải đáp ứng được yêu cầu công việc được giao.

Một nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay là cần thực hiện tốt những quy định của Trung ương ban hành về công tác cán bộ kể từ Đại hội XII đến nay. Đây là bước tiến lớn, đột phá, khắc phục phần lớn những hạn chế, yếu kém tồn tại từ trước tới nay trong công tác cán bộ, tạo bộ khung định hướng có tính chất quy chuẩn cho từng khâu, vừa là công cụ để cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị áp dụng, lựa chọn những nhân tố xuất sắc, đủ tâm, tài hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, các cấp ủy cần nhanh chóng cụ thể hóa những văn bản này thành hướng dẫn cụ thể trên cơ sở đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác cán bộ có vị trí, vai trò quan trọng, trực tiếp đến hoạt động của Đảng và của toàn xã hội cho nên phải thường xuyên kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, kiểm tra, giám sát là để kiểm soát quyền lực. Một số cán bộ cấp cao của các địa phương và bộ, ngành mới bị kỷ luật, bị truy tố gần đây là những thí dụ điển hình về yếu kém trong quản lý, giám sát đội ngũ cán bộ được giao nhiều quyền.

Khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới, hội nhập với thế giới thì đòi hỏi tư duy phải cởi mở, thông thoáng, không thể bó buộc, kìm hãm sự phát triển. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự buông lỏng, thiếu giám sát, vô nguyên tắc. Hơn nữa, trong điều kiện khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa có nhiều thời cơ để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, vừa phải đối mặt với nhiều thách thức trong bảo vệ, phát triển đội ngũ cán bộ đó. Nếu một cán bộ có chức, có quyền, làm chủ công nghệ với sức mạnh vượt trội mà lại không tâm huyết, vì dân, vì nước, lại tham vọng quyền lực thì hậu quả sẽ rất khó lường. Chính vì thế, kiểm soát quyền lực cho hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời các kẽ hở, lỗ hổng, mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho tương lai.

Trong tình hình mới, việc phát huy vai trò tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt có ý nghĩa rất quan trọng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đó là thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu” (4) .

Một trong những giải pháp quan trọng nữa là phải phát huy cao độ vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát, xây dựng đội ngũ cán bộ.

Phát huy dân chủ để nhân dân tham gia vào việc lựa chọn cán bộ. Để có đội ngũ cán bộ tốt không thể chỉ dựa vào tổ chức bố trí, xem xét mà còn cần có ý kiến của quần chúng nhân dân. Tồn tại tình trạng dân không phục, không tin, không yêu cán bộ một phần nguyên nhân là do không thực hiện nghiêm pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, trong đó có nội dung giám sát, đánh giá và lựa chọn cán bộ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chúng ta mới có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr.269

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr.273

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.194.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.602.

PGS, TS ĐINH NGỌC GIANG, Ths HÀ VĂN LUYẾN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh