Đã sẵn sàng rời xa tiền mặt?

Trong bối cảnh còn hơn 30% số người trưởng thành chưa có tài khoản hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, Mobile-Money (MM) được kỳ vọng sẽ trở thành giải pháp thanh toán các nhu cầu thiết yếu hằng ngày một cách an toàn và hấp dẫn hơn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hay hải đảo...

Nhiều người dân cho rằng, ngoài lợi thế không cần tài khoản ngân hàng, Mobile-Money chưa có nhiều ưu điểm rõ rệt.
Nhiều người dân cho rằng, ngoài lợi thế không cần tài khoản ngân hàng, Mobile-Money chưa có nhiều ưu điểm rõ rệt.

Có điện thoại là đủ?
 
 Đầu tiên, cần hiểu rõ bản chất của MM tương tự thẻ ATM, khi khách hàng nộp tiền mặt thông qua các nhà mạng viễn thông, rồi nhận được khoản tiền điện tử có giá trị tương đương. Tài khoản này riêng biệt hoàn toàn với phần tiền cước điện thoại và sẽ không được trả lãi với bất kỳ số dư nào.
 
 Anh Đỗ Đức Nguyên, 42 tuổi, sinh sống tại quận Đống Đa (Hà Nội) trông đợi: “Nếu MM được đưa vào thí điểm, cùng với ứng dụng ngân hàng, chỉ cần điện thoại là có thể làm được mọi việc từ trả tiền điện nước, ăn uống, mua vé tàu xe, máy bay... Tốt nhất, các dịch vụ MM, ngân hàng, hay các điểm giao dịch thanh toán, cần phải liên thông với nhau để tạo được sự tiện lợi”.
 
 Tuy nhiên, bên cạnh khách hàng háo hức với MM như anh Nguyên, vẫn còn nhiều người dân, đặc biệt là người lớn tuổi còn thờ ơ, hoặc e ngại do chưa quen các hình thức thanh toán hiện đại. Đối với bà Trần Minh Hằng, 63 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), dù sở hữu tài khoản ngân hàng cùng điện thoại thông minh, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán duy nhất được sử dụng. Nói về chiếc điện thoại cảm ứng chưa một lần tải về ứng dụng thanh toán trực tuyến nào, bà Hằng tâm sự: “Tôi không hiểu cách dùng, lại sợ bấm điện thoại dễ bị nhầm lẫn nên không thích sử dụng. Nếu cần rút hoặc chuyển tiền chỉ cần ra cây ATM hoặc các chi nhánh ngân hàng ngay gần nhà. Hơn thế nữa, đi chợ mua mớ rau con cá thì tiền mặt vẫn là nhanh gọn nhất”.
 
 Chia sẻ với nỗi lo của mẹ, chị Kim Oanh (con gái bà Hằng) lại đặt ra câu hỏi đáng chú ý: “Bản thân tôi cảm nhận được sự tiện dụng của xu thế thanh toán này khi không cần phải có tài khoản ngân hàng, nhưng chắc rằng, không dễ để phổ cập đến tất cả mọi người. Bạn không thể chỉ cầm điện thoại đi chợ nếu cô bán hàng không chấp nhận trả tiền bằng MM. Liệu, tất cả các dịch vụ thiết yếu có được hỗ trợ đầy đủ hay không?”.
 
 Tâm lý e ngại này khá phổ biến với số đông người dân bởi ngoài lợi thế không cần tài khoản ngân hàng, MM cũng chưa có nhiều ưu điểm rõ rệt. Đó là chưa kể, với hạn mức 10 triệu đồng một tháng khó có thể khiến chị Oanh hay các khách hàng khác từ bỏ ứng dụng ngân hàng để sử dụng song song dịch vụ thanh toán cá nhân này. “Việc rút tiền từ ngân hàng để nộp vào MM rồi dùng nó để chi trả nhu cầu thiết yếu có thật sự khả thi, khi các ứng dụng mobile banking đang hoạt động rất tốt và tiện dụng”, chị Oanh vẫn băn khoăn.
 
 Sẵn sàng cho cuộc đua tranh
 
 Nhìn ra toàn cầu, chỉ trong nửa thập niên, số lượng đại lý MM đã tăng gần gấp đôi với độ bao phủ gấp bảy lần số trạm ATM và 20 lần số chi nhánh ngân hàng. Tính riêng khu vực Đông - Nam Á, hiện đã có 49 dịch vụ MM được cung cấp, với tổng số 243 triệu tài khoản đăng ký (tăng 24% so năm 2019) và tổng giá trị giao dịch ước tính đạt 111 tỷ USD (tăng 34%). Còn với Việt Nam, triển vọng đầu tư thế nào?
 
 Đến nay, Việt Nam có 125 triệu thuê bao di động, trung bình mỗi người dân đều sở hữu một số điện thoại cá nhân. Việc MM sớm thí điểm sẽ giúp dịch vụ này tiếp cận phần lớn khách hàng trong nước. Việc tận dụng lợi thế với độ phủ sóng lên tới 99,8% dân số của hệ thống hạ tầng, cơ sở dữ liệu, mạng lưới điểm giao dịch khổng lồ của các nhà mạng viễn thông nước ta sẽ giúp hình thức này phổ biến rộng khắp.
 
 Theo đại diện Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, với lợi thế từ 200 nghìn điểm cung cấp dịch vụ, bộ máy điều hành hơn 20 nghìn nhân sự phục vụ, chăm sóc người dùng, sâu xuống tận thôn, xóm, Viettel thông báo đã thử nghiệm MM thành công tới hơn 40.000 nhân viên nội bộ và sẵn sàng triển khai tới 60 triệu khách hàng. Lộ trình phát triển của Viettel với dịch vụ MM là đến năm 2025 và dự kiến có khoảng 26 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ, trong đó riêng dịch vụ thanh toán (với các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) với mức chi tiêu trung bình qua kênh này là 300.000 đồng mỗi thuê bao. Như vậy, doanh thu trung bình một tháng đối với dịch vụ MM (chỉ riêng dịch vụ thanh toán) của Viettel vào năm 2025, theo tính toán mức chi tiêu trung bình như trên sẽ rơi vào khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.
 
 Cùng Viettel, hai nhà mạng lớn là VinaPhone và MobiFone với hàng chục triệu thuê bao cũng sẽ khiến con số doanh thu qua MM chắc chắn còn lớn hơn nữa. Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, tự tin vào “mảnh đất màu mỡ” có tên MM dù vẫn rất thực tế khi nhấn mạnh rằng, sẽ cần có thời gian để người dân tiếp cận, làm quen và sử dụng.
 
 Hiện tại, tất cả các nhà mạng lớn đều nhận định dịch vụ MM là xu hướng phát triển phù hợp điều kiện của Việt Nam. Thậm chí trong nhiều năm tới vẫn có khả năng phát triển hơn nữa, bởi đây là phương thức thanh toán tiện lợi cho số lượng lớn người dân. Ngay cả khi hầu hết mọi người đều sở hữu tài khoản ngân hàng, MM vẫn có thể phát triển vì sự tiện lợi và chi phí rẻ hơn nhiều so các phương thức thanh toán khác.
 
 Cuối cùng, việc thí điểm MM sau phần lớn các quốc gia trên thế giới giúp Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai dịch vụ, nhằm vươn tới những tiện ích và hạn chế tối đa các nhược điểm của loại hình thanh toán này. 
 

 Tại Việt Nam, số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ hiện có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân (tương đương 70% số người trưởng thành). Hơn 30% số khách hàng còn lại thuộc nhóm đối tượng khó mở rộng nhất.