Chủ động trong điều hành thị trường

Nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán (TTCK), Luật Chứng khoán (sửa đổi) trao nhiều quyền hạn, nhiệm vụ hơn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Bà Vũ Thị Chân Phương (trong ảnh), Phó Chủ tịch UBCKNN trả lời phỏng vấn Nhân Dân cuối tuần về những bước đi tiếp theo để luật sớm đi vào đời sống.

Chủ động trong điều hành thị trường

- Một trong những điểm mới của Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được thông qua có liên quan đến quy định thẩm quyền của UBCKNN? Xin bà nói rõ hơn về những quyền hạn, nhiệm vụ mới của cơ quan chịu trách nhiệm bảo đảm sự phát triển ổn định, an toàn và bền vững của TTCK?

- Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho UBCKNN trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).

Với các quy định tại Luật Chứng khoán (sửa đổi), UBCKNN đã có đầy đủ các thẩm quyền về: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, dự án, chính sách phát triển TTCK để trình cấp có thẩm quyền ban hành; ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; cấp, thu hồi giấy phép liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán theo quy định của pháp luật; Thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện đối với hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK), Tổng công ty lưu ký và công ty con; giám sát hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán; Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK; trường hợp có biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của TTCK, UBCKNN báo cáo trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường và các giải pháp để ổn định thị trường và an toàn, an ninh tài chính; trong quá trình thanh tra, kiểm tra, UBCKNN có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, DN viễn thông cung cấp thông tin có liên quan để xác minh, xử lý các hành vi vi phạm...

Với các quy định tại Luật, UBCKNN đã có đầy đủ thẩm quyền để quản lý, giám sát toàn diện hoạt động về chứng khoán và TTCK; bảo đảm tính độc lập của UBCKNN trong hoạt động quản lý, điều hành, xử lý các vấn đề của thị trường; phù hợp thông lệ quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các UBCK cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

- Thưa bà, Luật Chứng khoán đã có những sửa đổi, bổ sung như thế nào để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của thị trường, bảo vệ nhà đầu tư?

- Phải khẳng định rằng, Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để giám sát hiệu quả hơn, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời hơn các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK, góp phần cho TTCK phát triển lành mạnh, an toàn. Cụ thể, Luật đã bổ sung một số thẩm quyền của UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như: Thứ nhất, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra. Thứ hai, yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị nghiêm cấm. Thứ ba, yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý hành vi bị nghiêm cấm.

Luật cũng sửa đổi quy định về mức phạt tiền tối đa, cụ thể là đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tiền tối đa là mười lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và năm lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là ba tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.

Ngoài ra, Luật đã bổ sung các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK; chuẩn hóa điều kiện chào bán chứng khoán, sửa đổi điều kiện để trở thành công ty đại chúng, quản trị công ty, công bố thông tin, đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm giám sát GDCK của Sở GDCK Việt Nam và công ty chứng khoán... Những sửa đổi, bổ sung này đã tạo cơ sở pháp lý hiệu quả trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

​- Để Luật Chứng khoán đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để hoàn thiện sự đồng bộ và phát huy tính hiệu quả của luật?

- Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được Quốc hội ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Các văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản. Do vậy, để bảo đảm Luật được triển khai đồng bộ, hiệu quả, ngay trong năm 2020, UBCKNN sẽ tham mưu trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ ban hành bốn Nghị định và trình bộ ban hành theo thẩm quyền hơn 10 thông tư quy định chi tiết. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về các nội dung mới của Luật, tạo thuận lợi cho việc triển khai Luật, UBCKNN sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật sâu rộng bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.

- Xin cảm ơn bà!