Cơ hội đổi thay cuộc sống

Bằng các chương trình hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn được giúp mở rộng phát triển kinh tế và thoát nghèo.

Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp phụ nữ thuận lợi hơn trong kinh doanh.
Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp phụ nữ thuận lợi hơn trong kinh doanh.

Mở rộng mô hình kinh doanh

Ðến thăm cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của Hợp tác xã Tân Thành (xã Nông Thượng, thành phố Bắc Cạn), trong khuôn viên rộng rãi, hệ thống máy móc được đầu tư bài bản, chúng tôi cảm nhận những tâm huyết của người nữ giám đốc HTX - chị Nguyễn Thị Hồng Minh. Với chị, việc khởi nghiệp của phụ nữ không bao giờ là muộn. Chị Hồng Minh chia sẻ: Từng ra bắc, vào nam tìm kiếm việc làm, thấy công việc không ổn định, chị trở về quê nuôi ý chí lập nghiệp lại từ đầu. Nhận thấy lợi thế của quê mình trong việc trồng và phát triển cây nghệ, cách đây ba năm, chị bắt tay thành lập Tổ hợp tác trồng và sản xuất tinh bột nghệ với bốn thành viên ban đầu. Ngay khi thành lập, tổ hợp tác của chị đã nhận được sự quan tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh. Chỉ sau một năm, chị mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) để mở rộng quy mô sản xuất.

Chỉ tính riêng năm ngoái, HTX Tân Thành thu mua khoảng 500 tấn nghệ, 200 tấn giềng và sản xuất được 10 tấn tinh bột nghệ, 30 tấn nghệ sấy lát, 30 tấn giềng sấy lát, qua đó tạo việc làm cho 16 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. HTX đã giúp hàng trăm người dân địa phương có nguồn thu nhập từ trồng nghệ, giềng. Doanh thu năm gần nhất, HTX đạt 5 tỷ đồng. Sản phẩm dần khẳng định uy tín trên thị trường. Năm nay HTX tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu diện tích 100 héc-ta trồng nghệ và giềng.

Ở Bắc Cạn, nhiều người biết đến HTX Thiên An (xã Vi Hương, huyện Bạch Thông) với sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế của nữ giám đốc HTX Lý Thị Quyên. Khi thấy cây chuối là cây trồng phổ biến của địa phương, phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất, chất lượng cao, chị Quyên đã thử nghiệm dây chuyền sản xuất chuối sấy khô. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng sản phẩm chuối khô của chị cũng đạt yêu cầu về mầu sắc, độ đậm, ngọt. Khi sản xuất được thành phẩm, chị đứng ra thành lập HTX và phụ trách khâu quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ. Nay HTX của chị đã có chỗ đứng trên thị trường với đa dạng sản phẩm, ngoài chuối sấy, còn có măng sấy, khoai tây, khoai lang, trà búp, trà hoa vàng…

Chị Lý Thị Quyên cho biết thêm: Tuy mới chính thức đi vào hoạt động chưa lâu nhưng sản phẩm của HTX nay đã có đầy đủ các điều kiện về mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và được phân phối chủ yếu tại thị trường bán lẻ trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như Nam Ðịnh, Hà Nội, Quảng Ninh… Tin vui nữa, vừa qua sản phẩm của HTX Thiên An được lựa chọn là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) và gắn sản phẩm ba sao.

Tăng giá trị, nâng cao thu nhập

Làm kinh tế không hề dễ dàng, nhất là với nhiều phụ nữ có xuất thân là những người nông dân không có kỹ năng kinh doanh. Chưa kể, không ít HTX lập nên mà ban quản lý và ban giám đốc không đề ra được các chiến lược rõ ràng và bản thân họ cũng thiếu những kỹ năng quản trị và tiếp thị. Nhiều HTX chỉ hoàn toàn "bán những gì họ có". Chỉ đến khi có các cấp hội, hay tổ chức phi chính phủ vào cuộc họ mới bứt phá.

Chẳng hạn như câu chuyện của HTX Hợp Thành (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới). Nơi đây, chuối được coi là cây trồng thiết yếu trong việc xóa đói, giảm nghèo. Ngày trước, có những lúc mỗi gia đình từng kiếm được 50 triệu đồng/năm từ buôn bán loại quả này. Tuy nhiên, bốn năm trở lại đây, người nông dân gặp nhiều trở ngại khi giá chuối giảm nhanh chóng. Trong tình hình đó, nhóm thực hiện dự án WEAVE đã gặp gỡ chính quyền địa phương và các thành viên trong HTX để thảo luận tìm ra giải pháp. Ý tưởng được nêu lên là tận dụng tối đa lợi thế có nguồn cung cấp chuối dồi dào của địa phương và sự sáng tạo của các thành viên trong việc đa dạng hóa sản phẩm. Sau nhiều tháng thảo luận và cân nhắc, kế hoạch sản xuất ban đầu đã được thực hiện và phương hướng phát triển cũng rõ ràng hơn.

Theo Hội LHPN tỉnh Bắc Cạn, đến nay, các cấp Hội đang quản lý 10 HTX và 23 tổ hợp tác do phụ nữ thành lập, với hơn 280 thành viên, trong đó có 225 thành viên nữ. Việc phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế tập thể tại địa phương cũng đã phần nào khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia phát triển kinh tế, sáng tạo, khởi nghiệp, biết vận dụng, khai thác nguồn lực, thế mạnh của địa phương để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

Song, bà Hà Thị Liễu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Cạn, đặc biệt việc thông tin: Là tỉnh miền núi, Bắc Cạn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ người dân không biết chữ còn cao…, đặc biệt với phụ nữ không có cơ hội được giao lưu, học tập, đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, tư duy làm kinh tế. Vì vậy, để thay đổi được nhận thức của các chị em, cần phải có những mô hình kinh tế cụ thể. "Do hạn chế của chị em là không biết chữ, cho nên ngay từ khi triển khai kế hoạch, cán bộ phụ nữ đã xác định phải trực tiếp cầm tay chỉ việc, chứ không thể mời chị em đến cuộc họp rồi tuyên truyền bằng lời. Cán bộ Hội đã đến từng nhà, gặp từng hội viên để tuyên truyền, hướng dẫn cách nuôi, trồng, giúp họ làm kinh tế, có cơ hội đổi thay cuộc sống", bà Hà Thị Liễu chia sẻ.

Khi tham gia các dự án, bà con và chính quyền địa phương cũng được nâng cao hiểu biết về giới, từ đó thay đổi sự nhìn nhận của mình về vai trò và đóng góp của phụ nữ - lực lượng lao động chủ yếu trong khâu trồng và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, từng bước nâng cao tiếng nói của họ trong gia đình.