Chống ngập và trách nhiệm của chính quyền

Triều cường dâng cao ở mức kỷ lục những ngày đầu tháng 10 đã khiến 10-15% diện tích TP Hồ Chí Minh bị ngập. Tuy nhiên, các tính toán chỉ ra, trong khoảng thời gian 7-10 năm tới, con số này sẽ còn tăng đến mức 25-35%. Ðể ngăn chặn hiệu quả đòi hỏi chính quyền thành phố phải hành động quyết liệt và có kế hoạch dài hạn hơn nữa.

Một công nhân thoát nước dầm mình dưới dòng nước đen ngòm để sửa ống hút nước trên kênh Lò Gốm (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ngọc Dương
Một công nhân thoát nước dầm mình dưới dòng nước đen ngòm để sửa ống hút nước trên kênh Lò Gốm (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ngọc Dương

“Cứu ngập” khẩn cấp

Chiều muộn ngày 30-9, anh Ngô Minh Huyên, sống trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 (TP Hồ Chí Minh), cùng người thân bất lực nhìn luồng nước tràn vào nhà. Nhà anh Huyên cùng hàng trăm hộ dân trên trục đường này phải đối mặt đợt triều cường, được nhận định là cao chưa từng có suốt mười năm qua.

Theo Công ty Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, trong đỉnh triều tối 30-9, toàn thành phố (TP) có 13 điểm ngập. Ðường Nguyễn Văn Hưởng ở quận 2 là nơi ngập sâu nhất. Ðộ sâu các điểm ngập nằm trong khoảng từ 0,1 m đến 0,35 m. Ðại diện công ty cho biết: Ðã huy động hơn 20 máy bơm công suất 250 m3 trên khắp TP để “giải ngập”. Ðồng thời, hơn 150 công nhân thường xuyên túc trực tại các điểm ngập để tuần tra, giám sát vận hành trạm bơm, van ngăn triều, lập hàng rào cảnh báo khu vực sạt lở.

Lý giải về nguyên nhân triều cường liên tục dâng cao, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho rằng, mặc dù chưa phải thời điểm đạt đỉnh, nhưng đợt thủy triều thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh lên mức cao là do sự tác động từ gió chướng (gió có yếu tố hướng đông như gió đông - đông bắc...). Cụ thể, gió từ hướng đông thổi về tuy không to, nhưng kéo dài khoảng 4-5 ngày trước đợt thủy triều, mang theo đà sóng của biển khiến nước bị dồn vào cảng cửa sông, đẩy thủy triều dâng mạnh. Ðáng nói, thủy triều tại TP Hồ Chí Minh đang có xu hướng ngày càng lên cao, khiến tình trạng ngập lụt được dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp.

Ngoài tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia còn chỉ ra nguyên nhân từ sự sụt lún nghiêm trọng của TP, bởi tình trạng khai thác nước ngầm, cũng như quá trình bê-tông hóa lan rộng khiến nước mưa, nước kênh rạch không thể thấm xuống đất. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - ông Võ Văn Hoan đã đưa ra cảnh báo, tình trạng lún nền đất ở TP trung bình 40 mm/năm, có nơi nặng nhất 67 mm/năm. TP hiện nay nhà cao tầng mọc lên dày đặc, nhưng hệ thống thoát nước mặt yếu kém, cản trở thoát nước mặt từ phía trong đi ra.

Không khó để nhận diện nguyên nhân và trách nhiệm gây ra sự ngập lụt ngày một tăng này, nhưng lúc này cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền ở đâu trong giai đoạn tới? Làm sao để quản lý đô thị không lặp lại những bất cập khiến đời sống cư dân phải trả giá như thế này!?

“Giải ngập” lâu dài

Tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2016, dự án chống ngập do triều cường khu vực TP có xét tới yếu tố tác động của biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 do Tập đoàn Trung Nam đã được triển khai. Dự án có vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng, bao gồm xây dựng sáu cống kiểm soát triều (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Ðịnh) và khoảng 8 ki-lô-mét đê bao, chống ngập cho khoảng 6,5 triệu người. Song vì nhiều lý do dự án này bị trễ hẹn. Trong cuộc họp tháng 7-2019, phía các cơ quan chức năng cho biết, khoảng tháng 6-2020 dự án này mới hoàn thành.

Còn theo kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế tư vấn xây dựng D&C, để giải quyết ngập do triều cường, các cống ngăn triều là phương án hữu hiệu nhất hiện nay. Bằng chứng là sau khi thành phố đặt ba cửa cống có tác dụng điều tiết, ngăn triều tại khu vực quận Bình Thạnh, toàn bộ khu vực bên trong, bao gồm đoạn ngã ba Nơ Trang Long, khu Cầu Ðỏ hoàn toàn thoát ngập, dù trước đó kể cả mùa khô nước vẫn dâng tới cả nửa mét do triều.

Do đó, nếu hệ thống cống ngăn triều của Trung Nam hoàn thành và vận hành tốt, có thể đạt tới 70% hiệu quả ngăn triều tại các khu vực được tác động. Tuy nhiên theo ông Công, hệ thống trữ, dẫn và tiêu thoát nước tại TP quá kém, nên nếu chỉ dựa vào hệ thống cống trên, hiệu quả giảm ngập gần như bằng 0.
Các vùng trũng, như kênh Nhiêu Lộc, quận 11, khu An Phú, quận 2… vẫn sẽ ngập như thường! “Ðê bao, cống ngăn triều là những giải pháp mang tính dài hạn cần thiết. Tuy nhiên, TP đang bỏ bẵng hoàn toàn các giải pháp trung hạn khoảng 2-3 năm đó ngăn triều bên trong cửa sông. Cần có các công trình điều tiết, trữ nước, thoát nước chống ngập cục bộ cho từng vùng ngập. Muốn giải quyết ngập không thể tách triều riêng, nước mặt riêng”, ông Công nhấn mạnh.

Ði cùng các giải pháp tình thế, như bơm, tát nước, nhiều ý kiến đề xuất: TP phải có kế hoạch khơi lại các dòng chảy đã bị lấp, làm ngay hệ thống xương sống sông ngòi. Ðơn cử, cần sớm nạo vét thật sâu tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Tẻ, kênh Ðôi, sông Chợ Ðệm - Bến Lức, xây kè bảo vệ bờ, vừa trả lại các vùng trũng trữ nước cho TP, vừa tạo điều kiện phát triển giao thông thủy.

Nhiều chuyên gia đề xuất, ngay từ bây giờ, cùng với nạo vét mương rãnh, cần tạo thêm hồ, khu vực chứa nước quy mô lớn và các đê ngăn triều cục bộ. Ðồng thời không nên cấp phép xây dựng chung cư, nhà cao tầng ở những khu vực có nền đất yếu và bùn nhiều (như khu vực quận 7, quận 2…).

Chống ngập đô thị hiệu quả, vấn đề quy hoạch tổng thể và đồng bộ, lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải được xem xét đặt lên hàng đầu, bởi hiện nay các giải pháp riêng lẻ chưa mang lại hiệu quả.