“Chiếc chìa khóa” và bài toán chuyển đổi

Mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình được triển khai ở một số địa phương đang thu hút nhiều bệnh nhân tới khám và điều trị, mở ra cách làm khả thi.

Người dân xã Cẩm Thành tin tưởng đến khám tại trạm y tế xã.Ảnh: Thanh Loan
Người dân xã Cẩm Thành tin tưởng đến khám tại trạm y tế xã.Ảnh: Thanh Loan

Từ một thử nghiệm hiệu quả
 
 Chia sẻ về cảm nhận khi tới khám và chữa bệnh tại Trạm y tế xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) - mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành cho biết, bà bị bệnh tiểu đường mười năm nay, mỗi lần lên bệnh viện tuyến huyện khám khá xa xôi, vất vả. Nay biết Trạm y tế xã Cẩm Thành điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường nên bà đã xin chuyển về điều trị tại trạm. “Lần đầu đến trạm y tế xã, tôi cảm nhận y, bác sĩ nơi đây thân thiện, nhiệt tình, chu đáo, cơ sở vật chất lại khá tốt. Khám chữa ở đây vừa gần nhà, vừa được thăm khám cẩn thận, tư vấn kỹ càng, cấp thuốc đầy đủ không khác gì ở tuyến trên nên rất yên tâm”, bà Hòa hồ hởi.
 
 Bác sĩ Trương Thị Diệu Thúy, cán bộ Trạm Y tế xã Cẩm Thành cho biết, hoạt động mũi nhọn của trạm khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là tiến hành điều trị một số bệnh mạn tính cho người dân. Để làm tốt điều này, cán bộ của trạm phối hợp với y tế thôn trực tiếp xuống tận nhà dân tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện đo huyết áp cho người dân. Một số người bận đi làm thì cán bộ y tế hẹn đến khám vào ban đêm, hoặc khám vào ngày nghỉ. Hằng tháng, nếu bệnh nhân quên lịch khám thì cán bộ trạm chủ động điện thoại nhắc lịch đi khám bệnh định kỳ.
 
 Theo bác sĩ Diệu Thúy, khi chưa thực hiện mô hình này, mỗi tháng chỉ có khoảng năm bệnh nhân tăng huyết áp đến khám, lấy thuốc và thuốc tăng huyết áp của BHYT chỉ có một loại, chỉ phát cho bệnh nhân uống trong 5-10 ngày là hết. Những bệnh nhân đái tháo đường phải lên bệnh viện tuyến trên để khám, lấy thuốc điều trị vì tại trạm chưa có thuốc BHYT. “Sau khi thực hiện mô hình, thuốc điều trị đái tháo đường và tăng huyết áp được cấp hằng tháng, đầy đủ và theo phác đồ của bệnh viện đa khoa huyện, cho nên việc giám sát, theo dõi bệnh nhân được thực hiện thường xuyên hơn”, bác sĩ Diệu Thúy cho biết thêm.
 
 Trạm Y tế xã Cẩm Thành nằm trong số 110 trạm y tế trên toàn tỉnh được Sở Y tế Hà Tĩnh chọn làm mô hình điểm về quản lý, điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình. Đây cũng là trạm ghi nhận kết quả khả quan, được nhiều trạm y tế khác đến học tập và sắp tới sẽ nhân rộng mô hình này. “Đầu tư cho y tế cơ sở là chìa khóa then chốt để giảm gánh nặng cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người bệnh và gia đình. Đến nay 100% số bác sĩ của trạm y tế đã được đào tạo chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh mạn tính thường gặp theo nguyên lý y học gia đình và đào tạo cấp chứng chỉ siêu âm cơ bản”, BS Nguyễn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết.
 
 …đến sự chuyển đổi mô hình
 
 Theo chuyên gia, PGS, TS Phan Lê Thu Hằng (Bộ Y tế), cùng với sự thay đổi về quan điểm chăm sóc sức khỏe ban đầu, mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng đang trong quá trình chuyển đổi, từ mô hình chăm sóc sức khỏe truyền thống sang mô hình chăm sóc sức khỏe lồng ghép, liên tục suốt vòng đời, lấy người dân là trung tâm và dựa trên nền tảng y học gia đình. Việc chuyển đổi này nhằm đáp ứng linh hoạt và hiệu quả hơn với những thay đổi nhanh chóng về mô hình bệnh tật (xu hướng gia tăng các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm) cũng như tình trạng già hóa dân số. Với mô hình mới, việc sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung… cũng như quản lý sức khỏe cá nhân sẽ được triển khai thường quy ngay tại trạm y tế xã.
 
 Phân tích rõ hơn mô hình trạm tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, PGS, TS Phan Lê Thu Hằng cho biết, đó là việc chăm sóc phối hợp, chăm sóc toàn diện, chăm sóc liên tục, hướng cộng đồng, hướng gia đình, và hướng dự phòng, là tấm lá chắn đầu tiên (người gác cổng) của toàn bộ hệ thống y tế. Định hình nhóm nhân lực y tế thực hiện đầy đủ chức năng cung ứng toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã thay cho vai trò cá nhân bác sĩ gia đình. Nhóm nhân lực này không chỉ bao gồm những nhân viên cơ hữu tại trạm y tế xã mà bao gồm cả những nhân viên y tế tuyến trên (làm việc luân phiên tại trạm y tế xã, khám, chữa bệnh định kỳ tại trạm y tế xã hay hỗ trợ từ xa cho trạm y tế xã).
 
 Mô hình mới đòi hỏi yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, chất lượng nhân lực y tế cũng như sự linh hoạt hơn của mô thức quản trị. Bản thân các trạm y tế, y tế tuyến huyện khi lập hồ sơ theo dõi sức khỏe của người dân trên địa bàn theo nguyên lý y học gia đình, người bệnh sẽ được kết nối với bác sĩ tuyến dưới và cả tuyến trên qua ứng dụng công nghệ để được tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa hoặc được hội chẩn trực tuyến giữa các cơ sở y tế nhằm hướng tới mục tiêu nâng dần chất lượng.
 
 

 Theo quy định hiện hành, hệ thống y tế cơ sở là từ tuyến huyện trở xuống, trong đó trung tâm y tế huyện bao gồm trạm y tế xã, phường. Y tế thôn bản là cánh tay nối dài của trạm y tế.