Con - đường - không - thể - nào - khác

Trong khi chúng ta đang mê mải “nhập khẩu” và tiếp nhận có phần thụ động và dễ dãi văn hóa bên ngoài, có không ít sản phẩm quốc tế lại “nhập khẩu” văn hóa Việt Nam và xem đó như một chất liệu quý, tạo sự khác biệt trong bối cảnh thị trường đang đạt tới điểm bão hòa như hiện nay.

Trò chơi dân gian kéo co luôn thu hút nhiều người dân và du khách tham gia.
Trò chơi dân gian kéo co luôn thu hút nhiều người dân và du khách tham gia.

Hàng ngoại “nhập khẩu” di sản văn hóa Việt Nam

Với độ dài hơn bốn phút, MV “Alone Pt.II” của nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng thế giới Alan Walker được tung ra mới đây, đã kịp giới thiệu một cách trọn vẹn đến khán giả quốc tế khung cảnh hùng vĩ, kì bí, hoang sơ của Sơn Đoòng (Quảng Bình, Việt Nam). Một lần nữa, hình ảnh hang động tự nhiên lớn nhất thế giới này được truyền thông đến rất nhiều quốc gia theo một cách đi nhanh chóng và hiệu quả.

Trước đó không lâu, một phiên bản đồng hồ đặc biệt của một thương hiệu Nhật Bản được ra mắt tại Hà Nội với hình Khuê Văn Các ở mặt trước đồng hồ và đặc biệt là hình bản đồ Việt Nam gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở mặt sau. Đây là phiên bản đặc biệt dành riêng cho thị trường Việt Nam, đón chào sự kiện kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2020 sắp tới.

Đáng nói, khi mà “đường lưỡi bò” phi pháp qua mắt được bộ phận kiểm duyệt của Cục Điện ảnh (trong bộ phim Everest: Người tuyết bé nhỏ) để ra rạp, lọt vào giáo trình đại học, được một công ty du lịch có tiếng của TP Hồ Chí Minh sử dụng quảng bá, thì ở một sản phẩm của một thương hiệu có nguồn gốc Nhật Bản, dải đất hình chữ S được thể hiện ở trung tâm mặt số được viền liền mạch, các cụm chấm tròn tượng trưng cho các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chuẩn xác với đo đạc của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.


Cuối tháng 11-2019, một thương hiệu đồng hồ gần 300 tuổi nổi tiếng khác của Thụy Sĩ cũng chọn một di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam là vịnh Hạ Long để khắc họa trên mặt sản phẩm. Từ khâu ý tưởng cho đến thành phẩm là sự trình diễn của kỹ nghệ vẽ tiểu hoạ giàu kỹ thuật, giàu bản sắc bậc nhất trên thế giới.

Có thể kể thêm, hồi tháng 10, nữ sĩ Xuân Quỳnh “nối gót” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và danh họa Bùi Xuân Phái trở thành từ khóa “hot” nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng khi xuất hiện trên thanh công cụ Google Doodle của Google - một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất trên thế giới. Vẫn biết, đây chỉ là một biểu tượng thay thế tạm thời cho biểu tượng trên trang chủ của Google, nhằm chúc mừng các ngày lễ, các sự kiện, thành tựu và con người ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, là bài toán kinh tế mà tập đoàn này tiến hành ở các quốc gia họ đang kinh doanh, thu lợi thông qua các lượt truy cập, quảng cáo mà thôi; tuy nhiên, cách lựa chọn đầy tính văn hóa này của Google khiến người Việt Nam cũng được một phen “nức lòng nức dạ”.

Ta có thể kể ra những thí dụ khác nữa, mà ở đó, di sản văn hóa, bản sắc văn hóa Việt Nam giống như một mỏ quặng khổng lồ vẫn chưa phát lộ hết dòng chảy trầm tích đang cuộn trào trong đó. Mỏ quặng ấy được tạo ra từ sự tích hợp văn hóa theo suốt dọc dài lịch sử thăng trầm của dân tộc, hiện hữu ở khắp mọi nơi trên đất nước ta, gồm di sản vật thể, phi vật thể, cho tới di sản con người…

Con - đường - không - thể - nào - khác ảnh 1

Cần quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam trong môi trường toàn cầu hóa.

