“Đạo đức cách mạng” cho hôm nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít các lãnh tụ trên thế giới, bàn nhiều về vấn đề đạo đức cách mạng. Hơn thế, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, được Người coi là một mặt quan trọng, mang tính nền tảng của một đảng Mác-xít chân chính. Trong đó, vấn đề giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, được coi là “vấn đề gốc” cần phải thường xuyên chú trọng, nhất là trong mỗi bước ngoặt của cách mạng.


Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đăng
Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đăng

Lấy đạo đức làm gốc

Tháng 12-1958, trong khi ở miền bắc đang tiến hành công cuộc cải tạo, khôi phục kinh tế, chuẩn bị tiền đề cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời tích cực ủng hộ miền nam trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, nhưng đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên bộc lộ tư tưởng tự mãn, ngại khó, ngại khổ; nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện “lên mặt quan cách mạng”, đòi hỏi được hưởng thụ, suy thoái đạo đức: tham ô, lãng phí, xa rời quần chúng. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng, nhằm quán triệt cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng về vai trò, nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của người cán bộ cách mạng. Để hoàn thành trọng trách của mình trước lịch sử dân tộc, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, mỗi cán bộ, đảng viên phải chăm lo tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Xuất phát từ quan điểm lấy đạo đức làm gốc, làm nền tảng, Hồ Chí Minh viết: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”; “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; “lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”.

Cùng với việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi đảng viên của Đảng phải kiên quyết chống những biểu hiện phi đạo đức, chống “chủ nghĩa cá nhân”.

Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân, nhưng cần phải đề phòng tư tưởng cực đoan, phải phân biệt “chủ nghĩa cá nhân” và “quyền lợi cá nhân chính đáng”. Muốn tránh sai lầm trong nhìn nhận, đánh giá con người hay công việc, tránh mắc phải căn bệnh giáo điều, theo Hồ Chí Minh: “Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lê-nin... Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”.

Những bài học thời sự

Hiện nay, cách mạng Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, mang tính bước ngoặt quan trọng. Sau thời gian hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn “có ý nghĩa lịch sử”. Đảng ta với tư cách là đảng duy nhất cầm quyền, có điều kiện thuận lợi để tập trung trí tuệ lãnh đạo và huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng cùng với những nhân tố thuận lợi, nảy sinh những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân ngày càng tinh vi, phức tạp. Vấn đề tham nhũng, lợi dụng chức quyền, “lợi ích nhóm” trở thành “quốc nạn”; suy thoái đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...đó là những “kẻ thù nguy hiểm” cấu kết với các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải thống nhất ý chí và tập trung lực lượng, đấu tranh quyết liệt không khoan nhượng, đấu tranh ngay trong nội bộ Đảng.

Quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh xây dựng Đảng về đạo đức, trong các Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 (khóa XI và XII); Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 (khóa XII) của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời đề ra nhiệm vụ cấp bách và những giải pháp cụ thể, nhằm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Hồ Chí Minh khẳng định rằng, sở dĩ Đảng ta mạnh, được nhân dân yêu mến, là do Đảng có đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung, thấm nhuần đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tình hình mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức nâng cao trí tuệ cho ngang tầm nhiệm vụ, đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Đảng viên, cán bộ phải có ý thức rèn luyện để trở thành người cán bộ tốt. Theo Hồ Chí Minh: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”.

Người yêu cầu, đối với cán bộ lời nói phải đi đôi với việc làm. Nói đi đôi với làm trước hết là sự nêu gương tốt. Sự làm gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, của lãnh đạo với nhân viên... là rất quan trọng, cha mẹ làm gương cho các con, anh chị làm gương cho em, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên... Đảng viên phải làm gương trước quần chúng. Hồ Chí Minh nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Đối với cán bộ công chức, Hồ Chí Minh căn dặn: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” . Đó là lời căn dặn và cũng là lời cảnh tỉnh từ rất sớm của Người trước nạn tham nhũng, thoái hóa đạo đức của cán bộ trong bộ máy công quyền.

Tấm gương đạo đức trong sáng và di sản tư tưởng quý báu của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đạo đức cách mạng có giá trị trường tồn không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà còn cả với nhân dân thế giới. Học tập, quán triệt những chỉ dạy của Người để xây dựng Đảng ta trở thành một “Đảng là đạo đức, là văn minh”.


★ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS, TS Trần Minh Trưởng ★