Chuyên đề

Cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Châu Âu (EVFTA) và dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến thị trường bất động sản công nghiệp (BÐSCN) của Việt Nam. Cơ hội tiếp tục gia tăng đà tăng trưởng đối với phân khúc triển vọng này là có, nhưng nắm bắt được không hề đơn giản.

Các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã tìm hiểu cơ hội đầu tư tại khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An
Các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã tìm hiểu cơ hội đầu tư tại khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An

"Ngoại lệ" thời dịch bệnh

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản (BÐS) quý I-2020, trước tác động của đại dịch Covid-19, trong khi phân khúc BÐS du lịch, nghỉ dưỡng (tính đến tháng 4-2020) đều ngừng hoạt động, không có nguồn thu; phân khúc căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền bị sụt giảm lượng sản phẩm giao dịch (thấp nhất trong vòng bốn năm qua) thì phân khúc BÐSCN vẫn có sự phát triển khả quan. Giá đất của phân khúc BÐSCN vẫn tăng trung bình 6,2%. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam nhận định, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, loại hình BÐSCN sẽ có đà phát triển rất tốt. Nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Thực chất, thị trường BÐSCN vẫn duy trì được sức nóng nhờ những leo thang căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường hấp dẫn khi liên tục bị Mỹ thực thi chính sách thuế quan. Mặt khác, giá bất động sản của quốc gia này cũng không còn sự cạnh tranh như trước. Năm 2019, dữ liệu của Cục Ðiều tra dân số Mỹ cho thấy, lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam tăng 35,6% so cùng kỳ năm trước, trong khi từ thị trường Trung Quốc lại giảm 16,2%.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung "thúc ép" doanh nghiệp (DN) phải đa dạng hóa thị trường sản xuất. Ðặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu, đã tiếp thêm động lực để nhiều DN chọn đẩy nhanh tiến độ dịch chuyển sản xuất. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Ðông - Nam Á sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dành 2,2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các DN nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước. Ðây có thể là một tín hiệu tốt để Việt Nam đón nhận thêm nhiều dòng vốn Nhật Bản cho thời kỳ "hậu dịch Covid-19", nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN Nhật Bản ở Việt Nam trong thời gian qua không ngừng được mở rộng khi làm ăn hiệu quả.

Báo cáo đánh giá tổng quan thị trường BÐS Việt Nam quý I-2020 của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cũng cho thấy, giá đất bình quân của phân khúc này tăng 6,5% so cùng kỳ năm ngoái. Một kết quả cho thấy, khả năng "miễn nhiễm" của phân khúc BÐSCN trước biến động của thị trường.

Ngoài nhu cầu thực của thị trường, việc Chính phủ ban hành Nghị định 82/2018/NÐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10-7-2018) thay thế Nghị định 29/2008/NÐ-CP quy định về khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) và Nghị định 164/2013/NÐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NÐ-CP quy định về KCN, KCX và KKT, Nghị định 114/2015/NÐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NÐ-CP quy định về KCN, KCX và KKT cũng khiến phân khúc BÐSCN có cơ hội đón thêm những yếu tố tăng trưởng mới.

Nghị định 82/2018/NÐ-CP đã sửa đổi, bổ sung ưu đãi đầu tư đối với KCN và KKT về phạm vi đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư cũng như bổ sung phương thức huy động vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN… Bên cạnh đó, khuyến khích thành lập loại hình KCN hỗ trợ, KCN sinh thái và KCN - đô thị - dịch vụ càng khiến thị trường BÐSCN thêm sôi động.

"Miếng ngon" không dễ!

Khi nguồn cầu tiếp tục vượt xa nguồn cung, đặc biệt là ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm, với tỷ lệ lấp đầy đạt 75% tại các KCN đang hoạt động trên toàn quốc, sự cạnh tranh đối với các khu sản xuất có vị trí gần các thành phố lớn và cảng biển lớn ngày càng tăng lên.

Tính đến thời điểm hiện tại,Việt Nam có 260/335 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 75,7%, trích Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT quý I-2020 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Phản ánh tại một số tỉnh, thành phố ở phía bắc, đơn cử như Bắc Giang, 5/6 KCN nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 cũng đã đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 85%.

Hiện nay, tại tỉnh Bắc Giang, dư địa để phát triển công nghiệp trong năm 2020 của tỉnh, về cơ bản gần như chỉ còn 100 ha đất công nghiệp. Ðể giải quyết vấn đề này, ngay từ đầu năm 2020, Bắc Giang đã xin phép Chính phủ cho thành lập thêm hai KCN mới có diện tích hơn 1.300 ha.

Quỹ đất công nghiệp không còn "dư dả" cũng đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố khác nên từ năm 2018, nhiều tỉnh đã đề xuất mở rộng hoặc hình thành thêm các KCN. Ngoài Bắc Giang, còn có tỉnh Hưng Yên xin mở rộng KCN Phố Nối A; tỉnh Hải Dương xin mở thêm KCN Thanh Hà, Bình Giang và Kim Thành 2 hay tỉnh Ðắk Nông xin mở thêm KCN Nhân Cơ 2…

Mở rộng hay hình thành thêm các KCN được đề xuất dựa trên nhu cầu thực tế và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi tỉnh. Nhưng để được Chính phủ phê duyệt, tỉnh cần đáp ứng nhiều yếu tố như tác động môi trường, việc làm, văn hóa, cơ sở pháp lý và khả năng huy động vốn…, đây đều là những điều vốn đã không đơn giản.

Ðược biết, TP Hồ Chí Minh vừa phải đề xuất Chính phủ cho phép xóa quy hoạch ba dự án KCN gồm KCN Bàu Ðưng (200 ha), KCN Phước Hiệp (175 ha) và KCN Xuân Thới Thượng (300 ha) do không thu hút được chủ đầu tư.

Việc đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất từ các nước, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong bối cảnh quỹ đất hạn chế liệu có khiến các tỉnh, thành phố chạy đua "xin đất"? Ðó cũng là câu hỏi cần đặt ra để ngừa những hệ lụy đi kèm. Muốn trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi mô hình KCN, ưu tiên thu hút DN công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành. Ðó mới là lựa chọn gia tăng giá trị trong bối cảnh quỹ đất không phải vô hạn.

Tổ chức chuyên đề: Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Võ Hoàng, Nguyễn Hà

Nhiều KCN được hình thành nhưng lại không được đầu tư đồng bộ dẫn đến không hấp dẫn nhà đầu tư. Ðơn cử như KCN Cơ khí ô-tô Ðông Nam, KCN Tân Phú Trung, KCN Lê Minh Xuân, KCN Tân Tạo, KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Bình, KCN Cát Lái, KCN Hiệp Phước - giai đoạn 2, KCN An Hạ… đều thuộc đô thị lớn thứ hai Việt Nam - TP Hồ Chí Minh.