Cốt yếu phải thay đổi hành vi !

Trao đổi ý kiến với phóng viên báo Nhân Dân cuối tuần, ông Khuất Việt Hùng (ảnh dưới), Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) cho rằng, bên cạnh việc nghiên cứu sửa luật theo hướng phạt nặng để răn đe thì vẫn cần phải có phương thức truyền thông đúng để tác động đến nhận thức và thay đổi được hành vi của người tham gia giao thông.

Cốt yếu phải thay đổi hành vi !

- Thưa ông, ngay sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng tại hầm Kim Liên (Hà Nội) ngày 1-5 vừa qua, cộng đồng mạng đang lan tỏa kêu gọi “Nói không với rượu bia khi lái xe”. Điều ấy là hết sức cần thiết, nhưng phải làm sao để nó không mang tính phong trào?

- Chính vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nói trên đã thôi thúc tôi đưa lên mạng xã hội thông điệp: “Uống rượu bia, một người tốt đã thành kẻ giết người”. Rất nhiều người trên cộng đồng mạng đã quan tâm, ủng hộ thông điệp đó. Nhân đà đó, chúng tôi đã kêu gọi những người sử dụng mạng xã hội thay đổi avatar: “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Chúng tôi kỳ vọng các mạng xã hội, tất cả mọi người trên cộng đồng mạng cùng chung tay thay đổi ngay về hành vi khi tham gia giao thông, nhất là khi lái xe thì không uống rượu bia.

Tôi muốn chia sẻ thêm rằng, giữa hiểu biết và thực hiện là một khoảng cách. Do vậy, để đến đích cuối cùng là thay đổi hành vi thì trước đó, phải làm sao để nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông. Góp phần vào việc chuyển đổi đó, sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng lực lượng CSGT và các diễn đàn mạng xã hội để tổ chức dán khoảng một triệu cặp lô-gô “Đã uống rượu bia thì không lái xe” trên kính ô-tô (trong và ngoài). Mong rằng, tất cả lái xe khi ngồi sau vô-lăng nhìn thấy, vừa nhắc nhở mình, nhắc nhở người thân đừng lái xe khi đã uống rượu bia.

- Tuy số liệu UBATGTQG thống kê TNGT trong bốn tháng qua đã giảm cả ba tiêu chí (số người, số vụ và số người bị thương), nhưng lại xảy ra liên tiếp các vụ đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân do đối tượng lái xe ô-tô sử dụng rượu bia. Lý giải thực tế này thế nào, thưa ông?

- Thực tế TNGT xảy ra hằng ngày với nhiều nguyên nhân khác nhau như thời tiết, địa hình, kỹ thuật hay kỹ năng lái xe... Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng, qua phân tích nguyên nhân gây TNGT gần 1.500 vụ, tai nạn do lái xe sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (hơn 270 vụ). Tỷ lệ này cho thấy, người uống rượu bia thiếu tỉnh táo vẫn cầm vô-lăng đang là thực trạng đáng báo động, một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Tất cả những người lái xe có thể biết và tránh được hậu quả, vì họ hoàn toàn có kiến thức, kinh nghiệm và cả điều kiện kinh tế để thực hiện một điều - “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Thế nhưng, đáng buồn là không mấy người làm được việc đó. Vậy nên, tôi rất đồng tình với ý kiến cần tăng mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn. Bởi vì chúng ta đã xây dựng quy định và thực hiện quy định về phòng, chống và xử lý vi phạm nồng độ cồn với người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ. Thí dụ như Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008, quy định rõ tại Khoản 8, Điều 8, người lái xe ô-tô tuyệt đối không được có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện...

Cốt yếu phải thay đổi hành vi ! ảnh 1

- Nâng mức xử phạt liệu rằng có đủ, nhất là trong bối cảnh lực lượng chức năng không thể căng mình kiểm tra ở tất cả các tuyến đường vào các khung giờ? Phải làm gì để ngăn chặn được từ gốc vấn đề?

- Theo tôi, cùng với việc nâng mức xử phạt cần xác định rõ nguyên nhân lạm dụng rượu bia bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông. Mặt khác cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia giao thông. Đặc biệt chúng ta cần thiết lập một môi trường, cơ chế pháp lý ngăn chặn người sử dụng rượu bia tham gia giao thông. Có thể cần chế tài xử lý mạnh hơn, hai là tính cưỡng chế. Hơn nữa, cũng cần nhìn nhận một người đã uống rượu bia, sử dụng chất kích thích tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm, cần đưa vào Luật Hình sự và có hướng dẫn chi tiết để có thể ngăn chặn hiệu quả.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh vai trò của xử phạt. Không chỉ coi đây là biện pháp xử phạt thuần túy mà còn cần coi như một biện pháp hiệu quả để giáo dục, tuyên truyền. Đây là hình thức mạnh hơn lời cảnh báo. Xử phạt bằng tiền, bằng chế tài lao động công ích, thậm chí là xử lý hình sự phạt giam giữ… Tất cả những điều này giúp thay đổi hành vi, thói quen. Tôi muốn nhấn mạnh, thay đổi hành vi mới là mục đích tận cùng của việc truyền thông.

Mặt khác, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng như Cục CSGT, Phòng CSGT, Thanh tra giao thông các địa phương phải xử lý nghiêm đối với nhà xe vi phạm, các lái xe sử dụng ma túy, uống rượu bia khi tham gia giao thông. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu sửa luật theo hướng phạt nặng để răn đe cùng với kết hợp với lao động công ích, tịch thu phương tiện và tước bằng lái xe đối với các phương tiện...

- Xin cảm ơn ông!