Chìa khóa xuất khẩu bền vững

Dù được đánh giá là một trong những mặt hàng hưởng lợi lớn nhất từ hội nhập, song nông sản Việt cũng đang đối diện những hàng rào khắt khe với các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Vấn đề xây dựng chuỗi liên kết bền vững vẫn là giải pháp quan trọng để tháo gỡ những “điểm nghẽn” này.

Ðầu tư công nghệ chế biến sâu giúp các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nâng cao giá trị hàng hóa, thích ứng với xu hướng của thị trường. Ảnh: Ðình Ðức
Ðầu tư công nghệ chế biến sâu giúp các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nâng cao giá trị hàng hóa, thích ứng với xu hướng của thị trường. Ảnh: Ðình Ðức

Rủi ro từ xuất thô

Chanh leo, cà-phê, gạo… là những mặt hàng đầu tiên lên đường xuất khẩu (XK) sang một số quốc gia châu Âu, ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Ðiều này dễ hiểu, bởi, nông sản được đánh giá là một trong những mặt hàng có lợi thế lớn nhất về thuế trong EVFTA. Ðơn cử, ngay sau khi EVFTA được thực thi, sản phẩm chanh leo cô đặc chịu thuế 8% xuống 0%, dứa chịu thuế 13% về 0%, chuối chịu thuế 5% về 0%...

Các Hiệp định như EVFTA, Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết đã và đang mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt và nông sản được đánh giá là một trong những mặt hàng được hưởng lợi lớn nhất. Song, đây cũng là một trong những mặt hàng rất dễ “vấp” các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ phía đối tác.

Thí dụ mới nhất cho những trở ngại này là trường hợp một số đơn hàng XK thanh long của Việt Nam vừa bị Thái-lan trả lại khi Cơ quan Quản lý dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Thái-lan ban hành các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhập khẩu nông sản tươi của Việt Nam. Cam-pu-chia cũng đã từ chối nhập một số lô hồ tiêu của Việt Nam ngay tại cửa khẩu, sau khi phát hiện vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thị trường Trung Quốc cũng đang ngày càng siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm. Với thị trường châu Âu, mặc dù được giảm thuế theo EVFTA, nhưng hàng rào kỹ thuật rất khắt khe.

Trong khi, nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu xuất thô, hàm lượng chế biến thấp, chưa xây dựng được chuỗi sản xuất, XK khép kín nên giá trị nông sản của nước ta thường thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại ở các nước khác. Hiện sản phẩm chế biến nông nghiệp có giá trị gia tăng thấp của ta đang chiếm khoảng 70 - 85%; sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng lượng hàng XK.

Ngay cả với sản phẩm trái cây, mặt hàng được đánh giá là có cơ hội tăng trưởng XK, ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, các doanh nghiệp (DN) đóng gói và XK trái cây phần lớn dưới dạng thô, tỷ lệ chế biến sâu còn ít. Hiện cả nước có hơn 150 cơ sở chế biến đạt trình độ trung bình của thế giới, với sản lượng chế biến thực tế chỉ khoảng 500 nghìn tấn rau quả/năm. Trong khi một số nước cạnh tranh với Việt Nam như Thái-lan, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc đã đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm rau quả nhiệt đới đạt trình độ cao của thế giới, và đặc biệt đã xây dựng được các thương hiệu mạnh, nổi tiếng.

Về nguồn cung, đã từng có DN trao đổi thẳng thắn, để sản xuất nông sản thành sản phẩm XK chất lượng không chỉ dựa vào công nghệ mà còn phải giải quyết được vấn đề nguồn cung nguyên liệu. Ðã nhiều lần DN về những vùng nguyên liệu lớn để thu mua chè, sắn… nhưng đều không có hoặc có với số lượng ít. Tìm hiểu thì được biết, một số người dân và DN đứng ra thu mua nguyên liệu với số lượng lớn để bán lại cho thương lái nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng phân tích, cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các tổ chức, DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10 - 20%), gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành nông nghiệp. Ðây là những trở ngại lớn đối với các DN Việt Nam.

Chìa khóa xuất khẩu bền vững -0
 

Phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp

EVFTA là cánh cửa rộng cho nông sản XK bởi từ khi có hiệu lực, tổng trị giá XK nông sản sang Liên hiệp châu Âu (EU) đã tăng tới 32,4%. RCEP vừa được ký kết cũng được kỳ vọng sẽ là cơ hội đẩy mạnh XK nông sản sang ASEAN, Hàn Quốc và Trung Quốc. “Tuy nhiên, với những thị trường khó tính thì việc giữ được tăng trưởng tốt sẽ là bài toán rất khó khăn. Ðiều này đòi hỏi quản lý xuyên suốt từ giống, vật tư đầu vào, quy trình canh tác đến chế biến thì chúng ta mới trụ vững được. Giải quyết vấn đề này, DN cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm trong việc xây dựng chuỗi nông sản XK bền vững”, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm từ một DN đã nắm bắt tốt cơ hội XK, liên tục có các lô gạo xuất sang EU ngay khi EVFTA được thực thi, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho hay, kết quả này không đến ngẫu nhiên mà là cả quá trình dài đầu tư nghiêm túc. Trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, DN đã xây dựng cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư hơn 10 silo chứa lúa khô, có thể dự trữ khoảng 30 nghìn tấn, giúp không những bảo đảm chất lượng, mà cả số lượng sản phẩm theo yêu cầu đối tác. “Ðây được đánh giá là giải pháp quan trọng hàng đầu bởi nếu DN nắm được vùng trồng thì sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu”, ông Phạm Thái Bình khẳng định.

Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới” vào năm 2030. Mục tiêu này cũng đính kèm thêm việc Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7 - 8%/năm. Mục tiêu này cho thấy, nông sản sẽ không thể chỉ mãi xuất thô mà buộc phải xây dựng được chuỗi cung ứng toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ. Là nhóm hàng thiết yếu, nông sản luôn là mặt hàng thị trường có nhu cầu rất lớn. Nếu sản xuất bài bản, chắc chắn sẽ “ăn sâu, bám rễ tốt” vào các thị trường lớn của thế giới.

Tổ chức chuyên đề:

Lưu Hương, Ngô Phương Thảo, Lê Ðức Nghĩa