Chủ động ứng phó suy thoái nguồn nước

Không chỉ có đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đang phải quay quắt ứng phó trước những cơn đại hạn, xâm nhập mặn, mà tình trạng hạn hán đang diễn ra ở khu vực bắc Tây Nguyên cũng căng thẳng không kém. Trong khi, theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn (KTTV), tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020 có nguy cơ cao xảy ra ở các khu vực ÐBSCL, Trung Bộ. Thực tế này đang đòi hỏi cấp thiết có những giải pháp ứng phó kịp thời trước mắt và lâu dài.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn được dự báo sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những tháng tới.Trong ảnh: Người dân trồng hành tím xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đối mặt với nguy cơ phải dừng sản xuất do hạn hán. Ảnh: NGUYỄN THÀNH (TTXVN)
Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn được dự báo sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những tháng tới.Trong ảnh: Người dân trồng hành tím xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đối mặt với nguy cơ phải dừng sản xuất do hạn hán. Ảnh: NGUYỄN THÀNH (TTXVN)

Thiếu hụt nghiêm trọng

Trong những tháng tới, các chuyên gia KTTV dự báo, tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra tại một số địa phương. Ðặc biệt, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể, Tổng cục KTTV dự báo, trong những tháng nửa đầu năm 2020, hai hiện tượng El Nino và La Nina (ENSO) tiếp tục ở trạng thái trung tính, nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020. Tại khu vực Bắc Bộ, từ tháng 3 đến 8-2020, nguồn nước trên các sông suối tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20 đến 50%, đặc biệt trên lưu vực sông Ðà, sông Thao, hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng.

Chỉ riêng tại vùng bắc Tây Nguyên, theo lãnh đạo Ðài KTTV tỉnh Kon Tum, gần ba tháng liên tục trôi qua trên địa bàn tỉnh này không có mưa. Lượng nước trên các sông suối trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt từ 40-70% so với TBNN. Dự báo từ cuối tháng ba đến đầu tháng tư khu vực này mới có mưa trái mùa, tuy nhiên lượng mưa không nhiều nên cũng không giải quyết được hạn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn hán là do lượng mưa năm 2019 thiếu hụt so với lượng mưa hằng năm, chỉ đạt khoảng 70 - 80%. Ðể chống hạn, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã chủ động chỉ đạo từ khá sớm, tìm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mặc dù vậy, thiệt hại do hạn hán gây ra sẽ không thể tránh được.

Trước các biến động về tài nguyên nước và hệ lụy do khan hiếm, thiếu nước, suy thoái nguồn nước trong những năm gần đây, một số giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với thực trạng này đã được Chính phủ ban hành, như Thông báo số 16/TB-VPCP ngày 14-1-2020 và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22-1-2020, các cơ quan chức năng đã vào cuộc triển khai thực hiện trên các mặt. Với các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực đô thị lớn, tập trung dân cư đã tiến hành các nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước, lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước và bảo vệ các nguồn nước dưới đất. Ở các khu vực núi cao, khan hiếm, các khu vực xâm nhập mặn, khó khăn về nguồn nước ngọt đã được tiến hành rà soát, đánh giá mức độ, nhu cầu và khả năng tìm kiếm nguồn nước để đáp ứng.

Chủ động ứng phó suy thoái nguồn nước ảnh 1

Ðiều tiết nước cho phù hợp để bảo đảm đủ nước cấp cho từ 5 đến 7 tháng còn lại của mùa cạn ở đập thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Ðức Nghĩa

Tập trung nguồn lực để thích ứng

Theo các chuyên gia, việc cơ quan chức năng sớm hoàn thành lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông trong thời gian sớm nhất sắp tới và thành lập các tổ chức lưu vực sông nhằm triển khai có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động về tài nguyên nước có tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên địa phương trên các lưu vực sông lớn, sẽ là các cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Hiện nay, Bộ TN&MT triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước ÐBSCL để tích hợp vào quy hoạch tổng thể ÐBSCL. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay và trình phê duyệt vào đầu
năm 2021.

Theo quan điểm của ông Triệu Ðức Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Ðiều tra quốc gia (Bộ TN&MT), để giải bài toán thiếu hụt nguồn nước, điều quan trọng là quản lý, trữ và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Ông Triệu Ðức Huy cho rằng, phải quy hoạch phát triển trên cơ sở tinh thần NQ120/NQ-CP về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy thuận thiên là chính và nước là yếu tố cốt lõi. Từ đó mới xác định được cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, hiệu quả kinh tế của các đối tượng sử dụng nước. Tài nguyên nước ngầm cần được coi là nguồn dự trữ chiến lược để bảo đảm an ninh cho cấp nước sinh hoạt, phải quản lý chặt chẽ nguồn nước này tuyệt đối không dùng cho tưới và nuôi trồng thủy sản và công nghiệp, cũng như phải điều chỉnh giảm lưu lượng, mật độ khai thác nước ngầm ở các khu đô thị. Nguồn nước mặt cần được phân chia ra các khu, vùng nhỏ và có giải pháp trữ nước phù hợp với điều kiện tự nhiên để phát triển các ngành kinh tế cần sử dụng nước.

Mặt khác, giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước hạ du sông Mê Công, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các nước trong khu vực sông Mê Công, đặc biệt là Hiệp định Mê Công năm 1995. Bốn nước (Lào, Việt Nam, Thái-lan, Cam-pu-chia) đã hợp tác cùng nhau khai thác, chia sẻ nguồn nước sông Mê Công. Song thời gian tới, cơ quan chức năng cần sớm rà soát, nghiên cứu, xem xét đề xuất các cấp cao hơn trong việc tham gia Công ước về bảo vệ, sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới (Công ước Helsinki 1992) và các hồ quốc tế của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc để chung tiếng nói, thúc đẩy việc quản lý chung và bảo tồn các hệ sinh thái của nguồn nước ngọt xuyên biên giới.

Ở các địa phương thường xảy ra hạn hán, phải tập trung xử lý bằng tất cả các nguồn lực của địa phương theo cơ chế khẩn cấp, vì điều đó đã được quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai. Các cấp chính quyền và người dân vùng hạn hán phải cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thường xuyên. Hiện nay hệ thống dự báo KTTV quốc gia có ba cấp: Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, Ðài KTTV khu vực, Ðài KTTV tỉnh. Các bản tin về hạn hán, xâm nhập mặn được Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cập nhật 5 ngày/lần, trong đó thông tin chi tiết cho 5 ngày, 10 ngày và tháng tiếp theo.

Về lâu dài, để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt nông thôn, cần khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng. Cần có sự hỗ trợ thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch.

Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Chính quyền các cấp nơi chịu ảnh hưởng của thiên tai phải tăng cường kiến thức cho cán bộ quản lý và người dân về thiên tai, hạn hán và các giải pháp ứng phó.

* Theo Bộ TN&MT, hiện nay ở nước ta có 108 lưu vực sông (LVS), với khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 ki-lô-mét trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3, trong đó có hơn 60% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 tỷ m3 đến 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam.

* Cảnh báo mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cho thấy, nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước nghiêm trọng, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn tại nước ta, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa.

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Phương Thảo, Hoàng Nghĩa Nam.