Doanh nghiệp với tâm thế nhìn xa trông rộng

Có thể nói việc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ (NDT) trong ba ngày liên tiếp (từ ngày 11 đến ngày 13-8), cũng có mặt tích cực của nó khi tạo nên cơ hội để cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp (DN) đo lường độ ứng phó của mình trước những biến động tiền tệ quy mô quốc tế. Chấp nhận "luật chơi hội nhập", cũng đồng nghĩa DN phải thay đổi tư duy kinh doanh.

Doanh nghiệp với tâm thế nhìn xa trông rộng

Phép thử "kẻ khóc, người cười"

Cơn phá giá đồng NDT được ví như trận "cuồng phong" đã khiến cho giá trị của mỗi tấn gạo loại thường mà DN Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị "bay hơi" khoảng 300 nghìn đồng. Còn giá thanh long cũng rớt thảm chỉ còn 6,5 tệ/kg... Nhưng đúng vào thời điểm thanh long ở Bình Thuận đang vào vụ thu hoạch rộ nên dù mất giá vẫn phải tìm đường mà xuất. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông, thủy sản Việt gặp cùng cảnh ngộ. Theo chị Nguyễn Thị Nhẫn, Giám đốc Công ty Hồng Ngọc Việt (Lào Cai) - chuyên xuất khẩu gạo, đa số các DN xuất, nhập khẩu trên địa bàn đều bất ngờ khi tỷ giá NDT giảm. Mọi kế hoạch doanh thu, sản lượng bỗng chốc đổ vỡ. Qua cơn "bão" này, chúng tôi nghiệm ra, cần phải nhìn xa hơn, và chủ động hơn nữa trong tính toán kinh doanh" - chị Nhẫn khẳng định chắc nịch.

Chẳng phải một mình DN chị Nhẫn thấy thế. Đó có lẽ là tâm trạng chung của 270 DN hoạt động xuất, nhập trên địa bàn Lào Cai với cùng phân khúc thị trường các mặt hàng nông, thủy sản, quặng... Số liệu Hải quan Lào Cai thống kê cũng cho thấy bức tranh chung, đa số các DN xuất, nhập khẩu trên địa bàn Lào Cai có quy mô nhỏ, vừa và chỉ hoạt động "một chiều" - xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Đây là điểm bất lợi rất lớn cho DN mỗi khi NDT "có biến...".

"Để có sức đề kháng tốt hơn, hạn chế rủi ro khi tỷ giá NDT biến động mạnh thì các DN trong nước cần hoạt động cân bằng cả xuất khẩu và nhập khẩu (thí dụ như xuất gạo - nhập đường)" - ông Nguyễn Quyết Chiến, Chi cục trưởng Hải quan quốc tế Lào Cai khuyến nghị.

Nhìn chung, trong khi nhiều DN giật mình hoảng hốt lo chống đỡ với cơn dư chấn NDT thì cũng có những DN "vô tình" được hưởng lợi bởi những hợp đồng đã ký. Chẳng hạn như, Công ty TNHH mua bán ô-tô Xuân Giáp là DN nhập khẩu ô-tô Trung Quốc đã, đang hưởng lãi do tỷ giá giảm đến 10% so với thời điểm trước đó. Giám đốc Võ Xuân Giáp tính toán, ngay thời điểm này cứ 10.000 NDT đổi sang tiền đồng sẽ mất hơn 30,4 triệu VND nên khi công ty ký hợp đồng mua xe ô-tô trả chậm sẽ được lợi và rẻ bình quân khoảng 10% đơn hàng.

Ít chịu tác động của việc NDT phá giá bởi đã có được chiến lược ứng phó khủng hoảng tốt chính là bài học của các DN dệt may. Theo bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tập đoàn không quá lo ngại về hàng giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào thị trường vì các đơn hàng đã được ký kết từ trước. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã lường trước các tình huống diễn biến thị trường và mức độ cạnh tranh thông qua các hiệp định thương mại lớn như TPP, hay FTA với EU, với Hàn Quốc, với Liên minh kinh tế Á -Âu..., nên đã sớm có sự chuẩn bị kỹ.

Doanh nghiệp với tâm thế nhìn xa trông rộng ảnh 1

Hải quan Lào Cai tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: QUỐC HỒNG

Thay đổi tư duy kinh doanh

Rõ ràng, cùng trong một sự việc nhưng các DN lại có tâm thế khác nhau. Ai chuẩn bị tốt, người ấy sẽ chuyển được "nguy thành cơ". Xét về tổng thể, dù muốn hay không thì DN nào cũng sẽ phải đối diện với những tác động từ việc điều chỉnh đồng NDT, nhưng đối diện thế nào, lại là câu chuyện đáng nói.

Lấy câu chuyện hàng dệt may, da giày làm thí dụ. Do chủ yếu nhập khẩu một lượng lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nên hai ngành này sẽ hưởng lợi khi đồng NDT phá giá dẫn tới việc hình thành một mặt bằng mới về giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy vậy, cũng có không ít khó khăn đón đợi. Phá giá NDT có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc vốn đã rẻ, giờ lại càng rẻ hơn nữa, điều này sẽ gây áp lực lớn ngay tại sân nhà đối với các doanh nghiệp Việt. Chưa kể, cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn nữa tại các thị trường xuất khẩu chung của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Trần Văn Tắc, Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt còn lo ngại, về lâu dài nếu một khi nguyên liệu của Trung Quốc rẻ hơn thì không ai đầu tư để làm nguyên liệu ở Việt Nam nữa. Như vậy, chúng ta sẽ mãi không giải được bài toán nhập siêu nguyên liệu. Điều đó coi như giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt không được bao nhiêu, hay nói cách khác là làm không có lãi... Vậy cần một chiến lược kinh doanh như thế nào để thoát hiểm?

Trả lời câu hỏi hóc hiểm này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu - Đan TP Hồ Chí Minh đề xuất: "Trong bối cảnh này, nhiều DN mong muốn Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ phía Trung Quốc, để hàng trong nước có thể cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng được. Đối với DN Việt, để vượt chướng ngại vật, bơi ra biển lớn, mỗi DN cần phải làm mới mình từ việc thay đổi tư duy sản xuất, làm ăn cũng như cần có chiến lược, kế hoạch chủ động đầu tư cơ sở máy móc, giảm chi phí, cân đối hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh nhằm thu hẹp khoảng cách xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc và thế giới".

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ hạn chế bằng các biện pháp thương mại thủ công đơn thuần sẽ khó có hiệu quả, mà cần phải nỗ lực để kiểm soát tình hình bằng việc thay đổi chính sách đầu tư, kêu gọi người Việt dùng hàng Việt. Đồng thời, Nhà nước có thể phối hợp với các chính sách khác như thuế, hỗ trợ thông tin; thủ tục hải quan và tìm kiếm thị trường cho các DN xuất, nhập khẩu...

Với động thái chạy đua giảm giá đồng nội tệ của các nước trong khu vực vừa diễn ra trong thời gian vừa qua, việc tăng cường tính linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá USD/VNĐ của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Nhưng, cũng đến lúc DN cần có chiến lược trong sử dụng đồng tiền thanh toán sao cho đa dạng và bớt lệ thuộc, cũng như tạo được cho mình những quỹ phòng tránh rủi ro. Chỉ có nhìn xa, tính kỹ, bước vững chắc mới giúp được DN chèo lái con thuyền vượt sóng ra đại dương lớn. Đã qua rồi cái thời, DN Việt như những con thuyền thúng ra khơi...