Di cư an toàn

Di cư an toàn là vấn đề được đặt ra trong bối cảnh xuất khẩu lao động (XKLÐ) của Việt Nam đang phát triển mạnh và phải đối diện với những vấn đề khó khăn trong quản lý người lao động. Trao đổi ý kiến với Báo Nhân Dân cuối tuần, ông Nguyễn Gia Liêm (trong ảnh), Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - thương binh và xã hội - LÐ-TB&XH) lưu ý, cần phải truyền thông tốt hơn nữa về vấn đề này.

Di cư an toàn ảnh 1- Thưa ông, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải tuân thủ những điều gì?

- Theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp thông qua các hình thức: (1) Thông qua doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. (2) Thông qua DN trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư. (3) Thông qua DN đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề. (4) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân. Ngoài ra, thời gian gần đây có thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thỏa thuận giữa các địa phương Việt Nam với địa phương nước ngoài, chủ yếu là lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc với thời hạn ngắn.

Hình thức đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thông qua DN dịch vụ là hình thức phổ biến nhất hiện nay. Với loại hình này, người lao động cần đăng ký với các DN đã được Bộ LÐ-TB&XH cấp Giấy phép hoạt động. Hiện Bộ LÐ-TB&XH đã cấp phép cho gần 400 DN hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực này và danh sách được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LÐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLÐNN).

Ngoài ra Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LÐ-TB&XH đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, đi Nhật Bản theo Chương trình hợp tác với IM Japan, hay đi học tập và làm việc tại CHLB Ðức nghề điều dưỡng theo Chương trình hợp tác với Ðức. Cục QLLÐNN trực tiếp thực hiện chương trình quốc gia EPA đưa điều dưỡng hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản.

Ðối với hình thức ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng cá nhân (đi tự do): người lao động phải đăng ký Hợp đồng cá nhân tại Sở LÐ-TB&XH nơi người lao động thường trú và phải đăng ký công dân tại cơ quan đại diện Việt Nam tại nước mà người lao động đến làm việc.

- Quy định khá chặt chẽ, tuy nhiên, vụ 39 người chết xảy ra mới đây tại Anh, đã cho thấy một phần thực trạng di cư chui. Phải chăng công tác quản lý người lao động của chúng ta chưa theo kịp đòi hỏi thực tế, thưa ông?

- Ðúng là công tác quản lý người lao động tại nước ngoài hiện nay còn hết sức khó khăn. Còn tồn tại tình trạng một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, nhưng vẫn lợi dụng uy tín của DN hoạt động dịch vụ XKLÐ để đưa người đi trái phép. Cục QLLÐNN luôn khuyến cáo các địa phương về tình hình và đề nghị các địa phương cảnh báo cho công dân các rủi ro của việc ra nước ngoài bằng visa du lịch hay các con đường nhập cảnh trái phép, đề nghị các Sở LÐ-TB&XH kiểm tra, rà soát tình hình đi làm việc ở nước ngoài của dân tại địa phương nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại đang môi giới, tuyển chọn, tổ chức đưa người đi trái phép.

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động này chúng tôi cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Riêng trong năm 2019, Bộ LÐ-TB&XH đã tổ chức thanh tra tại 38 DN hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và xử phạt các vi phạm trong hoạt động của 18 DN với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, thu hồi giấy phép của hai DN.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ quan chức năng đã phối hợp với các cơ quan công an trong việc phát hiện không ít tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức tuyển, đào tạo và thu phí của người lao động trái quy định của pháp luật để xử lý.

- Các phân tích đã chỉ ra rằng, muốn kênh di cư bất hợp pháp không còn đất để tồn tại thì phải thúc đẩy kênh di cư an toàn. Cần có chính sách gì để bảo đảm cho người lao động có cơ hội tiếp cận XKLÐ một cách chính ngạch?

- Bộ LÐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến thực hiện các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thông qua việc chỉ đạo Cục QLLÐNN tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ làm công tác quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở Trung ương và địa phương, bồi dưỡng nghiệp vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm cho gần 500 cán bộ DN và cán bộ địa phương.

Bộ LÐ-TB&XH cũng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế, chỉ đạo đơn vị thuộc Bộ là Cục QLLÐNN phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thành lập các Văn phòng Thông tin di cư (MRC) tại Hà Nội và tại sáu tỉnh có nhiều người XKLÐ là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Nghệ An nhằm cung cấp thông tin trực tiếp cho người di cư và giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng và các bên liên quan về di cư an toàn và các nguy cơ của di cư lao động trái phép. Ngoài ra, trong các hoạt động thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, Bộ chủ trì tổ chức các hội thảo về di cư an toàn cho các cán bộ tư vấn ở các cơ quan lao động địa phương và DN XKLÐ. Bên cạnh đó, việc triển khai Dự án giảm nghèo về thông tin, thúc đẩy việc di cư an toàn ở những xã nghèo, đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2015-2020 cũng được chỉ đạo sát sao.

- Xin cảm ơn ông!