Con người phải là trung tâm

Đó là nhấn mạnh của TS Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, khi chia sẻ kinh nghiệm của Đà Nẵng về xây dựng thành phố thông minh (TPTM) với Nhân Dân cuối tuần.

Con người phải là trung tâm

- Là một trong những thành phố tiên phong trong việc hướng đến phát triển theo mô hình TPTM, xin ông chia sẻ về bước khởi đầu của Đà Nẵng?

- Ngay từ giữa năm 2012, thành phố đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các đề án, chương trình nhằm đổi mới, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Điểm đáng nói, Đà Nẵng rất chú trọng đến sức mạnh của kết nối các nguồn lực. Bắt đầu từ việc hợp tác với đối tác công nghệ danh tiếng thế giới - Tập đoàn IBM, sau đó, chúng tôi cũng liên tiếp đón các doanh nghiệp tên tuổi trong nước như Viettel, VNPT, FPT, và cả các tập đoàn quốc tế ở nhiều nước phát triển. Tất cả đều có chung mong muốn hợp lực với thành phố. Các tổ chức tài chính thế giới như WB, JICA… cũng đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng TPTM của Đà Nẵng.

- Nói một cách chi tiết, Đà Nẵng đã làm được những gì để cụ thể hóa khái niệm thông minh, thưa ông?

- Muốn xây dựng thành công TPTM, trước hết phải có sự đồng lòng từ lãnh đạo cho đến người dân trong việc đưa ra những sáng kiến để khai thác hiệu quả những khác biệt của địa phương. Cũng bởi thế, nhiều phương pháp, mô hình mới đã nhanh chóng được thành phố tiếp cận, đầu tư, áp dụng và triển khai, tập trung ở một số lĩnh vực trọng tâm là giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, an toàn thực phẩm… Nổi bật, trong lĩnh vực giáo dục, Đà Nẵng đã xây dựng cơ sở dữ liệu chung và cổng giao tiếp dữ liệu ngành giáo dục, liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học tại các trường, tiến đến hình thành cơ sở dữ liệu học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến 12) và giáo viên toàn thành phố.

Hay như để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi đã triển khai cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người dân tra cứu các đơn vị đạt chuẩn an toàn thực phẩm qua tin nhắn, điện thoại… Ở lĩnh vực giao thông, tài nguyên - môi trường đều đã ứng dụng CNTT tiên tiến để giám sát, quản lý. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của VNPT, hệ thống thông tin điều hành họp của HĐND thành phố đã thực hiện thành công; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố trong phòng, chống thiên tai, trong tổ chức các sự kiện lớn như ABG5, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017…

- Hạn chế về tài chính, nhân lực là rào cản lớn trong việc phát triển TPTM. Đà Nẵng hóa giải điều ấy thế nào, thưa ông?

- Với phương châm “đa đối tác - một nền tảng - một hạ tầng - một chính sách - đa ứng dụng”, lộ trình xây dựng TPTM cần rất linh động. Muốn giảm gánh nặng cho ngân sách, Đà Nẵng sẽ đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ kinh phí của Trung ương, nguồn vốn vay ODA, vốn đầu tư của doanh nghiệp dưới hình thức hợp tác (PPP)… Với bài toán nhân lực, chúng tôi mời các chuyên gia nước ngoài sang tư vấn, đào tạo và hỗ trợ triển khai, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Cho dù đã xây dựng được khung kiến trúc về TPTM phiên bản 2014, nhưng trước những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, về cơ chế chính sách, nên Đà Nẵng xác định cần phải kịp thời điều chỉnh khung kiến trúc này.

Từ đầu năm 2018, cùng với việc xác định rõ ràng lộ trình, kế hoạch thực hiện các đề án xây dựng chính quyền điện tử, thành phố bắt tay vào xây dựng khung kiến trúc mới cho TPTM. Chúng tôi cũng phối hợp với Tập đoàn Viettel và các đối tác khác để triển khai các trụ cột cho TPTM. Trong đó, đặc biệt chú trọng trụ cột liên quan cơ sở hạ tầng, CNTT, các trụ cột liên quan chính sách, và các lĩnh vực đang triển khai: giáo dục, y tế, giao thông... Việc xây dựng TPTM được gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

- Theo nhìn nhận của ông, đâu là yếu tố quyết định sự thành bại của việc xây dựng TPTM?

- Có lẽ khung kiến trúc cho TPTM thì đều có những điểm chung. Song mỗi địa phương, căn cứ vào đặc trưng của mình mà có ưu tiên cho những trụ cột phát triển khác nhau. Nói chung, con người bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định mọi thành bại trong quá trình phát triển. Đà Nẵng lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và phát triển công nghệ cao, song mục tiêu cuối cùng phải là để thỏa mãn yêu cầu của các tổ chức, của công dân thành phố… nên chúng tôi tập trung mục tiêu “con người là trung tâm”. Chẳng hạn, Đà Nẵng nằm trong khu vực con đường di sản miền trung, do đó, khi triển khai TPTM sẽ vừa phải áp dụng những ứng dụng mới, công nghệ mới nhưng đồng thời cũng phải bảo tồn các di sản, phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng.

Một điểm nữa, cũng cần phải nhắc lại, chính những tiện ích của một TPTM là lợi ích sát sườn cho mỗi công dân của thành phố ấy. Vì thế, để xây dựng thành công mô hình TPTM, ngoài những điều kiện về chính sách, cơ chế, còn đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, viên chức đủ trình độ, năng lực, tâm huyết đáp ứng được những yêu cầu mới. Muốn thế, trước hết là phải biết lắng nghe ý kiến những nhà cung cấp giải pháp để lựa chọn giải pháp phù hợp nhất, có lợi nhất cho sự nghiệp chung.

- Trân trọng cảm ơn ông!