Chọn canh tác thông minh

Hạt gạo Việt Nam liên tục có mặt trên thị trường thế giới trong 30 năm qua. Trong đó, nông dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là những người góp công lớn tạo nên kỳ tích này. Tuy nhiên, bối cảnh mới đang đặt ra thử thách - làm sao giảm diện tích lúa đồng thời nâng chất cho hạt gạo Việt Nam?
Mô hình trồng lúa thông minh của nông dân huyện Vị Thủy - Hậu Giang đang triển khai cho thấy nhiều hiệu quả bước đầu.
Mô hình trồng lúa thông minh của nông dân huyện Vị Thủy - Hậu Giang đang triển khai cho thấy nhiều hiệu quả bước đầu.

“Trồng lúa bón phân một lần”

Tổng sản lượng xuất khẩu gạo trên toàn thế giới hiện nay dao động mức 35-45 triệu tấn/năm. Trong đó, số lượng gạo xuất khẩu của Thái-lan và Việt Nam có những năm chiếm 50% thị trường gạo của toàn cầu. Đây là con số áp đảo trong cuộc chiến giành thị phần lúa gạo. Song, theo TS Dương Văn Ni (Trường đại học Cần Thơ) cho biết: “Giờ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu. Năm nào có nhiều nước ngọt đổ về thì nông dân các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang phải thức trắng đêm tuần tra vì sợ bể đê bao. Còn có năm thì mùa mưa dứt sớm, nước ngọt về ít, nông dân các tỉnh duyên hải như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang lại nơm nớp lo mất mùa vì mặn xâm nhập”. Những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng gây áp lực nặng nề lên vựa lúa ĐBSCL. Điều đó cho thấy trong “cái khó ló cái khôn”, nông dân, chính quyền và doanh nghiệp đang có những lựa chọn khéo léo để tạo sự phát triển bền vững cho cây lúa.

Cụ thể vụ lúa hè-thu 2019, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã áp dụng canh tác theo mô hình trồng lúa thông minh. Theo đó Trung tâm đã sử dụng máy cấy kết hợp vùi phân thông minh với diện tích 59 ha, lượng lúa giống sử dụng là 6 kg/công. Hiện tại, lúa trong mô hình canh tác thông minh được từ 40 đến 70 ngày tuổi và theo quan sát: Lúa phát triển tốt, cây lớn đồng đều, những diện tích gieo sạ hơn 40 ngày tuổi thì thấy tốc độ đẻ nhánh cao. Ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang cho biết: “Mô hình canh tác lúa thông minh tại đơn vị đang triển khai cho thấy nhiều hiệu quả bước đầu. Nhất là việc bón phân vùi cho cả vụ lúa đã phát huy nhiều tác dụng so với bón phân theo truyền thống. Ngoài ra, bón phân trên mặt đất dễ thất thoát do tác động môi trường và phát sinh dịch bệnh”. Đơn cử như tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang) cũng triển khai mô hình “Canh tác lúa thông minh”. Mô hình được thực hiện tại xã Vị Thắng, trên diện tích 12 ha của 10 hộ dân. Hiện lúa hơn 60 ngày tuổi và đang phát triển rất tốt. Ông Phạm Minh Quang, ở xã Vị Thắng có 2 ha lúa tham gia mô hình Canh tác lúa thông minh nhận định: “Trồng lúa theo mô hình này thấy khỏe hơn trồng lúa truyền thống lâu nay. Trước nhất là giảm công lao động. Khi áp dụng mô hình này, nông dân sử dụng máy cấy lúa kết hợp với bón phân thông minh theo hình thức bón vùi trong đất. Đây là loại phân bón một lần cho cả vụ, còn bình thường là bón phân từ 3-4 lần/vụ lúa. Mặt khác, do phân bón thông minh tan chảy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa nên lúa không bị thừa đạm, kéo theo là tình hình sâu bệnh ít”.

Tăng lợi nhuận cho nông dân

Thực tế là vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp đã đi quá xa khi phát triển hệ thống đê bao khép kín tràn lan, nông dân có ruộng bên trong các đê bao này nếu muốn chuyển sang trồng cây con khác thì cũng không dễ dàng. Việc xây dựng đê bao, tăng diện tích lúa vụ 3 là không cần thiết vì làm đất bạc màu, tạo thêm áp lực tìm đầu ra. TS Dương Văn Ni (Trường đại học Cần Thơ) nhìn nhận: “Việc bắt đầu xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, tập trung vào chất lượng hơn số lượng, không tăng thêm diện tích lúa vụ 3, khuyến khích chuyển đổi nông nghiệp theo hướng có hiệu quả kinh tế cao... để không còn cảnh cố sản xuất lúa bằng mọi giá”! Mới đây trong một Hội nghị ở ĐBSCL, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện Ban Bí thư đang giao cho Ban Kinh tế Trung ương tổng rà soát, tổng kết chương trình an ninh lương thực gắn với tình hình chung. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động giảm 500.000 ha trong tổng số hơn 4 triệu ha sản xuất lúa.

Thực tế, các địa phương ở ĐBSCL triển khai các mô hình sản xuất, canh tác lúa thông minh là một xu hướng bền vững. Các mô hình sản xuất này mang lại hiệu quả thiết thực, được kiểm chứng từ nông dân trồng lúa tại Đồng Tháp và Trà Vinh trong gần ba năm qua: Giảm được 40% lượng phân đạm, giảm 75% công bón phân, giảm 40% phát thải khí nhà kính khi kết hợp với canh tác ngập xen kẽ. Mô hình canh tác lúa thông minh giảm được hơn 30% lượng nước tưới; giảm công, giảm giống, giảm sâu bệnh hơn 50%; giảm lượng phân bón, tăng lợi nhuận gần 20% so canh tác lúa thông thường...

“Câu chuyện lúa gạo sẽ còn dài hơi. Điều lâu nay chúng ta luôn trăn trở là giá trị lợi nhuận của nông dân còn “mỏng” - thấp nhất trong các ngành hàng” - ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định. Cũng trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Xuân Cường thì, việc nông dân Đồng Tháp trồng lúa hữu cơ, canh tác theo mô hình trồng lúa thông minh là một nỗ lực đáng biểu dương, hợp với xu hướng tất yếu của thời đại hội nhập nông nghiệp 4.0. Bởi hiện ĐBSCL có gần 1,7 triệu ha đất trồng lúa - trong đó có khoảng 300 - 400 nghìn héc-ta đất trồng lúa chịu ảnh hưởng của hạn - mặn trong mùa khô.

Kết quả đến nay nông dân ở Đồng Tháp, Trà Vinh và Hậu Giang… đã triển khai trồng hàng nghìn héc-ta theo mô hình canh tác lúa thông minh. Hiệu quả là tiết kiệm được lượng nước, phân bón, lúa giống và giám sát chặt chẽ được độ mặn trong mùa khô, tạo ra được lúa hàng hóa chất lượng cao. Đây là những nền tảng căn cơ để gia tăng lợi nhuận cho người nông dân, đồng thời chủ động thích ứng với BĐKH tại vựa lúa ĐBSCL.