Cuộc chơi không người chiến thắng

Các thị trường tài chính toàn cầu chấn động. Những đợt sóng "bán tống bán tháo" cổ phiếu bắt đầu xuất hiện. Không ít đồng tiền chủ chốt trên thế giới giảm giá sâu. Có thể nói, khi bất ngờ dồn dập điều chỉnh hạ tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ (NDT), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã đặt ra cho phần còn lại của kinh tế thế giới một "đề bài" hiểm hóc. Nhưng...

Đồng NDT liên tiếp giảm giá trị so với đồng USD.
Đồng NDT liên tiếp giảm giá trị so với đồng USD.

Vốn đang gặp khó khăn do xuất khẩu suy giảm, cú sốc tỷ giá NDT sẽ khiến kinh tế của nhiều nước châu Á còn chật vật hơn nữa. Theo tính toán của Ngân hàng ANZ, việc đồng NDT phá giá có thể lấy đi từ 0,5% cho đến 0,75% tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia.

Sau động thái choáng váng từ PBoC, đồng ring-ghít (Ringgit) của Ma-lai-xi-a (Malaysia) vốn đã giảm sâu trước đó, nay lại trượt tiếp 2%. Hiện giá trị đồng tiền này đang ở mức thấp nhất từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Đây cũng là tình trạng của đồng nội tệ ru-pi-a (Rupiah) của In-đô-nê-xi-a (Indonesia), khi rơi xuống mức thấp của thời khủng hoảng 1998, với giao dịch ở mức 13.789 Rupiah/USD. Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã phải họp khẩn tìm cách ứng phó, và phải bán ra 500 triệu USD dự trữ, song vẫn chưa tìm được biện pháp hiệu quả.

Dù Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã rất cố gắng, song đồng uôn (Won) vẫn giảm giá sâu, mất đến 2,3% giá trị sau hai phiên và chốt phiên gần nhất ở mức 1.190,80 Won/USD. Đồng ru-pi-a (Rupiah) của Ấn Độ cũng mất 1,6% giá trị, rớt xuống mức thấp nhất hai năm. Nhiều đồng tiền khác tại châu Á bao gồm đồng Yên Nhật, đô-la Xin-ga-po (Singapore) và đồng đô-la Ô-xtrây-li-a (Australia) cũng bị ảnh hưởng.

Theo giới chuyên môn, Thái-lan (Thailand), Ma-lai-xi-a cùng hai vùng lãnh thổ Hồng Công và Đài Loan (Trung Quốc) có thể nằm trong số những nền kinh tế dễ bị tác động nhất, bởi vừa phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, vừa cạnh tranh với Trung Quốc ở các thị trường xuất khẩu khác. Việc Thái-lan để mất thị phần sản phẩm ổ cứng trước Trung Quốc trong những năm gần đây có thể diễn ra nhanh hơn nếu xu hướng xuống giá của đồng NDT tiếp tục. Trong ngành thép, các nhà sản xuất Hàn Quốc và Nhật Bản cũng bị tác động. Đồng NDT yếu có thể kéo giá thép Trung Quốc xuống, làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên quy mô toàn cầu, và đẩy giá hạ. Khi đó, Bắc Kinh có thể tăng xuất khẩu thép tới Nhật Bản, đặt ra thách thức cạnh tranh cho các nhà máy thép của nước này.

Cho đến hiện tại, hầu như tất cả những quốc gia và vùng lãnh thổ đang đối diện với nguy cơ ấy mới chỉ kịp đưa ra những biện pháp ứng phó ngắn hạn. Người ta dường như chưa kịp nghĩ xa hơn.

Nhưng, theo một số chuyên gia, quyết định phá giá trên có thể sẽ đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào tình trạng "mất nhiều hơn được". Giới chức Trung Quốc đánh giá rằng việc gắn tỷ giá đồng nội tệ với đồng USD đã cản trở tính cạnh tranh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này với các đối tác thương mại hàng đầu là Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU), và đã đến lúc cần phải thay đổi. Có điều, trong khi chờ đợi một hiệu ứng thật sự tích cực, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ đứng trước áp lực lớn. Vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng cao, bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn tới làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, dù việc Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ hơn, nhưng cũng gây thiệt hại cho các công ty nước ngoài làm ăn trên đất của họ.

Đồng NDT giảm giá cũng làm cho giá trị của đồng USD tăng, và hệ quả là giá của các loại nông - khoáng sản mua bán bằng USD giảm mạnh. Tuy vậy, một số chuyên gia nhận định việc này chỉ gây khó khăn trong ngắn hạn đối với Mỹ. Về lâu dài, đây lại là một diễn biến tích cực. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, việc giảm giá trung hạn của đồng NDT sẽ làm tăng giá đồng rúp (ruble). Và thật đáng ngạc nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại đánh giá rằng chuyện phá giá đồng NDT "có thể có ích cho việc tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu".

Một trong những mục đích chính của quyết định này là cho phép thị trường tài chính linh hoạt hơn và có quyền can thiệp sâu vào việc xác định tỷ giá đồng NDT - vốn được định giá theo đồng USD và bị hạn chế giao dịch tự do trên thị trường, đồng thời thúc đẩy mục tiêu đưa đồng NDT vào giỏ tiền quốc tế. Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, hiện có mặt bốn đồng tiền chính là USD, ơ-rô (euro), bảng Anh và yên Nhật. Vì thế, không mấy ngạc nhiên khi IMF hoan nghênh quyết định phá giá đồng NDT của Trung Quốc. Và phải chăng, cũng vì vậy, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng mới chỉ tính toán đến các biện pháp ứng phó cấp thời?

Hiện cũng còn nhiều ý kiến trái chiều, về nguy cơ: Có xảy ra "cuộc chiến tiền tệ" do Trung Quốc phá giá đồng NDT hay không? Một số nhà quan sát cho rằng đây đơn thuần chỉ là một quyết định giải phóng chính sách tỷ giá hối đoái cần thiết - điều mà Mỹ và IMF vẫn kêu gọi từ lâu. Ngược lại, ông X.Rô-ắc (S.Roach) - Cựu Chủ tịch Tập đoàn M.Xtan-lây (Morgan Stanley) ở khu vực châu Á, cảnh báo về "nguy cơ ngày càng rõ ràng của một cuộc cạnh tranh hạ giá tiền tệ nghiêm trọng và khó lường hơn bao giờ hết". Truyền thông Ô-xtrây-li-a nhận định: Có nguy cơ "cuộc chiến tiền tệ" bước sang một giai đoạn mới. Theo đó, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho phần kế tiếp là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ hạ giá đồng yên.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích của Tập đoàn HSBC lại cho rằng: Áp lực giảm giá đối với tiền tệ châu Á phát sinh từ hành động của Trung Quốc sẽ nhanh chóng phai nhạt, bởi Trung Quốc sẽ không tiếp tục giảm sâu tỷ giá đồng NDT. Và bất chấp áp lực phá giá đồng tiền để giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu mà khá nhiều quốc gia đang bắt buộc phải thực hiện, về lâu dài, đây là một cuộc chơi chẳng ai giành được phần thắng.