Có logo rồi, thì sao?

Sau nhiều năm ấp ủ, cuối cùng logo thương hiệu gạo Việt Nam cũng đã được công bố vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện “cần”. Để có thêm điều kiện “đủ” cho việc tạo dựng vị thế cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, chúng ta cần phải sớm xác định các dòng lúa gạo chiến lược mang tầm thương hiệu quốc gia.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giải cho họa sĩ thiết kế logo thương hiệu Gạo Việt Nam. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giải cho họa sĩ thiết kế logo thương hiệu Gạo Việt Nam. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Năm 2018 khép lại, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng 4,6% (số lượng xuất khẩu đạt 6,09 triệu tấn). Kết quả này có được một phần do Việt Nam thắng thầu 50.000 tấn gạo phẩm cấp cao với giá khoảng 700 USD/tấn tại Hàn Quốc. Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho thấy: "Năm 2012, gạo thơm chỉ chiếm 7,57% trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam và tỷ lệ được nâng dần lên từ 5 - 7%/năm; đến năm 2018 đạt gần 38% trong cơ cấu xuất khẩu gạo Việt Nam". Ðây là "đòn bẩy" chính để cải thiện giá xuất khẩu của gạo Việt trên thương trường.

Tuy nhiên, có ý kiến cảnh báo: Không nên chỉ tập trung vào giống gạo thơm, bởi những giống tốt như Nàng Thơm, Chợ Ðào hay Tám Thơm cũng có những nhược điểm là rất kén đất, khó để phát triển mạnh. Thêm nữa, đối với thị trường châu Âu, giống gạo thơm không được chấp nhận, nhưng gạo hạt dài cao cấp lại được nhập khẩu với giá rất cao: khoảng 700 - 800 USD/tấn. Ðể vào được kênh tiêu thụ này rất khó khăn. Ngay thương hiệu gạo Basmati nổi tiếng của Ấn Ðộ cũng là do một công ty phân phối của Anh nhập về phân phối lại trên toàn thế giới.

Theo GS, TS Bùi Chí Bửu, vẫn có thể đầu tư giống này để cạnh tranh, nhưng "đừng lấy đây là thế mạnh trong xuất khẩu, đó mới là sự lựa chọn khôn ngoan". Việt Nam cần một chiến lược đa dạng hơn với các giống gạo. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các giống lúa chủ lực: gạo thơm nhắm vào thị trường châu Á, gạo hạt dài phẩm cấp cao nhắm vào các siêu thị châu Âu...

Sau khi công bố logo gạo Việt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương đăng ký với tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế và chờ nhiều nước chấp thuận sự hiện diện của logo thương hiệu gạo Việt Nam. Nhiều người đang mong chờ và kỳ vọng vào sự phối hợp của các bộ, ngành và hiệp hội cùng nhau hoàn thiện quy chế, hướng đến xuất khẩu gạo chất lượng, nhất là thị trường chính ngạch để đưa gạo Việt Nam tiến thêm một bước trên thương trường.

Nhưng, chỉ như vậy là chưa đủ. Ði đôi với nhận diện thương hiệu sẽ luôn phải là bài toán bảo đảm cho thương hiệu ấy "sống khỏe" bằng chất lượng, bằng uy tín của hạt gạo. Muốn vậy, không thể không tập trung vào đổi mới trong tổ chức sản xuất lúa. Nói như ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp, "phải làm sao để người nông dân nhận thức được rõ ràng về yêu cầu thay đổi tư duy sản xuất". Doanh nghiệp và người nông dân đều cần phải tập trung vào việc lấy giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng làm mục tiêu; tạo ra nhiều dòng sản phẩm chế biến từ một loại nông sản nào đó; bán hàng thông qua thương mại điện tử, công nghệ số, bán "cái thị trường cần".

Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) bắt đầu có mô hình tích cực như đầu tư cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp đầu tư giống, cán bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hướng đi này giúp cho hạt gạo có mức giá ổn định và thương hiệu cũng rõ ràng hơn. Song, theo GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, "Cần phải gắn kết người nông dân với doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất". Thêm nữa, cần có chính sách thúc đẩy đầu tư vào cụm nông nghiệp kỹ thuật cao với đầy đủ thiết bị hiện đại. Doanh nhân điều khiển cụm công nghiệp phải được đào tạo một cách cơ bản, có thực tâm vì nông nghiệp và nông dân, uy tín quốc gia, có trách nhiệm xã hội.

Ðược biết, cùng thời điểm công bố logo gạo Việt, Tập đoàn Phoenix (Dubai) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời (Việt Nam) phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, giảm thiểu những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sâu bệnh, thiên tai... Dự án sẽ hỗ trợ 10.000 nông hộ nhỏ Việt Nam mở rộng canh tác lúa gạo bền vững với hơn 10.000 ha đất trồng lúa. Thông qua hợp tác, gạo Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tốt nhất để kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ, gia nhập nhanh hơn vào mạng lưới thương mại gạo quốc tế.

Ðến lúc này, hạt gạo Việt đã có các yếu tố "thiên thời, địa lợi" để tự tin ra với thế giới. Nếu có thêm "nhân hòa", sự bắt tay giữa nông dân, doanh nghiệp, sự vào cuộc của cơ quan quản lý, của các hiệp hội sẽ giúp cho nhận diện thương hiệu gạo của Việt Nam trở thành logo quen thuộc đối với nhà nhập khẩu, đối với sự lựa chọn của người dùng trên thế giới.

Xuất khẩu gạo Việt Nam hiện chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Đặc biệt đã có sự chuyển đổi về giá xuất khẩu và tỷ trọng gạo chất lượng cao một cách tích cực.