Cuộc chiến với tín dụng đen

Những năm gần đây, tín dụng đen thật sự trở thành tệ nạn nhức nhối trong xã hội. Trong bối cảnh đó, việc xây  dựng nền tài chính toàn diện là cách thức để Ngân hàng, ngành giữ vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng tín dụng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. 

Nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ngày càng cao, đặc biệt ở những thành phố lớn, những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ngày càng cao, đặc biệt ở những thành phố lớn, những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tín dụng đen “qua mặt” ngân hàng?

Thực tế cho thấy, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ngày càng cao; đặc biệt ở những thành phố lớn, những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung nhiều lao động có thu nhập thấp. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng trưởng tín dụng phục vụ đời sống qua các năm như sau: năm 2016 chiếm tỷ lệ 48%/ tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế; năm 2017 tỷ lệ này là 36,07%; năm 2018 là 29,59%; năm 2019 là 19,49%. Đến cuối tháng 3-2020, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 0,26%, chiếm 20,44%. Do tác động của dịch Covid-19 nhiều lao động không có việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập giảm thì nhu cầu vay tiêu dùng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. 

Công bằng mà nói, ngành ngân hàng đã sớm xác định cần mở rộng tín dụng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Về chủ trương, chính sách, NHNN đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) phù hợp yêu cầu mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi và nâng mức cho vay lên phù hợp nhu cầu thực tế của người dân. Đơn cử, hiện tại, mức cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo được nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, thời gian cho vay đến 120 tháng. 

Câu hỏi đặt ra, vì sao tín dụng đen vẫn phát triển rầm rộ? Có thể phân loại khách hàng của tín dụng đen thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, nhóm người vay để sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, buôn lậu… Nhóm thứ hai, những người vay cho chi tiêu thiết yếu, cấp bách về y tế, giáo dục, tiêu dùng… nhưng không biết hoặc không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vay chính thống. Tín dụng đen luôn “mở cửa” cho mọi nhu cầu vay tiền. Trong một số trường hợp, khách hàng vay vốn tại ngân hàng thương mại (NHTM) đồng thời vay vốn cả ở các công ty tài chính tiêu dùng. Nếu không trả nợ đúng hạn họ sẽ bị chuyển nhóm nợ… Điều này khiến không ít khách hàng chấp nhận tìm đến tín dụng đen chứ không muốn có “vết đen” trong lịch sử tín dụng với ngân hàng.

Việc đưa vào hoạt động các chi nhánh, điểm giao dịch của ngân hàng không chỉ mất nhiều chi phí mà còn phải đáp ứng các quy định khắt khe của NHNN, trong khi đó, mạng lưới tín dụng đen là mọi lúc, mọi nơi; chỉ cần “a-lô là có tiền”. Vì thế, cho dù ngân hàng liên tục phát triển các sản phẩm, đẩy nhanh thời gian xử lý hồ sơ cũng không thể nhanh, bao phủ rộng như tín dụng đen. Sống và làm việc theo pháp luật là yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng, trong khi tín dụng đen chỉ có “luật rừng”.

Xây dựng nền tài chính toàn diện

Ngân hàng rất nỗ lực trong cung tín dụng bởi đây cũng là nguồn thu chính của họ. Song nếu như ngân hàng “vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà” thì tín dụng đen tiếp cận trực tiếp từng người ngay khi có nhu cầu vay vốn. Trong khi ngân hàng phải thẩm định mục đích sử dụng vốn, kiểm tra các chứng từ, hóa đơn của người xin vay, nhanh cũng mất vài giờ… thì tín dụng đen chỉ cần danh bạ điện thoại của người vay là giải ngân trong vòng vài giây! Xét trong cơ cấu kỳ hạn tín dụng hiện nay, tỷ trọng cho vay trung và dài hạn của ngân hàng hiện khá cao, tỷ lệ này trong cho vay tiêu dùng còn lên đến hơn 70%. Mà khả năng rủi ro trong cho vay tín dụng tiêu dùng khá cao. Do đó, để giảm rủi ro cho ngân hàng, tạo thêm điều kiện thúc đẩy tín dụng tiêu dùng cần giảm tỷ trọng cho vay trung và dài hạn. Một giải pháp khác: Với đặc thù là hoạt động tại địa phương, cho vay đối với các nhóm đối tượng cụ thể, yếu thế trong xã hội, tài chính vi mô giải ngân các món rất nhỏ, chỉ vài triệu đồng nên rất có ưu thế trong hỗ trợ nhu cầu vốn cấp bách, thiết yếu cho người dân. Nếu phát triển hệ thống các tổ chức tài chính vi mô sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân.

Cuộc chiến với tín dụng đen -0

Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân về sự nguy hiểm của tín dụng đen. Ảnh: TTXVN 

Hầu hết người tìm đến tín dụng đen đều biết về mức lãi suất cho vay cắt cổ, nhưng lại không lường hết được hệ lụy nặng nề không chỉ đối với bản thân họ mà cho cả người thân, người quen từ hành vi này. Đã có người phải trả giá bằng tính mạng. Do đó, ngoài nỗ lực của hệ thống các TCTD, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của tín dụng đen; đồng thời giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh.  

Những giải pháp trên, tựu trung lại vẫn là làm sao tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân. Phát triển tài chính toàn diện được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này và hệ thống ngân hàng đóng vai trò chính trong đó. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22-1-2020) với định hướng phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm. Đây là chiến lược dài hơn, muốn hiện thực hóa cần xây dựng các đề án thành phần với mục tiêu cụ thể. Trước mắt, từ những đường dây tín dụng đen liên tỉnh mà công an triệt phá gần đây có thể thấy các vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi. Điều đó cho thấy, để đẩy lùi tín dụng đen cần có sự quyết liệt, mạnh tay hơn nữa từ chính quyền địa phương, các bộ, ngành đối với những hoạt động liên quan tín dụng đen. Ngân hàng, dù có mạng lưới rộng đến đâu, sản phẩm linh hoạt đến mức nào thì cũng chỉ được phép cung ứng vốn cho những nhu cầu hợp pháp của người dân, nền kinh tế.

Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030:

- Ít nhất 80% số người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030;

- Ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM trên 100.000 người trưởng thành;

- Ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; 

- Ít nhất 25% - 30% số người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng;

- Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hằng năm;

- Ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các TCTD…

Tổ chức chuyên đề:
Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Nguyễn Văn Học