“Cơn bão khô” giữa đồng bằng

Những dòng sông trơ đáy, những cánh đồng nứt nẻ chân chim. Người dân vựa lúa miền Tây đang phải đối mặt với những “cơn bão khô”- khát nước ngọt nghiêm trọng, đồng ruộng có nguy cơ bị bỏ hoang.

Nhiều kênh rạch nội đồng ở ÐBSCL khô cạn.
Nhiều kênh rạch nội đồng ở ÐBSCL khô cạn.

1 Ðến địa phận huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã thấy cảnh đất đai nứt nẻ chân chim. Ðồng ruộng vắng ngắt. Chưa phải buổi ban trưa mà ánh nắng đã khá gay gắt. Càng đi sâu về phía cửa biển Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng, cái nóng càng trở nên gay gắt hơn. Dòng Hậu Giang lờ đờ đổ ra biển, mặt nước vẫn xanh trong nhưng sao mặn đắng lòng. Những con đập ngăn mặn nằm ven quốc lộ đều đóng kín, quay lưng, ngoảnh mặt với con sông Hậu hiền hòa thuở trước. Cây cối ven hai bên đường có phần ủ rũ, xác xơ.

Ðứng trước cánh đồng lúa trơ nền đất trắng xóa ở Tân Lập, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi chợt bần thần. Một cánh đồng lúa xanh đang hấp hối. Nền đất trắng xóa, khô khốc như đã tự vắt đi những giọt nước cuối cùng... Dò hỏi hồi lâu mới biết chủ ruộng là ông Lê Minh Công, đang buồn rầu nhìn 40 héc-ta lúa chết khô mà không cách nào giải cứu. “Từ sau Tết Nguyên đán là nước mặn bắt đầu xâm nhập vào sông Hậu. Mấy miệng cống đóng kín hết để ngăn nước mặn tràn vào. Từ đó tới nay đồng ruộng cũng khô cạn nước. Những đám lúa từ mầu xanh chuyển dần sang mầu vàng úa, rồi chết khô, nhìn mà đau thắt ruột”, ông Minh nói.

Theo lời ông Minh, càng đi về phía biển, khô hạn, xâm nhập mặn càng dữ dội hơn. Nhiều đám ruộng dưa hấu, củ cải trắng, hành tím đều chung cảnh tàn úa, chủ ruộng bỏ hoang vì không có nước tưới. “Chưa qua hết Tết là nông dân đã ra đồng vì nghe năm nay nắng nóng, khô hạn được dự báo khắc nghiệt hơn. Vậy mà đám hành đang xanh tốt bỗng dưng rũ lá, héo vàng. Tôi biết ngay là chắc do nước sông nhiễm mặn, nên dùng thùng phuy chứa nước ngọt “rửa mặn” ngay mà vẫn không cứu được ruộng hành”, anh Lâm Tuấn ở xã Viên Bình, huyện Trần Ðề nói như khóc.

2 Gần một tháng nay, ông Nguyễn Văn Việt ở xã Phong Tân, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu “ăn không ngon, ngủ không yên”. 100 công lúa vừa xuống giống nhìn có vẻ phát triển tốt, nhưng sắp đối mặt với khô hạn ngày càng gay gắt bởi cái nắng chói chang đã rút hết nước ruộng lẫn nước dưới kênh thủy lợi. Theo tính toán của ông Việt, ruộng mình chỉ có thể cầm cự vài hôm nữa. Ðến khi đó, nếu không có nguồn nước tưới thì đám lúa của ông và nhiều nông dân trong vùng phải chịu chung cảnh ngộ. Nông dân Bạc Liêu đang mong chờ được “giải cứu” từ nguồn nước ngọt ở địa bàn lân cận là tỉnh Sóc Trăng. Trong khi đó, do thiếu nguồn nước ngọt từ sông Hậu đổ về Bạc Liêu qua trục Quản Lộ - Phụng Hiệp, cộng thêm nhiệt độ cao làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn sớm đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu. Ðã có hơn 5.500 héc-ta lúa của nông dân Bạc Liêu bị thiệt hại nặng nề, nhiều diện tích bị chết. Riêng mô hình nuôi tôm trên đất lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất có nguy cơ bị thiệt hại hơn 5.000 héc-ta, tập trung ở địa bàn thị xã Giá Rai và các xã phía tây của huyện Phước Long và Hồng Dân.

Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long cũng ảnh hưởng bởi hai đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào đầu tháng 12-2019 và đầu tháng 1-2020, độ mặn 5‰ bắt đầu xuất hiện, sớm hơn mọi năm. Ðỉnh mặn tại các điểm đo dọc sông Cổ Chiên và sông Hậu đều vượt đỉnh mặn lịch sử năm 2016 từ 0,4 đến 2‰. Giữa trưa nắng, bà Nguyễn Thị Năm đứng thẫn thờ ngoài cánh đồng lúa ở xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm. Vụ đông xuân năm nay, bà Năm xuống giống 5,5 công lúa đã được 60 ngày tuổi. Cây lúa đang giai đoạn làm đòng chờ vô nước trổ bông. Nhưng cống ngăn mặn đã đóng 10 ngày, đất ruộng còn ẩm nhưng chỉ cầm cự được khoảng một tuần nữa. Thiếu nước, cây lúa không thể làm đòng, trổ bông và chết cháy. Dù đã có kinh nghiệm ứng phó nhưng năm nay, hạn mặn đến sớm cả tháng nên bà Năm rất lo lắng.

“Ngoài sông mặn chát”, ông Phan Văn Tư ngụ xã cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm nói. Nhiều ngày qua, ông Tư chuẩn bị ao trữ nước ngọt để tưới cho 75 cây sầu riêng trong vườn. Tuy nhiên, theo lão nông này, việc dự trữ nước chỉ phục vụ được trong thời gian ngắn nếu độ mặn không giảm thì đành phải bất lực. Cù lao dài gồm hai xã Thanh Bình và Quới Thiện thuộc huyện Vũng Liêm được bao bọc bởi sông Vũng Liêm và sông Bang Tra. Tình trạng nhiễm mặn diễn ra nhiều ngày nay, dù bà con chủ động nhưng cũng chỉ có thể cầm cự trong thời gian ngắn. Xã cù lao Thanh Bình có 2.940 hộ dân với 10.205 nhân khẩu. Người dân chủ yếu trồng sầu riêng và bưởi da xanh, với diện tích canh tác khoảng 1.000 héc-ta. Bà con có kinh nghiệm ứng phó từ đợt hạn mặn vào năm 2016 là dự trữ nước sinh hoạt và tưới tiêu nhưng nếu thời gian kéo dài sẽ rất khó khăn.

3 Chủ động ứng phó, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang đã thông tin nhanh về diễn biến, dự báo tình hình hạn, mặn thông qua hệ thống tin nhắn SMS ít nhất hai lần/ngày gửi tới lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến xã để chỉ đạo ứng phó; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và có biện pháp phòng, chống… Nhiều địa phương đã ra công văn chỉ đạo toàn hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc thực hiện nhiều nhóm giải pháp cụ thể, cấp bách. Bên cạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp như đắp đập, gia cố đê bao, nạo vét lòng kênh, chủ động bơm trữ nước trong điều kiện độ mặn cho phép; tăng cường theo dõi, thường xuyên quan trắc độ mặn; khuyến cáo lịch thời vụ; hỗ trợ bồn chứa nước, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Các địa phương phân công người bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra thực tế, không để bị động, bất ngờ.