Cuộc đua “kéo lệch” cán cân ngành vận tải

Theo nhận định của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong một thập niên qua, Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhất thế giới. Với đà tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 17,4%, cao hơn hai lần so với bình quân khu vực châu Á là 7,9%, đầu tư hàng không đang là mảnh đất màu mỡ mà doanh nghiệp nào cũng muốn có phần.

Việc bùng nổ các hãng bay kéo theo tình trạng quá tải hạ tầng ở nhiều sân bay. Trong ảnh: Máy bay xếp hàng chờ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Việc bùng nổ các hãng bay kéo theo tình trạng quá tải hạ tầng ở nhiều sân bay. Trong ảnh: Máy bay xếp hàng chờ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Cuộc đua “kéo lệch” cán cân ngành vận tải ảnh 1

Lượt khách tại các sân bay lớn.

Dồn dập dự án

Ngày 22-7 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam vừa cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines). Như vậy, sau chín năm chuẩn bị, đây là liên doanh kinh doanh hãng bay đầu tiên được ký kết giữa doanh nghiệp tư nhân và đối tác trong quân đội. Trước đó, từ tháng 4-2010, hãng hàng không thứ sáu này đã được cấp phép hoạt động và từ tháng 6-2011, được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung.

Ngoài tân binh Vietstar Airlines, thị trường hàng không (TTHK) vẫn còn ba đơn vị có tiềm năng “được bay”. Đó là Công ty TNHH hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Công ty CP hàng không Thiên Minh và Công ty CP hàng không Vinpearl Air, với vốn điều lệ lần lượt là 700, 1.000 và 1.300 tỷ đồng.

Mới đây, VinGroup cũng đã thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không. Trong bối cảnh các hãng hàng không đang “tranh giành” nhau phi công, thì việc VinGroup tham gia TTHK bằng việc đào tạo phi công, thợ máy có thể xem là những bước đầu tiên trong chiến lược phát triển dài hạn của hãng này.

Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines hay Vietjet Air có thể thấy rõ hơn sức hấp dẫn của TTHK Việt Nam tăng cao như thế nào. Chẳng hạn như, Vietnam Airlines cho biết doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2016-2018 của hãng bay này tăng theo từng năm. Tính riêng năm 2018, Vietnam Airlines đạt doanh thu gần 97.000 tỷ đồng, lãi ròng hơn 2.300 tỷ đồng. Dù doanh thu chỉ bằng một nửa Vietnam Airlines, nhưng lãi ròng của VietJet Air không thua kém, thậm chí cao gấp đôi (năm 2018 là hơn 5.300 tỷ đồng).

Dĩ nhiên, sự phát triển của các thị trường bay kéo theo sự bùng nổ các dự án hậu cần phục vụ bay. Các dự án cảng hàng không cũng liên tục được đề xuất xây dựng, và phần lớn được chấp thuận về mặt chủ trương, đợi triển khai. Dù rằng, trên thực tế, trong tổng số 23 sân bay dân sự của cả nước, mới chỉ có năm sân bay thật sự hòa hoặc lãi, số còn lại vẫn đang lỗ đều, và cũng chưa cho thấy dấu hiệu sẽ lãi được từ lúc nào.

Cuộc đua “kéo lệch” cán cân ngành vận tải ảnh 2

Trong đó, tại phía nam dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) đã bắt đầu triển khai các bước thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng. Theo đó, dự án sân bay này có diện tích đất cần thu hồi là hơn 5.364 ha, cần tổng mức đầu tư lên tới 336.630 tỷ đồng. Quốc hội đặt yêu cầu chậm nhất vào năm 2025, sân bay Long Thành hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1.