Hình ảnh Sơn Đoòng trong MV của Alan Walker; hình ảnh Khuê Văn Các, Trường Sa, Hoàng Sa trong thiết kế của thương hiệu đồng hồ đến từ Nhật Bản hay Thụy Sĩ, hay cách Google gọi tên danh nhân văn hóa của ta trên thanh công cụ của mình… đều là di sản của người Việt, là biểu tượng văn hóa của người Việt. Đó là những dẫn chứng cho việc, văn hóa không chỉ là một thái độ hoài cổ đơn thuần, mà hoàn toàn có thể được diễn dịch theo một cách đương đại nhất, gắn liền đời sống
hôm nay.

Những nguy cơ hiện hữu

Thế giới tìm đến Việt Nam như tìm một niềm cảm hứng mới. Trong khi đó, có không ít người Việt lại sính ngoại, chạy theo những thứ “văn minh giả hiệu” đơn thuần và cho rằng, như thế mới là phát triển; mà quên mất, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, giao lưu mạnh mẽ của các nền văn hóa trong khu vực và thế giới, định vị văn hóa Việt thông qua mã văn hóa, ngôn ngữ văn hóa dân tộc ngày càng có ý nghĩa quan trọng.

Thời gian qua, Việt Nam cũng đã bắt đầu ý thức được vai trò của văn hóa bản địa và khả năng khai thác, ứng dụng vào hàng hóa hay các tác phẩm văn hóa - giải trí. Tuy nhiên, mức độ còn hạn chế. Một số sản phẩm văn hóa - giải trí đưa yếu tố Việt vào nhưng lại gây tranh cãi. Những sản phẩm hàng hóa đơn thuần, lại đang khai thác yếu tố Việt một cách manh mún, nhỏ lẻ, chưa thành hệ thống và có hoạch định, chưa xem đó là phương châm kinh doanh lâu dài. Vì thế mà việc khai thác còn hời hợt, chưa đến nơi đến chốn. Trong khi đó, có những di sản vốn được mặc định của người Việt, nếu không chú tâm bảo vệ, lại có nguy cơ bị mất đi, thậm chí bị tước đoạt. Câu chuyện báo chí Trung Quốc gọi nón lá, áo dài Việt Nam là “phong cách Trung Quốc” gây xôn xao dư luận cách đây không lâu là một dẫn chứng tiêu biểu cho điều đó.

Còn nhớ, tại cuộc hội thảo “Sử dụng biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong đời sống đương đại” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức trong năm qua, PGS, TS Đinh Hồng Hải đặt vấn đề: “Sự xâm lăng văn hóa hiện nay của văn hóa ngoại lai và nguy cơ đánh mất nhiều nét đặc trưng truyền thống đòi hỏi phải ý thức được các giá trị biểu tượng mà cha ông đã trao truyền lại. Sự nô lệ văn hóa một cách thụ động và dễ dãi của một bộ phận giới trẻ trước nền văn hóa mạnh hơn đang là một vấn đề lớn ở Việt Nam - nơi chịu sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ nhất trong khu vực - cần sự quan tâm
đặc biệt”.

Nếu chúng ta không có bản lĩnh văn hóa, không có chắt lọc cũng như ý thức khước từ lẫn tri nhận, theo một cách hiểu, một ngày nào đó, quá trình xâm lăng văn hóa sẽ khiến ta thành những kẻ nô lệ văn hóa. Nhưng ứng dụng như thế nào, để có thể tạo ra các giá trị mới mang hơi thở thời đại, mà vẫn in đậm dấu ấn của văn hóa Việt Nam? Hơn cả câu chuyện của trend (xu hướng), hơn cả việc đã đến lúc phải trở về trong một sự “bức tử” mà sự nhạt nhòa của toàn cầu hóa mang lại, trở về với cái gốc, cái cốt nền của văn hóa là con đường không - thể - nào - khác. Nói như một nhà nghiên cứu, đó phải là một cuộc trở lại thật sự, không thể qua loa, đại khái được.