Chính danh và minh bạch

Cho đến thời điểm này, những quy định cụ thể để doanh nghiệp xã hội thật sự chính danh sẽ phải mất thêm thời gian nữa mới có thể đi vào thực tế. Sự chậm trễ này không làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư, bởi họ sẵn sàng kinh doanh phụng sự xã hội mà không chờ đợi luật.

SFORA - trường đầu tiên điều trị âm nhạc cho trẻ tự kỷ.
SFORA - trường đầu tiên điều trị âm nhạc cho trẻ tự kỷ.

Chẳng đợi luật để làm vì xã hội

Cho tới thời điểm này, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 đã được hoàn tất, đang chờ Chính phủ phê duyệt. So với thời điểm Luật có hiệu lực (vào ngày 1-7-2015), thì bản Nghị định này cho dù có được ban hành sớm trong tháng này như kỳ vọng của Ban soạn thảo, vẫn là quá chậm.

Song điều này không nằm ngoài dự kiến. Để lần đầu tiên có được sự xuất hiện của mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) trong Luật Doanh nghiệp 2014 vốn đã đầy khó khăn, nên cũng có thể hiểu được những khó khăn trong ban hành các văn bản hướng dẫn. Nhiều người dự đoán mọi quy định liên quan đến doanh nghiệp xã hội chỉ có thể được thực hiện vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động hiện hữu của các DNXH. Bởi, phải nhắc tới câu nói của ông Nguyễn Đình Nguyên, nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tohe, một DNXH khi chiếu theo các quy định của Luật Doanh nghiệp về mô hình doanh nghiệp này, đó là dù thế nào thì Tohe vẫn theo đuổi mục tiêu đã định- vì cuộc sống bình thường của các trẻ em thiệt thòi.

Thế nhưng, ông Nguyên cũng khẳng định, sự có mặt của các văn bản pháp lý về hoạt động sẽ giúp giải tỏa được nỗi phân vân trước đó về sự không rõ ràng của mô hình này trong con mắt của các cơ quan quản lý nhà nước. “Chúng tôi làm những công việc hiện tại vì thật sự muốn làm. Nhưng cũng có những “doanh nhân xã hội” chủ yếu lợi dụng danh nghĩa đó để mưu lợi cá nhân, kinh doanh không đàng hoàng. Họ chẳng những không tạo ra tác động tích cực cho xã hội mà còn làm mất niềm tin và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của những doanh nhân xã hội khác”, ông Nguyên thẳng thắn. Thực trạng này sẽ được kiểm soát khi dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp được thông qua và đi vào thực hiện.

Thúc đẩy sự khác biệt của mô hình

Mô hình DNXH được kỳ vọng nhiều vào sứ mạng phụng sự xã hội, thế nhưng, làm sao để tạo dựng thiết chế cho các doanh nghiệp phát triển đúng quỹ đạo là điều cần thiết, bởi trong thực tế đã có không ít những biến tướng khiến cho niềm tin vào sự tiến bộ của mô hình này bị suy giảm. Vì thế, dự thảo Nghị định đặt ra yêu cầu, DNXH phải công khai hóa cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động. Việc thay đổi các nội dung cam kết cũng phải được thông báo rõ ràng.

Ngay chính nội dung cam kết cũng được đề xuất cụ thể. Đó là phương thức thực hiện các cam kết về xã hội, môi trường; thời gia thực hiện, mức tỷ lệ phần trăm lợi nhuận giữ lại được tái đầu tư để giải quyết các vấn đề xã hội. Đặc biệt, nguyên tắc và phương thức sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ từ tổ chức và cá nhân hay nguyên tắc và phương thức xử lý các khoản viện trợ, tài trợ còn dư khi doanh nghiệp giải thể hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp thông thường, nếu có cũng phải được các doanh nghiệp công khai khi chọn mô hình này.

Dĩ nhiên, DNXH có trách nhiệm phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về việc chấm dứt cam kết này. Khi đó, dự thảo quy định, toàn bộ số dư tài sản hoặc tài chính còn lại của các khoản viện trợ, tài trợ đã được nhận phải chuyển lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ hoặc chuyển cho các DNXH khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự. Trong trường hợp này, DNXH chỉ được chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường, nếu vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã thanh lý số dư của khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp đã nhận.

Không những thế, bên cạnh các quy định công khai cam kết, dự thảo Nghị định cũng đưa ra yêu cầu công khai hoạt động của các DNXH. Nghĩa là trường hợp doanh nghiệp có nhận ưu đãi, viện trợ, hỗ trợ, thì phải định kỳ hằng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND tỉnh nơi DNXH có địa chỉ trụ sở chính để báo cáo đánh giá tác động xã hội đối với các hoạt động doanh nghiệp đã thực hiện chậm nhất 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Đặc biệt, Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân được quyền yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND tỉnh nơi DNXH có địa chỉ trụ sở chính cung cấp các thông tin, bản sao báo cáo đánh giá tác động xã hội và văn bản tiếp nhận viện trợ, tài trợ được lưu giữ tại cơ quan đó. Về phía các cơ quan này thì có quy định rõ ràng về nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Cùng với đó, cơ chế giám sát cũng đã được thiết lập, theo đó UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát đối với DNXH có trụ sở chính đặt tại tỉnh, thành phố. “Đây chính là cách để thừa nhận về mặt pháp lý sự tồn tại của mô hình này và cũng là để khuyến khích các giá trị khác biệt với các doanh nghiệp bình thường mà các DNXH đang theo đuổi”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định.