Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số

Điều chỉnh chính sách và cơ chế

Sự thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội khiến cho rất nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam đã và đang bị mai một. Dù đã có nhiều chương trình, dự án nghiên cứu đầu tư, hỗ trợ, tuy nhiên, tác động thực tế vẫn chưa được như kỳ vọng, và rất cần những nỗ lực hiệu quả hơn nữa để bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc này.

Cần đầu tư bảo tồn có trọng điểm các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc, coi người dân thật sự là chủ thể. Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc Mông ở Hà Giang giữ nghề dệt vải lanh truyền thống. Ảnh: NGUY
Cần đầu tư bảo tồn có trọng điểm các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc, coi người dân thật sự là chủ thể. Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc Mông ở Hà Giang giữ nghề dệt vải lanh truyền thống. Ảnh: NGUY

Nhiều nét văn hóa bị mai một

Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam là tài sản vô giá để gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Những yếu tố như tiếng nói, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục… làm nên giá trị đặc sắc của mỗi cộng đồng, là sợi dây gắn kết mỗi cá nhân trong cộng đồng, đồng thời cũng là điểm tựa để giao lưu, phát triển với các cộng đồng khác. Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, nhiều yếu tố đang bị mai một, do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhânsự tăng trưởng "nóng" về kinh tế ở vùng DTTS, sự thiếu đầu tư nghiên cứu, đầu tư bảo tồn, cùng những thay đổi về môi trường sống, môi trường văn hóa của đồng bào.

Ngay như ngôn ngữ là yếu tố cơ bản để lưu giữ, bảo tồn văn hóa cũng đang dần mai một. Ðiều này thể hiện ở hai trạng thái: Một là có nguy cơ mai một ngôn ngữ (phạm vi sử dụng trong gia đình, số người nói hiện không nhiều và không sử dụng thường xuyên); Hai là coi tiếng dân tộc khác là ngôn ngữ của dân tộc mình.

Theo số liệu điều tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội 53 DTTS, năm 2015 (Tổng cục Thống kê - Ủy ban Dân tộc), dân tộc Ơ Ðu chỉ có 27,7% số người nói được tiếng Ơ Ðu; dân tộc Cờ Lao là 45,5%, dân tộc Ngái 50,8%, La Chí là 64,4% và La Ha là 67,3%. Một điều đáng chú ý là các nhóm DTTS bị mai một ngôn ngữ mẹ đẻ này là những nhóm DTTS có quy mô dân số nhỏ, chưa đến 1.000 hộ mỗi dân tộc, như Ơ Ðu (100 hộ), Cờ Lao (647 hộ), Ngái (252 hộ), La Chí và La Ha (hơn 2.000 hộ mỗi nhóm).

Trong số 53 DTTS thì 27 dân tộc có bộ chữ viết riêng. Trong đó có những bộ chữ cổ truyền của dân tộc như: chữ Thái, Chăm, Khmer... và cũng có những bộ chữ được chế tác vào nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử theo tự dạng la-tinh như chữ Ba Na, Gia Rai, Ê Ðê, Mơ Nông. Với những DTTS có chữ viết, họ có kho tàng sách cổ, ghi chép lại toàn bộ lịch sử, văn học, phong tục… của dân tộc. Trên thực tế, việc dạy, học tiếng nói, chữ viết của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Ðồng bào có nguyện vọng học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình vì phần lớn đồng bào chỉ biết tiếng nói nhưng không viết chữ được, một bộ phận không biết cả tiếng, lẫn chữ viết.