Tại phía bắc, sau khi dự án sân bay Vân Đồn được khai trương tại Quảng Ninh cuối năm 2018, UBND thành phố Hải Phòng đã chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép đẩy nhanh tiến độ dự án xây nhà ga T2 sân bay Cát Bi. Dự kiến, dự án sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 3.600 tỷ đồng. Dù nằm trong cự ly 100 km so với sân bay Nội Bài, 60 km so với sân bay Vân Đồn, thì hiện mức tăng trưởng hành khách và hàng hóa của sân bay Cát Bi vẫn lên tới 17% - 23%. Nhà ga hành khách sân bay này đã quá tải, dù mới chỉ đón 40 chuyến bay đi đến mỗi ngày.

Chuyện cơ chế

Ngày 24-7, tại buổi làm việc với Tiểu ban kinh tế các tỉnh miền núi phía bắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Văn phòng Chính phủ tập hợp, tổ chức họp với Thường trực Chính phủ để xử lý sớm các kiến nghị liên quan đến đầu tư sân bay Điện Biên.

Được biết, đề xuất xây dựng sân bay Điện Biên được đưa ra vào cuối tháng 3 năm nay, đơn vị đề xuất đầu tư là Hãng hàng không Vietjet Air. Dự kiến, dự án đầu tư theo hình thức BOT, với tổng số vốn hơn 1.800 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng có báo cáo trình Chính phủ về đề xuất nói trên. Hiện, sân bay Điện Biên vẫn đang được ACV khai thác.

Trước cuộc làm việc của Thủ tướng chỉ thời gian ngắn, ACV cũng đã trình Cục Hàng không Việt Nam xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng Cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), với tổng mức đầu tư hơn 2.295 tỷ đồng.

Tháng 7-2018, Vietjet Air cũng được UBND tỉnh Phú Yên “bật đèn xanh” thực hiện Dự án đầu tư xây dựng các công trình tại cảng hàng không Tuy Hòa.

Ngoài Vietjet Air, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân khác cũng bày tỏ nguyện vọng được tham gia đầu tư vào cảng hàng không. Tích cực nhất có thể kể đến là FLC với các đề xuất xây dựng cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa), mở rộng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, nâng cấp sân bay tại Đồng Hới (Quảng Bình)… Thành công nhất trong xây dựng cảng hàng không phải kể đến SunGroup với dự án sân bay Vân Đồn, hay dự án sân bay Lào Cai đã được chấp thuận chủ trương đầu tư…

Điểm qua những dự án trên cho thấy, cuộc đua đầu tư vào ngành hàng không đã lên đến quy mô hàng chục tỷ USD. Điều đáng nói là, dòng vốn này đối lập gay gắt với dòng vốn đầu tư vào các loại hình giao thông khác, đặc biệt là vào ngành đường sắt và hàng hải.

Vài tháng trước, Quốc hội đã thông qua một gói đầu tư được gọi là khẩn cấp, có trị giá 7.000 tỷ đồng, cho ngành đường sắt cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Trong ngành hàng hải, từ rất lâu đã không có thông tin doanh nghiệp Việt đầu tư thêm tàu biển mới. Vinalines - “anh cả đỏ” của ngành vận tải biển Việt Nam - hiện vẫn đang vật vã xin được xóa nợ, và bán tàu để xóa nợ.

Xét đến cùng, sự đắt đỏ của giá vé, giá cước khiến hàng không chỉ phù hợp để chở khách, vậy nên bài toán giảm chi phí logistics cho hàng hóa nhất định phải trông vào đường sắt, đường biển. Ấy thế nhưng, lúc này dường như cuộc đua hàng chục tỷ USD đang khiến ngành GTVT phát triển lệch, thiếu bền vững. Quản lý nhà nước dường như chưa đóng vai trò quyết định trong điều hướng vốn đầu tư. Vì sao lại như vậy? Câu trả lời gói gọn trong hai chữ “cơ chế”.

Trong vài năm trở lại đây, sự tham gia của các hãng bay và đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã khiến cho số vốn định danh ghi nhận đầu tư vào ngành hàng không lên tới hàng chục tỷ USD.