Còn những giá trị khác lớn hơn

Chung quanh những quan điểm đa chiều về việc các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) ở Việt Nam có nên “chạy đua” để có tên trong bảng xếp hạng của châu Á và thế giới không, Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi với TS Nghiêm Xuân Huy (trong ảnh), Viện trưởng Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Còn những giá trị khác lớn hơn

- Thưa ông, trước tiên, ông có thể cho biết, để tham gia xếp hạng, các trường đại học cần phải làm gì?
 
 - Bản chất xếp hạng đại học tương tự như một cuộc thi. Nguyên tắc của thi là phải đăng ký mới được thi, muốn được xếp hạng thì trường đại học phải gửi dữ liệu, tham gia vào các hệ thống của tổ chức xếp hạng. Thông thường các tổ chức xếp hạng có hai loại dữ liệu, một là các dữ liệu trường đại học gửi cho tổ chức xếp hạng (chỉ số như số lượng giảng viên, sinh viên, thu nhập từ đào tạo, nghiên cứu, tỷ lệ sinh viên quốc tế…); thứ hai, nguồn dữ liệu được các tổ chức xếp hạng lấy tự động từ các cơ sở dữ liệu công bố quốc tế (như ISI, Scopus ...). Cũng có một nguồn dữ liệu khác không hoàn toàn do các trường đại học cung cấp, đó là nguồn dữ liệu lấy từ phản hồi của nhà khoa học và nhà tuyển dụng. Vấn đề không đi thi không có nghĩa là không đạt giải và chất lượng kém; nhưng cũng không loại trừ muốn tham gia xếp hạng nhưng thực lực lại không đạt ngưỡng tối thiểu.
 
 - Đại học Việt Nam vẫn vắng bóng về tên tuổi, chất lượng trong các bảng xếp hạng quốc tế, điều đó liệu có phải do nội lực của chúng ta còn kém, thưa ông?
 
 - Vừa đúng, vừa chưa hẳn như vậy. Trong một thời gian dài GDĐH Việt Nam quan tâm quá nhiều vào hoạt động đào tạo mà ít quan tâm tới các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Trong nghiên cứu biểu hiện rõ nhất là công bố quốc tế, nếu không có công bố quốc tế không thể xếp hạng được. Ngoài ra, ở một số bảng xếp hạng như THE, có một số tiêu chí khá xa với văn hóa học thuật, đào tạo ở Việt Nam, như tính cả thu nhập từ đào tạo và từ nghiên cứu để làm tiêu chí xếp hạng. Bên cạnh đó, nội lực của đại học Việt Nam được thể hiện qua hội nhập quốc tế cũng chưa được như mong muốn. Khi tham gia xếp hạng, tiêu chí đánh giá về hội nhập sẽ quan tâm tới số lượng giảng viên nước ngoài, số lượng sinh viên quốc tế đến học, số lượng công trình công bố chung với nước ngoài… Cùng với đó, lượng trích dẫn quốc tế các ấn phẩm của đơn vị cũng là một tiêu chí xếp hạng quan trọng, nó phản ánh chất lượng học thuật và mức độ lan tỏa trong công bố quốc tế của trường đại học.
 
 - Trong các bảng xếp hạng thì đại học đa ngành chiếm ưu thế, mỗi trường lựa chọn tổ chức xếp hạng riêng, vì sao vậy thưa ông?
 
 - Thực tế là như vậy, muốn công bố quốc tế nhiều phải có nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu để được bài bản chỉ những trường đại học có nghiên cứu cơ bản hoặc đa ngành, đa lĩnh vực có lợi thế. Điều đó cho thấy, phần lớn các trường có công bố, có xếp hạng là những trường đa ngành, đa lĩnh vực (còn gọi là comprehensive universities). Trường đa ngành khác với nhiều ngành. Các trường đa ngành, đa lĩnh vực sẽ phát triển đồng thời cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, công nghệ, kỹ thuật. Các nhóm lĩnh vực này bổ trợ và tạo thành hệ sinh thái nghiên cứu toàn diện. Mỗi lĩnh vực có thế mạnh riêng để tham gia xếp hạng.
 
 Hiện nay có một số tổ chức xếp hạng lớn, có uy tín, được nhiều trường đại học hàng đầu thế giới chấp nhận thì có thể tham gia, như QS hay THE. Các bảng xếp hạng cho chúng ta những tiêu chí để đối sánh giữa các trường trong nước, giữa Việt Nam với nước khác. Tuy nhiên, không nên kết luận: Một nền giáo dục có ít trường đại học được xếp hạng lại yếu hơn một nền giáo dục khác. Theo tôi, đóng góp của trường đại học cho xã hội không chỉ thể hiện ở một số khía cạnh trong bảng xếp hạng. Sứ mạng của trường đại học gắn với việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học công nghệ để giúp cho địa phương, quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, những giá trị ấy thậm chí còn lớn hơn bất kỳ việc có mặt trong một bảng xếp hạng nào đó.
 
 - Vậy một cơ sở GDĐH được xếp hạng cao liệu có phản ánh thực chất chất lượng của cơ sở đó?
 
 - Theo tôi là có. Nếu nhìn vào các tiêu chí xếp hạng cũng khá toàn diện về chất lượng đội ngũ của trường, chất lượng nghiên cứu khoa học, năng lực hội nhập. Trường phải mạnh mới đạt được các tiêu chí đó, quan trọng có được cộng đồng quốc tế thừa nhận hay không. Nên tham gia xếp hạng để biết được mình đang ở đâu. Xếp hạng là một công cụ đối sánh để nhìn nhận đánh giá chính mình, một tổ chức bên ngoài đánh giá chắc chắn nhà trường sẽ nhìn được điểm mạnh, điểm yếu. Tham gia xếp hạng sẽ tạo ra nhiều giá trị tốt cho trường đại học, trường nào có sự thăng tiến trong xếp hạng chứng tỏ sự đầu tư có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu như trường đại học nào cũng lấy xếp hạng làm mục tiêu dễ dẫn đến tất cả các trường với mô hình và sứ mạng giống nhau. Ở góc độ quốc gia vẫn cần có một số trường đại học có vị trí cao trong các bảng xếp hạng.
 
 - Xin cảm ơn ông!