Điều quan trọng là chạm tới trái tim khán giả

Xu hướng sản xuất phim hướng ra nước ngoài thay vì quan tâm tới thị trường trong nước của các nhà làm phim Việt thời gian gần đây đã đặt ra không ít băn khoăn. Với một người có nhiều năm kinh qua các công việc của lĩnh vực điện ảnh như NSND Trần Lực (trong ảnh), đây là một xu hướng hay, nhưng cần chú trọng một số yếu tố.

Điều quan trọng là chạm tới trái tim khán giả

- Đang có nhiều ý kiến trái chiều về xu hướng sản xuất phim hướng đến thị trường nước ngoài. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?

- Tôi thấy đây là xu hướng hay. Mỗi đạo diễn có một cách tiếp cận với khán giả theo cách của riêng mình. Ngô Thanh Vân đã đưa bộ phim Hai Phượng phát hành sang thị trường Mỹ rồi mới quay trở lại thị trường trong nước. Dù sao, một khi bộ phim được gắn mác “xuất khẩu” và được tung trở lại Việt Nam cũng làm cho khán giả cảm thấy tò mò, muốn tìm hiểu và thưởng thức điểm khác biệt của những bộ phim như thế. Và rõ ràng, lượng phát hành sẽ tăng lên. Vì thế, chúng ta không cảm thấy khó hiểu khi Hai Phượng đã đoạt doanh thu khủng. Trong thời mở cửa và hội nhập như hiện nay, biên độ được mở rộng cực độ cho mọi cách làm và cách phát hành phim đến với khán giả gần nhất, hấp dẫn nhất. Sự sáng tạo, năng động của các nhà làm phim sẽ giúp cho “đứa con cưng” của mình tiếp cận với người xem và mang về những khoản doanh thu đáng mong chờ.

- Với những bộ phim ngay từ đầu được đặt mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài ấy, không ít người đã hoài nghi về tính thuần Việt, bản sắc văn hóa dân tộc. Còn đạo diễn có băn khoăn nào không?

- Một tác phẩm điện ảnh muốn ra nước ngoài, bộ phim đó phải mang vấn đề của nhân loại, của toàn cầu, không chỉ còn nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Trước những băn khoăn về bản sắc văn hóa dân tộc liệu có còn trong các bộ phim xuất khẩu ra nước ngoài, tôi lại không nghĩ như vậy. Bởi phim quay ở Việt Nam đã là mang bản sắc của dải đất hình chữ S. Những hình ảnh về con người, cuộc sống của người Việt như thế nào thì lên phim đúng như thế. Anh có bắt chước cũng không được. Tiếng nói trong bộ phim là tiếng Việt, văn hóa là của người Việt. Vậy có gì phải lăn tăn! Tôi cho rằng, cái đáng suy nghĩ nhiều hơn đối với những tác phẩm vươn ra nước ngoài ấy chính là việc có chạm tới trái tim khán giả hay không, của tất cả những ai xem bộ phim đó, từ khán giả trong nước cho tới khán giả nước ngoài?

- Theo ông, một tác phẩm điện ảnh muốn đưa ra thị trường nước ngoài cần phải hội tụ những điều kiện nào?

- Như chia sẻ, việc duy trì bản sắc văn hóa là điều không quá quan ngại trong các bộ phim hướng đến khán giả quốc tế. Nhưng tinh thần Việt lại là điều cần phải nói cho rõ, cho đúng ở đây. Cốt truyện hay nội dung câu chuyện về Việt Nam kiểu như Tấm Cám, Thạch Sanh… thật ra không quá quan trọng. Cái khó ở đây, người nghệ sĩ qua tác phẩm nghệ thuật phải thể hiện được tinh thần Việt Nam. Nếu không, khi “đem chuông đi đánh xứ người” sẽ dễ bị hòa lẫn trong biển lớn. Mầu sắc văn hóa và tâm hồn Việt vẫn là điều đáng lưu tâm đối với các nhà sản xuất phim xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó thì nguồn vốn đầu tư “hùng hậu” sẽ giúp cho các bộ phim này bảo đảm về chất lượng và kỹ thuật trước khi đặt chân tới thị trường điện ảnh quốc tế.

- Là một nhà sản xuất phim, ông có thể chia sẻ về những khó khăn để một bộ phim được chiếu tại các rạp ở nước ngoài?

- Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, điều đầu tiên họ muốn biết, bộ phim đó liệu đưa ra rạp có hút khách không? Bởi một khi đã hướng tới thị trường thì yếu tố doanh thu luôn đặt lên hàng đầu. Vì thế, phim đánh trúng vào thị hiếu của khán giả nước sở tại, chạm tới trái tim người xem mới có hy vọng đứng trên danh mục chiếu phim thường xuyên. Và chúng ta lại phải quay trở lại với vấn đề ban đầu là đề tài của các bộ phim ấy phải mang tính toàn cầu, nói được những vấn đề nhức nhối trong đời sống của các công dân trên thế giới. Và còn nhiều khó khăn như rào cản về văn hóa, các thủ tục đưa phim ra nước ngoài…

- Ông có dự báo nào về xu hướng đưa phim ra nước ngoài của các nhà làm phim Việt?

- Thị trường điện ảnh Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư và kinh doanh. Vì thế, việc xuất hiện nhiều xu hướng sáng tác và phát hành phim cũng là điều dễ hiểu. Trong đó, việc sản xuất phim ngay từ đầu hướng tới thị trường nước ngoài chỉ là một trong những xu hướng tất yếu của điện ảnh Việt Nam. Chúng ta phải lấy làm vui mừng và hãnh diện vì các nhà sản xuất phim tài ba của Việt Nam đã tìm ra nhiều cách làm hay nhằm thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ và kích thích trí tò mò của khán giả đến rạp chiếu. Tuy nhiên, làm gì thì làm, các nhà làm phim Việt Nam cũng cần nhớ rằng, muốn vươn ra biển lớn phải giữ cho được cái tinh thần Việt trong các bộ phim hành động, liêu trai hay xã hội. Với dòng chảy văn hóa bền lâu, các nhà làm phim Việt Nam có quyền tự hào về kho tàng cha ông đã để lại cho con cháu ngày nay. Việc khơi dòng và tiếp nối truyền thống văn hóa trong các tác phẩm điện ảnh của thời đại 4.0 là điều cần thiết và nên làm.

- Xin cảm ơn đạo diễn.