Doanh nghiệp trở tay không kịp

Cuối cùng, trung tuần tháng 3-2019, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã gửi Công văn số 358/TY-KD (CV358) đề nghị Tổng cục Hải quan thông quan cho các lô hàng thủy sản nhập khẩu đang bị ách tại cửa khẩu.

Doanh nghiệp chế biến cá ngừ kêu cứu vì quy định khó thực thi của Thông tư 36/2018.
Doanh nghiệp chế biến cá ngừ kêu cứu vì quy định khó thực thi của Thông tư 36/2018.

Theo công văn này, Cục Thú y đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cơ quan Hải quan cửa khẩu làm thủ tục thông quan cho các lô hàng đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu quy định tại Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn) và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT, về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (Thông tư 36/2018).

Với chỉ đạo này, nhiều công-ten-nơ cá ngừ nhập khẩu đã nằm tại các cảng ở Việt Nam từ đầu năm đến giờ có thể sẽ được thông quan.

Nhưng, đây chỉ là công văn xử lý tình huống, theo đề nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) sau khi các lô hàng cá ngừ nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung gian đã ký hợp đồng và xuất bến trong nửa đầu tháng 2-2019 không được kiểm dịch để thông quan theo quy định của Thông tư 36/2018. Còn những lô hàng sau đó chưa biết số phận thế nào.

Vì theo Thông tư này, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài về Việt Nam phải có Bản sao Giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp (có xác nhận của doanh nghiệp). Nội dung giấy xác nhận thể hiện các thông tin tên; số đăng ký, quốc gia treo cờ của tàu đánh bắt và tàu vận chuyển; tên loại sản phẩm thủy sản, số lượng, thời gian bốc dỡ, địa điểm bốc dỡ, điều kiện lưu trữ sản phẩm, sản phẩm thủy sản được giữ nguyên trạng, không trải qua công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc dỡ.

Tuy nhiên, theo khảo sát của VASEP với các thành viên, yêu cầu này thật sự gây khó cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, đa số các cảng trung chuyển của các quốc gia, vùng lãnh thổ, như Xri Lan-ca, Man-đi-vơ, Xô-lô-mông, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a,Tôn-ga, U-ru-goay, Nhật Bản, Trung Quốc, UEA... đều từ chối cấp Giấy xác nhận. “Một số nơi đồng ý cấp, cụ thể là Thái-lan và Phi-li-pin, nhưng với mẫu của họ, nghĩa là không thể đầy đủ nội dung như yêu cầu của Thông tư 36/2018”, ông Nam cho biết.

Chưa kể, trên Giấy xác nhận của Thái-lan, tên của Cơ quan công quyền chỉ được ghi bằng tiếng Thái. Ðây là lý do cơ quan thú y của Việt Nam cũng không chấp nhận các Giấy xác nhận này khiến các lô hàng được cấp các Giấy xác nhận này cũng vẫn bị ách tắc tại cảng.

Nỗi khốn khổ của các doanh nghiệp kinh doanh cá ngừ còn bởi sự bất ngờ có hiệu lực của Thông tư 36/2018 kể từ ngày 10-2-2019, nhưng cả VASEP và hầu hết các doanh nghiệp chỉ được biết trong khoảng từ ngày 11 đến 15-2-2019, nghĩa là sau thời điểm hiệu lực.

Một vài doanh nghiệp cho biết có nhận được thông tin qua email của Chi cục Thú y trong khoảng thời gian 3 đến 4-2-2019. Số còn lại, nếu tìm hiểu thông tin trên các trang web chính thức thì còn chậm hơn. Vì VASEP cập nhật chi tiết nội dung Thông tư trên vào ngày 12-2-2019. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cập nhật ngày 13-2-2019; Chi cục Thú y Vùng 6 cập nhật ngày 15-2-2019; Thư viện văn bản pháp luật cập nhật ngày 15-2-2019…

Các cuộc họp phổ biến nội dung thông tư này cũng được Cục Thú y tổ chức vào các ngày sau đó tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đều ký hợp đồng mua nguyên liệu từ trước đó, thậm chí nhiều tháng trước thời điểm Thông tư 36/2018 có hiệu lực. Các công-ten-nơ cá được vận chuyển liên tục về Việt Nam. Thời gian vận chuyển các công-ten-nơ về Việt Nam thường mất từ 2 đến 5 tuần tùy nơi xuất phát và quá trình giao hàng (giao một nơi hoặc nhiều nơi).

Cho đến ngày các DN biết đến Thông tư 36/2018, đã là cận hoặc sau ngày Thông tư có hiệu lực, hầu hết công-ten-nơ đã xuất bến về Việt Nam đều chưa cập nhật được các quy định mới của Thông tư 36/2018. Hay nói cách khác là dẫn đến việc các DN không thể kịp chuẩn bị các điều kiện để tuân thủ các yêu cầu của Thông tư 36/2018.

Cũng phải nhắc lại, cuối năm 2018, VASEP và các doanh nghiệp ngành cá ngừ Việt Nam đã góp ý cho nội dung này trong giai đoạn Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT là dự thảo. Các doanh nghiệp đã phân tích thực tế để chứng minh yêu cầu này là khó thực hiện. Hơn thế, các nội dung này đã có trong Giấy chứng nhận Thuyền trưởng, cơ quan thú y hoàn toàn có thông tin để xử lý.

“VASEP đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thêm, kết hợp khảo sát thực trạng tại các quốc gia có cảng trung chuyển về hiện trạng cấp Giấy xác nhận chuyển tải ở các quốc gia này, từ đó xem xét giải quyết, tháo gỡ quy định này một cách phù hợp nhất để vừa quản lý Nhà nước được chặt chẽ nhất mà sản xuất, kinh doanh cũng không bị ảnh hưởng”, ông Nam nói.