Lễ hội truyền thống cũng đang bị biến đổi nghiêm trọng, do nhiều cộng đồng vì lợi ích trước mắt đã khai thác đến mức thái quá, bỏ qua những ý nghĩa nhân văn nguyên bản của lễ hội dân gian. Nhiều lễ hội đã "biến mất" khỏi đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Trang phục truyền thống của các DTTS cũng đang ở mức báo động. Thống kê của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (2013) cho thấy 40/54 dân tộc ở Việt Nam không còn mặc trang phục truyền thống đúng như Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang lưu giữ, thay vào đó là trang phục công nghiệp, sản phẩm thổ cẩm công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều. Hơn 10 DTTS không còn trang phục truyền thống, trong đó tập trung vào nhóm dân tộc có dân số dưới 1.000 người như Rơ Măm, Ơ Ðu... Họ mặc trang phục của người Kinh hoặc của dân tộc khác. Những DTTS còn lưu giữ được trang phục thì chủ yếu là trang phục nữ, trang phục truyền thống nam hầu như không còn và họ chỉ mặc trang phục dân tộc vào dịp lễ, Tết, hoặc dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Xác định lại chủ thể và nguyên tắc bảo tồn

Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn văn hóa các DTTS luôn được Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Một loạt chương trình, chính sách về bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc được thực hiện như Chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; Ðề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay"... Ngoài ra còn có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa vùng DTTS; Xây dựng Bảo tàng Văn hóa các dân tộc, tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc; Xây dựng Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam... Năm 2018, cơ quan chức năng phục dựng và bảo tồn 10 lễ hội cho các đồng bào DTTS của 10 tỉnh. Hiện đã duy trì dạy bảy thứ tiếng: Chăm, Khmer, Ê Ðê, Ba Na, Gia Rai, Mông, Hoa trong trường học; bồi dưỡng 19 thứ tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức ở vùng DTTS, miền núi tại 28 tỉnh, góp phần thiết thực vào việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa.

Điều chỉnh chính sách và cơ chế ảnh 1

Văn hóa các dân tộc bản địa chỉ có thể bảo tồn bền vững trong không gian buôn làng.

Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác bảo tồn văn hóa các DTTS thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế như việc đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống còn dàn trải, thiếu trọng tâm. Nhiều chính sách bảo tồn văn hóa chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của chính địa phương, nên dẫn đến tình trạng nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn nhưng không phát huy được trong đời sống. Vai trò của chủ thể văn hóa là người dân và cộng đồng chưa được phát huy, chưa đặt đúng vị trí trong việc lập kế hoạch, xây dựng triển khai, tổ chức quản lý, giám sát các dự án văn hóa từ cơ sở, ảnh hưởng tới chất lượng bảo tồn. Chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc dạy và học chữ, học tiếng đối với học sinh các DTTS. Quá trình tổ chức thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở nhiều địa phương đã vi phạm nguyên tắc bảo tồn, nên dẫn đến nhiều giá trị văn hóa sau khi được bảo tồn đã bị biến dạng so với giá trị nguyên gốc. Ðội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ làm công tác văn hóa vùng DTTS còn thiếu và yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực.

Ðể công tác bảo tồn văn hóa các DTTS thật sự hiệu quả, theo các nhà nghiên cứu đề xuất, cần xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các DTTS giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 với những định hướng, nội dung, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế. Trong công tác bảo tồn, cần chú ý sâu sắc tới bảo tồn "động", thực hành văn hóa trong đời sống hằng ngày của đồng bào. Do đó, cần có chính sách đổi mới nội dung, cơ chế, đầu tư, tăng cường vai trò của Nhà nước đối với việc bảo tồn. Ðặt vấn đề bảo tồn văn hóa với phát triển sinh kế, giảm nghèo đa chiều bền vững vùng DTTS, trong mối quan hệ với phát triển nguồn nhân lực. Phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển sinh kế bền vững, đem lại lợi ích cho chính cộng đồng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Phát huy vai trò của người có uy tín và tầng lớp nghệ nhân dân gian. Cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống cần bảo tồn của đồng bào; xác định danh sách và phân loại các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một, làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách bảo tồn văn hóa. Chủ động nghiên cứu, sưu tầm, phân loại các giá trị văn hóa truyền thống, xuất bản các ấn phẩm văn hóa truyền thống của tộc người; tăng cường quảng bá tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của các dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng.